Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 560/BC-BYT Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
Ngày ban hành: 27/04/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 560/BC-BYT

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2023

BÁO CÁO

TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 659/QĐ-TTG NGÀY 20/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2020-2022

Kính gửi:

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà;

Đồng kính gửi:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg (Quyết định số 659/QĐ-TTg) phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 (Chương trình). Chương trình được tổ chức triển khai trên toàn quốc với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Qua ba năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, Chương trình đã được các Bộ ngành, địa phương nỗ lực triển khai, từng bước phát huy được hiệu quả.

Với nhiệm vụ của Bộ Y tế được giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg về báo cáo triển khai Chương trình, trên cơ sở tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện1 của 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (Phụ lục số 1); 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ý kiến đóng góp của các cơ quan, địa phương2 (Phụ lục số 2); ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế3; Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ triển khai sau 03 năm thực hiện như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2022 TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp (Chỉ tiêu đạt 100% vào năm 2025 và kết nối vào năm 2030).

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở lao động trên địa bàn: 09 địa phương (đạt 14,3%) đã xây dựng và cập nhật đến năm 2022; 23 địa phương (36,5%) đang tiến hành xây dựng; 26 địa phương (41,3%) chưa tiến hành xây dựng và 05 địa phương (7,9%) không có báo cáo.

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp người lao động trên địa bàn: 06 địa phương (9,5%) báo cáo đã xây dựng và cập nhật đến năm 2022; 51 địa phương (81%) chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp và 06 địa phương (9,5%) không có báo cáo.

2. Quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp (Tỷ lệ % các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý trên tổng số cơ sở lao động có yếu tố có hại: Chỉ tiêu đạt 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030): 25 địa phương (39,7%) báo cáo đạt mục tiêu đề ra. 34 địa phương (54%) chưa đạt chỉ tiêu (mới quản lý dưới 50%) và 04 địa phương (6,3%) không có báo cáo.

3. Kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động (Tỷ lệ phần trăm (%) các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động: Chỉ tiêu đạt 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030): 18 địa phương (28,6%) đạt trên 30% và 42 địa phương (66,6%) đạt dưới 30%; Có 03 địa phương (4,8%) không có số liệu; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc với đặc thù là tỉnh công nghiệp trọng điểm với số lượng cơ sở lao động lớn nhưng chưa được thống kê số liệu4.

4. Lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở (Tỷ lệ số huyện/xã lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại y tế cơ sở): Chỉ tiêu đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030: Chưa được các địa phương chú trọng triển khai.

a) Tỷ lệ lồng ghép vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến huyện: Có 13 địa phương (20,6%) báo cáo 100% số huyện lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động CSSKBĐ; 28 địa phương (khoảng 44,4%) không báo cáo.

b) Tỷ lệ lồng ghép vào hoạt động CSSKBĐ tại tuyến xã: Có 15 địa phương (23,8%) đạt từ 40% trở lên, và có tới 31 địa phương (49,2%) không báo cáo tình hình thực hiện chỉ số này.

c) Tỷ lệ cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, lao động phù hợp với sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc. Hiện mới chỉ có 17 địa phương (27%) báo cáo thực hiện chỉ số này đạt từ 50% trở lên, trong đó có 04 địa phương (Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Trà Vinh) báo cáo thực hiện 100% cơ sở lao động tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe dinh dưỡng tăng cường vận động; 32 địa phương (50,8%) báo cáo thực hiện chỉ số này đạt dưới 50%; hiện có 14 địa phương (24,2%) không có báo cáo việc thực hiện chỉ số này.

Số địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện chỉ số này còn hạn chế, do vậy cần tăng cường hướng dẫn và thúc đẩy các địa phương thực hiện chỉ số này mới đảm bảo được các địa phương tổ chức triển khai và đạt hiệu quả vào các kỳ báo cáo.

5. Quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (Tỷ lệ người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp): Chỉ tiêu đạt 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

a) 21 địa phương (33,3%) báo cáo tỷ lệ tiếp cận đạt trên 50%; 35 địa phương (55%) đạt dưới 50%. Đặc biệt là những địa phương là vùng công nghiệp trọng điểm như Bắc Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu có tỷ lệ tiếp cận thông tin về yếu tố có hại và các biện pháp phòng chống của người lao động thấp dưới 20%.

b) Hiện mới có 07 địa phương (11,1%) thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho trên 50% số người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp5; 49 địa phương (77,8%) thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho dưới 50% số người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và 7 địa phương không báo cáo về tình hình thực hiện chỉ số này6.

6. Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng (Tỷ lệ người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng): Chỉ tiêu đạt 100%.

a) Việc thực hiện chỉ tiêu điều trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định toàn bộ người lao động sau khi được khám chẩn đoán bệnh nghề nghiệp đều phải được giám định và được điều trị bệnh nghề nghiệp mắc phải. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 15 địa phương (23,8%) báo cáo tỷ lệ thực hiện khám điều trị cho người lao động sau khi được phát hiện bệnh nghề nghiệp đạt 100%. Toàn bộ người bị bệnh nghề nghiệp được điều dưỡng phục hồi chức năng đã được quy định bởi Luật An toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên mới chỉ có 17 địa phương (27%) thực hiện được nội dung này đạt 100%.

b) Người bị tai nạn lao động được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng: Việc thực hiện các quy định về sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, điều trị sau khi bị tai nạn cho người lao động tại nơi làm việc được các địa phương làm tương đối tốt. Đã có 37 tỉnh (58,7%) báo cáo thực hiện đầy đủ việc sơ cứu, cấp cứu, khám, điều trị sau khi bị tai nạn lao động cho người lao động bị tai nạn lao động tại nơi làm việc đạt 100%. Tỷ lệ người bị tai nạn lao động được phục hồi chức năng sau tai nạn lao động: Có 24 địa phương (38,1%) thực hiện phục hồi chức năng cho 100% số người lao động bị tai nạn lao động trên địa bàn.

7. Người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ). Chỉ tiêu đạt 100% vào năm 2030.

a) Đối với lao động nữ, chỉ số theo dõi người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ) chưa được các địa phương chú trọng triển khai. Các quy định đối với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ đã có nhưng việc triển khai trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo báo cáo của các địa phương còn nhiều hạn chế. Mới chỉ có 6 địa phương có tỷ lệ người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ) đạt 100%. Ngoài ra có tới 23 địa phương báo cáo tình hình thực hiện chỉ số này đạt tỷ lệ dưới 50%7.

b) Tỷ lệ % người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS (Chỉ tiêu: Đạt 100% vào năm 2030). Chỉ số này cũng tương thích với chỉ số tư vấn về sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ, các địa phương chưa quan tâm triển khai và báo cáo việc thực hiện. Cụ thể chỉ có 6 địa phương (9,5%) báo cáo người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

8. Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động (Chỉ tiêu giảm 15% và 25% số vụ ngộ độc thực phẩm vào năm 2025 và năm 2030 so với 2010-2018). Công tác thống kê các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các địa phương phần lớn chỉ ghi nhận dưới 10 vụ/năm (55 địa phương). Vẫn còn 8 tỉnh không có báo cáo về công tác an toàn thực phẩm trong các cơ sở lao động.

Số liệu chi tiết của từng tỉnh có trong Phụ lục số 3 và số 4.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg , Bộ Y tế đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai Quyết định; yêu cầu các Bộ/ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng và phê duyệt kế hoạch chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp và đảm bảo các điều kiện cần thiết, bố trí kinh phí để triển khai trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Bộ/ngành trong giai đoạn 2020-20308.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, phổ biến quán triệt Quyết định số 659/QĐ-TTg và tiến hành xây dựng các kế hoạch triển khai công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ trong giai đoạn 2020-2030 với những đặc thù lao động của ngành lĩnh vực9. Tuy nhiên vẫn còn một số Bộ/ngành chưa báo cáo để Bộ Y tế tổng hợp10.

Tại các địa phương: Nhìn chung công tác tổ chức triển khai tại các địa phương được triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Các địa phương đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và phổ biến đối với các Sở Ban ngành trực thuộc đồng thời chỉ đạo Sở Y tế xây dựng Quyết định và Kế hoạch triển khai trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt và triển khai trong giai đoạn 2020-2030. Các nội dung kế hoạch của địa phương về cơ bản đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phân công để triển khai tại các cơ sở lao động nằm trên địa bàn.

Kết quả tổng hợp cho thấy đã có 54/63 địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai và phân bổ kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg (Chi tiết tại Phụ lục số 5), vẫn còn 09/63 địa phương chưa ban hành quyết định và kế hoạch triển khai11.

