BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
334/QĐ-BXD
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ XÂY
DỰNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP
ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1845/QĐ-TTg
ngày 02/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 1296/QĐ-BXD ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương
trình hành động của Ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Chương
trình tổng thể về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Xây dựng giai đoạn
2021-2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Thủ tướng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ
Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu; Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố
Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai và các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- BT Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- Bộ Tài chính;
- Lưu; VT, KHTC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Sinh
|
CHƯƠNG TRÌNH
THỰC
HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 334/QĐ-BXD ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng
Bộ Xây dựng)
Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013, căn cứ Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày
02/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số
1296/QĐ-BXD ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình
hành động của Ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết của Quốc
hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Bộ Xây dựng ban
hành Chương trình tổng thể về Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí giai đoạn 2021-2025, với những nội dung chủ yếu
như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU,
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Mục
tiêu
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí (sau đây viết tắt là “THTK, CLP”) giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Xây
dựng là triệt để THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động,
phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống, ngăn chặn đại dịch
Covid-19 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các cơ quan,
đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Nhiệm vụ trọng tâm
Việc xây dựng và thực hiện Chương
trình THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025 là một giải pháp quan trọng nhằm tạo nguồn
lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu,... nhanh chóng phục hồi và phát triển các lĩnh vực thuộc
ngành Xây dựng, tạo đà khôi phục và
phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, công tác THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025
cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
a) Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu trong các lĩnh vực để khôi phục và phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, phấn đấu để
tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Xây dựng đạt từ 6-8%.
b) Tiếp tục quán triệt nguyên tắc
công khai, minh bạch và yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai nhiệm vụ, dự án, đề án; chỉ trình cấp có thẩm quyền
ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo
đảm; thực hiện đúng dự toán ngân sách nhà nước được Chính phủ giao.
c) Rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng
vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ
các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả.
d) Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo chất lượng,
hiệu quả.
đ) Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật,
góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công,
phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy
nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội.
e) Chống lãng
phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường;
hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản
lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tăng cường quản lý việc
thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trong lĩnh vực vật liệu xây dựng,
tài nguyên nước đảm bảo theo quy định tại Luật Khoáng sản, phù hợp với thực tế
quy mô và hiệu quả đầu tư.
g) Hoàn thành công tác tái cơ cấu
doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp ngành Xây dựng; đổi mới
căn bản, toàn diện, đồng bộ các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
h) Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy, giảm đầu mối. Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các
đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ,
quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
i) Tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển
đổi số quốc gia, gắn các mục tiêu thực hiện chuyển đổi số quốc gia với các mục
tiêu THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025.
k) Nâng cao nhận thức của các cán bộ,
công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu,
giải pháp về THTK, CLP. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như
thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gan với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời
nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan,
đơn vị.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ
CỤ THỂ TRONG THỰC HIỆN TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025 được
thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật
THTK, CLP, cụ thể như sau:
1. Trong quản
lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước
a) Thực hiện bảo đảm chi ngân sách
nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Chính phủ giao, trong đó
chú trọng các nội dung sau:
- Triệt để tiết kiệm các khoản chi
thường xuyên của ngân sách nhà nước (không kể tiền lương
và các khoản có tính chất lương). Rà soát các nhiệm vụ chi chưa
thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung ngân sách nhà nước ngoài dự toán, tổ
chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài..., dành
nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu,
thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải
cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số
27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
- Rà soát, tích hợp các chính sách,
chế độ an sinh xã hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tập
trung, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tránh trùng lặp, dàn trải.
Cắt giảm các chương trình, dự án, đề
án đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng kém hiệu quả. Không đề xuất mới
chương trình, dự án, đề án có nội dung trùng lặp, thiếu
tính khả thi, không thực sự cần thiết và chưa bố trí được nguồn kinh phí bảo đảm
thực hiện.
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ngân
sách nhà nước về khoa học trên tinh thần tiết kiệm, hiệu
quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng rõ trọng tâm, trọng điểm
nghiên cứu; tập trung giải quyết dứt điểm từng việc, không dàn trải, dây dưa
kéo dài làm lãng phí nguồn lực; hướng tới phục vụ sản xuất, kinh doanh, lấy doanh
nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khơi
thông nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên
nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19,
truyền cảm hứng, tôn trọng, tôn vinh trí thức, các nhà khoa học. Có cơ chế phân
chia lợi ích hợp lý đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà
nước, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thương mại hóa ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Thực hiện công khai về nội dung thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo
quy định pháp luật.
- Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách
nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với
các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa,
nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát
triển nhân lực chất lượng cao.
- Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách
nhà nước cấp cho sự nghiệp y tế. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động tổng thể các nguồn
lực cho đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở.
Thực hiện: các Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Tổ chức Cán bộ, Pháp chế, Khoa học công nghệ và môi trường; Thanh tra Bộ;
Trung tâm Thông tin; các đơn vị khối y tế và các đơn vị có liên quan.
b) Đổi mới hệ thống tổ chức và quản
lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh
thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Hoàn thành việc
giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập theo quy định tại
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tự
chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá dịch
vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm
2025, tiếp tục giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối
thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng
ngân sách nhà nước, quy định giá dịch vụ sự nghiệp công từng bước tính đủ các
chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính
sách hỗ trợ phù hợp; đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách
nhà nước thì giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định
giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy,
phù hợp với giá loại hình dịch vụ tương tự, cạnh tranh của các đơn vị cung ứng
dịch vụ trên thị trường; trừ các dịch vụ công nhà nước phải quản lý giá theo
quy định pháp luật về giá.
Thực hiện: các Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Tổ chức Cán bộ, Pháp chế; Thanh tra Bộ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
2. Trong quản
lý, sử dụng vốn đầu tư công
a) Về công tác đầu tư
Thực hiện có hiệu quả các quy định của
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung 03/2022/QH15 và các văn
bản hướng dẫn có liên quan.
Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu
tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả
năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ
thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.
Việc bố trí vốn
đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -
2030, Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm
2025 được phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12
tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phải thực hiện đúng thứ tự
ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08
tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu
chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -
2025 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/QH14.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải,
lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp
bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công
mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ
các quy định pháp luật.
Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tiến độ thực hiện dự án
và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường công tác quyết toán dự
án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết
toán dự án hoàn thành.
Thực hiện: các Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Tổ chức Cán bộ, Pháp chế; Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan.
b) Thường xuyên hướng
dẫn, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất
lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình,
giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng.
Thực hiện: Cục Giám định nhà nước về
chất lượng công trình xây dựng; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại
các địa phương và các đơn vị có liên quan.
c) Nâng cao chất lượng thẩm định báo
cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết
kế cơ sở. Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động
trong thi công xây dựng; thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành quy định
pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Thực hiện: các Cục Quản lý hoạt động
xây dựng; Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Kinh tế xây dựng;
Thanh tra Bộ; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại các địa phương và
các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Trong quản
lý chương trình mục tiêu quốc gia
Rà soát, tích hợp các chế độ, chính
sách có cùng mục đích, đối tượng, phạm vi giữa các Chương trình mục tiêu quốc
gia nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình; hạn chế đến mức tối
thiểu tình trạng trùng lặp, dàn trải, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn
vị quản lý, thực hiện Chương trình.
Việc bố trí kinh phí thực hiện các
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo khả năng
cân đối của ngân sách nhà nước và tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách nhà
nước, Luật Đầu tư công.
Sử dụng kinh phí các Chương trình mục
tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội
dung hỗ trợ đầu tư và đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả
Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới;...
Thực hiện: các Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Tổ chức Cán bộ, Quy hoạch kiến trúc, Khoa học công nghệ và môi trường;
các Cục Phát triển đô thị, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý nhà và thị trường Bất
động sản; Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan.
4. Trong quản lý,
sử dụng tài sản công
Tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu
quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công
theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản
công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích,
tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hướng
đến mục tiêu năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý
nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; kiên quyết thu hồi các tài
sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử
lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng
phí, thất thoát tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu
giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử
lý nghiêm các sai phạm.
Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng
tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai,
minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua
sắm tập trung, mua sắm qua mạng đấu thầu quốc gia. Hạn chế
mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền.
Có cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả
việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho
thuê, liên doanh, liên kết. Chỉ sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê,
kinh doanh, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được pháp luật quy định,
có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo theo các yêu cầu quy
định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; kiên quyết chấm dứt,
thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh,
liên kết không đúng quy định.
Tăng cường quản lý tài sản được hình
thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
vốn nhà nước, đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tăng nguồn thu
cho ngân sách nhà nước. Thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng
vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm
thất thoát, lãng phí tài sản.
Thực hiện: các Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Tổ chức Cán bộ, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Văn phòng Bộ; Thanh
tra Bộ và các đơn vị có liên quan.
5. Trong quản lý,
khai thác, sử dụng tài nguyên
a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra,
giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật đối với quy hoạch thăm dò, khai
thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng khai thác, sử dụng
hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Thực hiện: Thanh tra Bộ, Vụ Vật liệu
xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng và các đơn vị có liên quan.
b) Thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu
khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc
khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Thực hiện nghiêm các quy định về
đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản.