Trên cơ sở hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố phổ biến, triển khai đầy đủ và sâu rộng nội dung Quyết định số 659/QĐ-TTg đến cơ sở lao động, người lao động và người sử dụng lao động trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở đó các Bộ ngành và địa phương đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

2. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật

Thực hiện rà soát, đánh giá việc triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn triển khai nhằm đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về y tế lao động, vệ sinh lao động và các quy định chuyên môn, thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, điều trị, phục hồi chức năng.

Trong năm 2021 và 2022, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng và đã bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi và chế độ chính sách cho những đối tượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 như cán bộ nhân viên y tế, lực lượng an ninh quốc phòng và các thành phần khác tham gia phòng chống dịch COVID-1912.

Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy13 có liên quan đến các nội dung chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra các văn bản pháp quy khác có liên quan đang được dự thảo, rà soát, sửa đổi và bổ sung14.

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật y tế và tin học hóa

Vấn đề đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cũng đã được các tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm quan tâm và đầu tư, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đến năm 2025. Các địa phương và các đơn vị ở Trung ương đã từng bước đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động tại các tuyến, giám sát sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh nghề nghiệp, điều trị và phục hồi chức năng.

Hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: (i) Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng dự thảo 152 Quy chuẩn Quốc gia về vệ sinh lao động của các yếu tố hóa học trong môi trường lao động hiện đang lấy ý kiến các Bộ/ngành để hoàn thiện; (ii) Xây dựng hướng dẫn chuyên môn điều trị các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; (iii) Rà soát sửa đổi bổ sung Quyết định số 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động.

Nội dung đào tạo nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn: Bộ Y tế đã thực hiện tập huấn nâng cao năng lực hệ thống y tế lao động từ trung ương đến địa phương nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Trong đó tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng chống các nhóm bệnh nghề nghiệp để tuyên truyền cho 03 nhóm đối tượng (người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ y tế)15. Từng bước tăng cường đào tạo nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý tại tuyến tỉnh; ưu tiên đào tạo lại cho cán bộ y tế cơ sở, y tế tại cơ sở lao động.

Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng Hướng dẫn kiểm tra cơ sở công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, các phòng khám bệnh nghề nghiệp được cấp phép khám bệnh nghề nghiệp. Những nội dung hướng dẫn dần dần từng bước thể chế hóa và hướng dẫn chuyên môn cho công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn đối với địa phương, phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép và đơn vị đã công bố thực hiện quan trắc môi trường lao động. Những nội dung kiểm tra này bước đầu đã được Sở Y tế các địa phương quan tâm và thực hiện định kỳ.

Nội dung tin học hóa các hoạt động quản lý chăm sóc sức khỏe người lao động: kế hoạch triển khai tin học hóa hệ thống báo cáo về y tế lao động từ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được xây dựng nhằm cung cấp thông tin cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp16.

Công tác củng cố tổ chức y tế cơ sở, thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động đã được chú trọng triển khai trong thời gian vừa qua thông qua các hoạt động (i) Khảo sát thực trạng người làm công tác y tế tại cơ sở lao động; (ii) Đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho người lao động tại một số địa phương nhằm đề xuất quy định, giải pháp củng cố mạng lưới y tế tại cơ sở lao động, tăng cường dịch vụ y tế lao động cơ bản cho người lao động.

Hoạt động triển khai nhân rộng mô hình phòng chống bệnh tật tại nơi làm việc, phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp đã được chú trọng triển khai thông qua các nội dung: (i) Đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình y tế lao động khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động; (ii) Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm ở người lao động tại nơi làm việc; (iii) Tổ chức khảo sát tình trạng dinh dưỡng của người lao động tại một số ngành nghề để xây dựng hướng dẫn hiệu quả bữa ăn ca cho người lao động nhằm từng bước cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động, hướng đến dinh dưỡng cân bằng và hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe và khả năng lao động của người lao động.

Đánh giá các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp mới phát sinh: Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu đề xuất bổ sung bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc ethylen trong tình hình mới; Nghiên cứu đề xuất bệnh nhiễm độc thiếc hữu cơ ở người lao động tiếp xúc.

Nội dung rà soát xây dựng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người lao động hiện đang tập trung: (i) Xây dựng dự thảo phác đồ điều trị các bệnh nghề nghiệp trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và triển khai thí điểm trị liệu phục hồi chức năng rối loạn cơ xương khớp nghề nghiệp ở người lao động; (ii) Rà soát, đánh giá các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với hướng dẫn phân loại sức khỏe người lao động (tại Quyết định 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 về ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động).

Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại nơi làm việc tập trung vào xây dựng hướng dẫn sơ cấp cứu tại nơi làm việc; xây dựng phác đồ điều trị, giám định, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Củng cố tổ chức y tế, năng lực cán bộ y tế cơ sở nhằm đảm bảo thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát yếu tố có hại tại nơi làm việc.

4. Về truyền thông và vận động xã hội

Trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình, Bộ Y tế và các địa phương đã căn cứ vào nguồn lực hiện có, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của quốc gia như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam từng bước tăng cường công tác thông tinh truyền thông về yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tuyên truyền về chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong công tác quản lý chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ, ngành triển khai Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động hằng năm (2021 và 2022) kết hợp với thực hiện Đối thoại doanh nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp nhằm thúc đẩy và thông tin truyền thông theo yêu cầu của Luật An toàn vệ sinh lao động. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào việc phổ biến tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động về các biện pháp bảo vệ, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp, dinh dưỡng hợp lý, phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe cho người lao động.

Các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam cũng đã lồng ghép thông tin truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các nội dung thông tin và phát sóng của đơn vị17.

Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại và yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo và cập nhật web-site; in ấn phổ biến các tài liệu truyền thông18.

5. Nghiên cứu, theo dõi, giám sát, hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực hợp tác quốc tế

Bộ Y tế đã tăng cường nghiên cứu khoa học xây dựng các Quy chuẩn quốc gia về vệ sinh lao động trong môi trường lao động nhằm tạo tiền đề ban hành các Quy chuẩn vệ sinh lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý và giám sát môi trường lao động. Bộ Y tế và các Sở Y tế đã phối hợp chỉ đạo, điều hành, giám sát và báo cáo y tế lao động và bệnh nghề nghiệp tại các tuyến. Hằng năm đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hoạt động của các đơn vị đã công bố năng lực quan trắc môi trường lao động và các cơ sở y tế đã được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp19.

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y thế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong giai đoạn 2020 đến 2022 WHO và ILO đã hỗ trợ ngành Y tế trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19, kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại các địa phương và các khu công nghiệp tập trung. Năm 2021, Bộ Y tế đã ký Biên bản hợp tác với Cơ quan An toàn vệ sinh lao động Hàn Quốc (KOSHA) để phối hợp triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Hợp tác tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát môi trường lao động, chẩn đoán dự phòng các bệnh nghề nghiệp và tăng cường công tác truyền thông về các yếu tố có hại và dự phòng bệnh nghề nghiệp trong môi trường lao động.

Nhìn chung các giải pháp thực hiện trong giai đoạn ba năm đầu được triển khai Chương trình đã từng bước giúp nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, tạo tiền đề và cơ sở để triển khai thành công trong giai đoạn đến năm 2025 và khi kết thúc Chương trình vào năm 2030.

6. Triển khai các dự án của Chương trình

Đến nay Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Dự án số 4 và số 5) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Dự án số 11).

Với các dự án ưu tiên để thực hiện do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3431/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ Y tế triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg trong đó phân công và kết quả thực hiện trong Phụ lục số 6 kèm theo.

III. VỀ KINH PHÍ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2020-2022

Trong giai đoạn khó khăn về dịch bệnh và ngân sách, Bộ Y tế và các địa phương cũng đã nỗ lực phê duyệt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025 và 2030 và bố trí một số nguồn lực nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai Chương trình đạt hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

1. Bộ Y tế

Trong giai đoạn 2020 - 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí trong bối cảnh đại dịch lây lan nhanh và mọi nguồn lực của ngành y tế tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nỗ lực bố trí một số nguồn lực và kinh phí nhất định để bắt đầu thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Chương trình tại một số đơn vị của Bộ.

Năm 2020 do Quyết định được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 5 nên Bộ Y tế chưa bố trí được nguồn kinh phí triển khai. Năm 2021 và 2022, Bộ Y tế đã bố trí kinh phí theo kế hoạch 22,5 tỷ đồng để triển khai. Một số hoạt động của các Viện chưa triển khai được do nguyên nhân khách quan dịch bệnh COVID-19 lan rộng trong các khu công nghiệp và cơ sở lao động (số giải ngân trên 14 tỷ đồng).