Thực hiện: Vụ Vật liệu xây dựng, Viện
Vật liệu xây dựng và các đơn vị có liên quan.
c) Thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thủ
tướng Chính phủ giao tại Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm
2021, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó
với biến đổi khí hậu.
Thực hiện: Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Phát triển đô thị và các đơn vị có liên quan.
d) Đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu
chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn
môi trường đạt 92%, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt
100%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%.
Thực hiện: Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Phát triển đô thị và các đơn vị có liên quan.
g) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách,
tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng,
khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cát nghiền thay thế cát tự nhiên gắn với giải
pháp phát triển ổn định bền vững, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu xây dựng
tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường;
vật liệu xây dựng phục vụ công trình biển đảo; tăng cường công tác đánh giá hợp
chuẩn, hợp quy kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để đảm
bảo phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời quản lý hiệu quả hơn về
các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu.
Thực hiện: Các Vụ: Vật liệu xây dựng,
Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Pháp chế, Cục Kinh tế xây dựng, Viện Vật
liệu xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và các Cục, Vụ, Viện có liên
quan; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại các địa phương.
6. Trong quản lý,
sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp
Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng,
vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh
tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó, tiết giảm
tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp
tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước theo các định hướng đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; thu gọn
đối tượng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, tập
trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng.
Tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần
hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm
các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin. Đổi mới
cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước,
trong đó, tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ gắn với
giám sát chặt chẽ việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định,
thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo mục tiêu đến năm
2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong
những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty
nhà nước. Thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu
nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả
nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo nguồn thu
từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quản lý tập trung và
chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc
gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh
nghiệp nhà nước then chốt quốc gia thuộc các lĩnh vực Nhà nước đầu tư và nắm giữ
vốn theo quy định.
Thực hiện: các Vụ Quản lý doanh nghiệp,
Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức cán bộ và các doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ
Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
8. Trong quản lý,
sử dụng lao động và thời gian lao động
a) Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp
hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ
quan, tổ chức. Đẩy mạnh tinh giản biên
chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh
đạo.
Thực hiện: các Vụ Tổ chức cán bộ,
Pháp chế, Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng Bộ và các đơn vị hành chính, sự nghiệp
trực thuộc Bộ.
b) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải
pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng suất lao động theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và Chỉ thị số 07/CT-TTg
ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng năng suất
lao động quốc gia.
Thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ và các
đơn vị trực thuộc Bộ.
d) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất
là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc kiện
toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên
nghiệp, phục vụ nhân dân. Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh
nghiệp hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ; Văn
phòng Bộ; Trung tâm thông tin và các Cục, Vụ, Viện có liên quan; các cơ quan quản
lý nhà nước ngành Xây dựng tại các địa phương.
e) Hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng quy hoạch,
kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, thị
trường bất động sản.
Thực hiện: Vụ Quy hoạch Kiến trúc và
các Cục, Vụ, Viện có liên quan; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại
các địa phương.
g) Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu,
hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo
kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế
minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản.
Thực hiện: Cục Quản lý nhà và thị trường
bất động sản và các Cục, Vụ có liên quan; các cơ quan quản lý nhà nước ngành
Xây dựng tại các địa phương.
h) Bổ sung các quy định, nâng cao
năng lực quản lý, quản trị và mở rộng dung lượng đầu vào của
hệ thống Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây
dựng, quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản
lý phát triển đô thị.
Tiếp tục số hóa và chuyển đổi dữ
liệu quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị toàn quốc về định dạng
phù hợp để đăng tải công khai lên mạng điện tử. Tập trung
xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý nhà ở,
thị trường bất động sản và hệ thống thông tin, dữ liệu về
phát triển đô thị có khả năng kết nối, tích hợp và liên thông với cơ sở dữ liệu
quốc gia về đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan.
Thực hiện: Trung tâm thông tin, Vụ
Quy hoạch Kiến trúc, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Phát triển
đô thị và các Cục, Vụ có liên quan; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng
tại địa phương.
9. Nâng cao hiệu
quả công tác đối ngoại, thông tin, truyền thông
a) Nghiên cứu rà soát, lồng ghép,
phát hiện các nội dung chưa tương thích với hội nhập quốc tế và thực hiện các
cam kết quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế Việt Nam mới gia nhập (CPTPP,
EVFTA, RCEP...) để điều chỉnh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo
thực hiện tốt công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết mở cửa
thị trường ngành Xây dựng.