2. Các Bộ/ngành

Kinh phí của các Bộ/ngành được lồng ghép trong kinh phí sự nghiệp của các Bộ/ngành đối với công tác y tế, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Các Bộ/ngành không báo cáo số liệu chi tiết về kinh phí triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các địa phương

Đối với công tác phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí triển khai tại 54 tỉnh (Phụ lục số 5), kết quả tổng hợp cho thấy:

- 35 địa phương phê duyệt kế hoạch nhưng chưa phân bổ kinh phí để tổ chức triển khai;

- 03 địa phương mới báo cáo kế hoạch của ngành y tế triển khai, chưa có phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh (Nam Định, Ninh Thuận và Tây Ninh);

- 16 địa phương báo cáo có bố trí kinh phí cho giai đoạn 5 năm 2021-2025. Các địa phương còn lại Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố mới chỉ cấp kinh phí triển khai Chương trình cho năm 2020 (20 địa phương), năm 2021 (24 địa phương), và năm 2022 (21 địa phương).

Trung bình kinh phí hằng năm của các tỉnh đưa vào kế hoạch đạt 187 triệu đồng/tỉnh/năm; thấp nhất là tỉnh Ninh Thuận với 20,5 triệu đồng/năm và cao nhất là Lào Cai báo cáo kinh phí phê duyệt mức 5 tỷ đồng/năm. (Tổng hợp địa phương đã ban hành kế hoạch và kinh phí triển khai tại Phụ lục số 5).

IV. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THỰC HIỆN, THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ TỒN TẠI, NGUYÊN NHÂN

1. Đánh giá chung

Quyết định số 659/QĐ-TTg được ban hành ngày 20/5/2020. Thời gian triển khai Chương trình trong hơn hai năm qua là thời gian đất nước phải gồng mình phòng và chống đại dịch COVID-19 nên kết quả thực hiện ở Trung ương và địa phương nhưng chưa đạt được như kỳ vọng; nhất là trong thời gian dịch bệnh lây lan phát tán trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh công nghiệp trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... thì công tác phòng chống dịch được đặt ưu tiên hàng đầu.

Các Bộ ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức triển khai Chương trình ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ ngành đã tổ chức nghiên cứu và ban hành các văn bản chỉ đạo trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ/ngành.

Chương trình hành động của Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động và đề xuất kinh phí để tổ chức triển khai cho cả giai đoạn trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị.

Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp từng bước đã được thay đổi và nâng cao. Người sử dụng lao động đã có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động, tuân thủ thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp đối với người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực quan trắc môi trường lao động và khám bệnh nghề nghiệp đã được tăng cường. Trong hơn hai năm triển khai đã bổ sung 81 đơn vị được công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động và có 35 đơn vị được cấp phép khám bệnh nghề nghiệp. Hiện cả nước có 218 đơn vị công bố thực hiện quan trắc môi trường lao động và 103 đơn vị được cấp phép khám và điều trị bệnh nghề nghiệp.

Đến nay phần lớn các địa phương (54/63 tỉnh thành phố) có báo cáo đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg. Việc phê duyệt kế hoạch là cơ sở để địa phương phân bổ kinh phí thực hiện và triển khai các hoạt động của Chương trình và là tiền đề để triển khai trong giai đoạn tới.

2. Các thuận lợi, khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

2.1. Thuận lợi

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp đã được xây dựng và ban hành cho đến nay là tương đối đầy đủ, gồm Luật An toàn vệ sinh lao động, các Nghị định20, các Thông tư của ngành y tế21 và các Bộ, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương.

- Sự quan tâm và vào cuộc tích cực của các Bộ ngành, địa phương và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương; là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của Chương trình.

- Nhận thức của người sử dụng lao động, đặc biệt là người lao động đối với các quyền lợi được chăm sóc về sức khỏe, được hưởng các dịch vụ y tế tại cơ sở lao động giúp một bộ phận người lao động nhận thức và có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình trước các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động, chủ động phòng chống bệnh nghề nghiệp từ sớm.

- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, người sử dụng lao động đã và đang quan tâm và thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Thông qua hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế trong đó có các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, các cơ sở lao động có liên quan đến hoạt động xuất khẩu hàng dệt may, điện tử và một số ngành khác đã có được sự tuân thủ về công tác an toàn vệ sinh lao động.