- Thực hiện: Vụ Hợp tác quốc tế, Pháp
chế; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương và các đơn vị
có liên quan.
b) Coi trọng công tác truyền thông,
tuyên truyền chính sách và tuyên truyền xây dựng Ngành. Thực hiện nghiêm quy chế
người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin
đầy đủ, kịp thời, chính xác về các hoạt động của Ngành và những vấn đề dư luận
quan tâm; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng đến hoạt động của
Ngành.
- Thực hiện: Học viện cán bộ quản lý
xây dựng và đô thị; Văn phòng Bộ, Trung tâm thông tin; các đơn vị khối thông
tin truyền thông; các Cục, Vụ có liên quan; các cơ quan quản lý nhà nước ngành
Xây dựng tại địa phương.
III. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
1. Tăng cường
công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP
Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ; Giám
đốc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch
- Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải - xây dựng có trách
nhiệm chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP của
giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng, chủ trương của Đảng về THTK, CLP, xác định
đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt cả nhiệm kỳ công tác. Xây dựng kế hoạch
thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng năm, từng lĩnh vực được
giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng
cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá
thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
2. Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP
a) Đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp
luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên
quan đến THTK, CLP với các hình thức đa dạng nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức,
trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP.
b) Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với
các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí địa phương để
thực hiện tuyên truyền, vận động về THTK, CLP đạt hiệu quả.
c) Các cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức THTK, CLP tại địa
phương nơi sinh sống.
d) Kịp thời biểu dương, khen thưởng
những gương điển hình trong THTK, CLP theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng.
3. Tăng cường
công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số
lĩnh vực sau:
a) Về quản lý ngân sách nhà nước
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý
chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích
phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước,
gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cá thể
hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn
lực tài chính công.
b) Về quản lý vốn đầu tư công
Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo
nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế
cơ sở, dự toán xây dựng. Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng,
an toàn lao động trong thi công xây dựng; thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ, chấp
hành quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng để kiểm
soát chặt chẽ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết
kiệm, tránh lãng phí.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến
độ các Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, “Hoàn thiện hệ thống
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”, “Áp dụng mô hình
thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công
trình”; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ
sung, kéo dài thời gian thực hiện trong trường hợp cần thiết.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng về
quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở đáp ứng yêu cầu về phòng chống thiên tai
và biến đổi khí hậu. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn,
tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng,
suất đầu tư xây dựng công trình phục vụ các ngành kinh tế.
d) Về quản lý, sử dụng tài sản công
Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm điểm
trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ
chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.
đ) Về thực hiện cơ chế tài chính đối
với đơn vị sự nghiệp công lập
Ban hành và thực hiện đồng bộ các cơ
chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp
công lập.
Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp
công sử dụng ngân sách nhà nước, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự
nghiệp công.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế,
chính sách, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công.
Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng,
nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế
đấu thầu cung cấp dịch vụ, giảm dần phương thức giao nhiệm vụ nhàm tạo sự cạnh
tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và
đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.
Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao
năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao
chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của
xã hội.
e) Về quản lý tài nguyên, khoáng sản
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy
hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng
khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng khai thác, sử
dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
g) Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp
Thực hiện giám sát tài chính, đánh
giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính đối với
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo
quy định hiện hành.
Hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh
nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
i) Về quản lý lao động, thời gian lao
động
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp
luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tinh giản biên chế theo
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết
số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Rà soát các văn bản hiện
hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp, khắc phục những
hạn chế, vướng mắc và bảo đảm tinh gọn bộ
máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm
và cơ cấu ngạch công chức theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm
2020 của Chính phủ, vị trí việc làm viên chức theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ làm căn cứ cho việc quản lý, sử dụng lao
động, thời gian lao động hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền
lương.
Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức
và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm
cán bộ và tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức để thu hút được người có
năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4. Đẩy mạnh thực
hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát THTK, CLP
a) Các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các
quy định về công khai minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra,
giám sát THTK, CLP.
b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử
dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định
của Luật THTK, CLP và các luật chuyên ngành; trong đó, chú trọng thực hiện công
khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công
khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật.
c) Nâng cao công tác phối hợp giữa
các bộ, ngành, địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể để
thực hiện kiểm tra, giám sát, phản biện các chính sách, chương trình, dự án, đề
án nhằm nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP.
d) Thực hiện công khai hành vi lãng
phí, kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định.
5. Kiểm tra,
thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK,
CLP và pháp luật chuyên ngành. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể
liên quan đến THTK, CLP, trong đó:
a) Xây dựng kế hoạch và tập trung tổ
chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm, cụ thể cần tập
trung vào các lĩnh vực sau:
- Tình hình triển khai thực hiện các
dự án đầu tư công;
- Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc;
- Mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng
phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc; trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh,
chữa bệnh phục vụ hoạt động của các cơ sở y tế do ngân sách nhà nước cấp kinh
phí;
- Thực hiện chính sách, pháp luật về
cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Sử dụng tài sản công vào mục đích
kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết;
- Quản lý, sử dụng và khai thác tài
nguyên, khoáng sản.
Thực hiện: Thanh tra Bộ và các đơn vị
có liên quan.
b) Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây
dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm
tra, tự kiểm tra tại đơn vị cấp dưới trực thuộc.
c) Đối với những vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, thủ trưởng đơn
vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện
pháp xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với
người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Quyết liệt
trong xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra để thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền,
tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng sai quy định, lãng phí phát hiện qua
công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời có cơ chế khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, tổ
chức có đóng góp cho công tác THTK, CLP, tạo tính lan tỏa sâu rộng.
6. Đẩy mạnh cải
cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục
hành chính, điều kiện kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định
thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo
đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu,
dễ thực hiện.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên
chức trong thực thi công vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện Chính phủ điện
tử, hướng tới Chính phủ số. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính
công của nhưng đối tượng khó khăn đặc thù. Thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc
trên môi trường mạng, chuyển đổi từng bước việc điều hành
dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số
09/2019/NĐ-CP .
Hoàn thiện hệ thống thông tin giải
quyết các thủ tục hành chính Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số
45/2020/NĐ-CP. Hoàn thành kết nối, liên thông giữa các cơ
quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và
các doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phủ hợp với hoạt
động của Chính phủ số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
Các đơn vị tiền khai có hiệu quả pháp
luật THTK, CLP gắn với công tác phòng chống tham nhũng.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ Chương trình tổng thể về
THTK, CLP của Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ, xây dựng Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 của cơ quan,
đơn vị để triển khai thực hiện, hoàn thành trong tháng 3/2022.
Chương trình THTK, CLP giai đoạn
2021-2025 của cơ quan, đơn vị cần thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ
tiêu THTK, CLP của giai đoạn 2021- 2025, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng,
xuyên suốt cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các mục
tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng năm, từng lĩnh vực; phân công rõ ràng trách
nhiệm của từng bộ phận, tập thể, cá nhân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm. Quy định kết quả
THTK, CLP là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
2. Các cơ quan, đơn vị thực hiện sơ kết,
tổng kết, nhằm đánh giá tình hình THTK, CLP, kịp thời biểu dương, khen thưởng
nhưng gương điển hình trong THTK, CLP; bảo vệ người cung cấp thông tin chống
lãng phí. Qua đó tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức và trách
nhiệm công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu trong
THTK, CLP.
3. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ
Xây dựng có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP
giai đoạn 2021-2025 của đơn vị, bảo đảm phù hợp với Chương trình THTK, CLP giai
đoạn 2021-2025 của Bộ Xây dựng; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết
kiệm và yêu cầu THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước;
xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp cần thực hiện để đạt được mục
tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong giai đoạn 2021-2025 của doanh nghiệp. Báo cáo
tình hình và kết quả thực hiện Chương trình THTK, CLP đúng thời hạn theo quy định.
4. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước
do Bộ Xây dựng làm chủ sở hữu, Người đại diện phần vốn nhà
nước có trách nhiệm thực hiện những quy định về THTK, CLP
trong việc thực hiện quản lý vốn nhà nước được giao tại doanh nghiệp theo đúng
quy định của pháp luật hiện hành.
5. Các cơ quan, đơn vị lập báo cáo
tình hình và kết quả thực hiện Chương trình THTK, CLP định kỳ 06 tháng và hàng
năm gửi Bộ Xây dựng (Vụ Kế hoạch - Tài chính) theo đúng quy định thời gian và mẫu
biểu báo cáo.
6. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính theo
dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình này, tổng hợp kết quả THTK, CLP trong phạm
vi, lĩnh vực quản lý và lập báo cáo định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo THTK,
CLP gửi Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền đúng thời hạn quy định.
Vụ Kế hoạch -
Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng
kế hoạch kiểm tra và kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện các quy định của
pháp luật về THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, trong đó bao gồm nội dung về triển khai thực hiện Chương trình tổng
thể về THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 của Bộ Xây dựng và việc xây dựng, thực hiện
Chương trình THTK, CLP của các cơ quan, đơn vị./.