2.2. Các khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do đó các cơ quan, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm, việc triển khai các nội dung về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động không thực hiện được; nhiều hoạt động đào tạo, truyền thông, kiểm tra, giám sát không thể tổ chức được theo kế hoạch.

b) Kinh phí dành cho chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, địa phương còn hạn chế. Đây là một trong những khó khăn khách quan ảnh hưởng chính và rất lớn đến việc triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c) Công tác quản lý, chuyên môn tại địa phương: Các địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Một số địa phương chưa chủ động tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) các tổ chức công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám bệnh nghề nghiệp; chưa quản lý, cập nhật thông tin cho mạng lưới người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở lao động. Công tác thông tin truyền thông, xây dựng cơ sở dữ liệu còn nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai. Sở Y tế chưa đầu tư đúng mức cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ chuyên môn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

d) Trong xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, nhiều cơ sở lao động chỉ thực hiện tối thiểu các nội dung khám sức khoẻ định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động do kinh phí hạn hẹp.

đ) Công tác triển khai đối với lao động không có hợp đồng lao động gặp nhiều khó khăn: Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động xã hội, trải rộng trên khắp phạm vi cả nước và chủ yếu là lao động không có hợp đồng lao động nên chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động là nông dân thực hiện tại cấp trung ương khó khăn, thực tế chưa thể triển khai thực hiện.

e) Vấn đề nhân lực y tế trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch tại tuyến trung ương và các địa phương đặc biệt là nhân lực y tế lao động phục vụ công tác quản lý và triển khai hoạt động (tại các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh thành phố) nhất là sau khi các địa phương kiện toàn tổ chức hoạt động của các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo mô hình Thông tư 26/2017/TT-BYT (hợp nhất khoa bao gồm các bộ phận sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và y tế học đường). Tình trạng thiếu nhân lực, thiếu kinh phí triển khai, trang thiết bị phục vụ khám, chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp chưa được bổ sung diễn ra tại các Trung tâm kiểm soát bệnh tật.

g) Công tác phối hợp liên ngành giữa các cấp, các đơn vị từ trung ương đến địa phương cũng như phối hợp giữa các Sở ban ngành tại tuyến tỉnh trong tổ chức triển khai hoạt động, thông tin tuyên truyền, có lúc có nơi còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

h) Số lượng doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn biến động; loại hình sản xuất đa dạng, mạng lưới công tác y tế doanh nghiệp còn yếu và thiếu nên công tác quản lý y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động gặp nhiều khó khăn. Người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; chưa được tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng được cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động trên địa bàn.

V. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NĂM 2023 VÀ ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục chỉ đạo các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các đơn vị trong ngành y tế và đề nghị các Bộ, ngành tăng cường đầu tư nguồn lực thực hiện triển khai quyết liệt 07 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 659/QĐ-TTg nhằm đạt được mục tiêu “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025

- Hoàn thành việc xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Quản lý 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.

- Kiểm tra 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp và 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng về công tác quan trắc môi trường lao động.

- Lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. 100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc.

- 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

- 100% người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định.

- 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

- 100% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ) đến năm 2030.

- Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động so với giai đoạn 2010-2018.

3. Các hoạt động ưu tiên

- Xây dựng hướng dẫn và tập huấn cho tuyến tỉnh thành phố về cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường chỉ đạo các Bộ/ngành và địa phương về công tác quản lý, kiểm tra vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động bệnh nghề nghiệp nhằm đạt được các chỉ số và mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ đã giao.

- Xây dựng và hướng dẫn lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở.

- Tăng cường công tác thông tin truyền thông và tư vấn về các bệnh không lây nhiễm; thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc; tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ).

- Tăng cường công tác điều trị, phục hồi chức năng người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở lao động.

Tổ chức đánh giá và sơ kết việc triển khai các mục tiêu và chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao đối với các Bộ, ngành và địa phương và đề xuất điều chỉnh các hoạt động của Chương trình vào năm 2025 nhằm đạt được mục tiêu tại Quyết định số 659/QĐ-TTg vào năm 2030.

VI. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

1. Đối với Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố căn cứ nguồn lực của địa phương tăng cường bố trí ngân sách triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp, chỉ đạo liên ngành và toàn diện đối với công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nhằm thống nhất chỉ đạo xuyên suốt và đồng bộ triển khai công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ cao gây mất an toàn, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nêu gương, khen thưởng kịp thời các cơ sở lao động có các hoạt động, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.

- Cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp, các ngành; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người lao động và quan trắc môi trường lao động để quản lý tốt các yếu tố nguy hiểm, độc hại tại nơi làm việc; nâng cao ý thức phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các tuyến nhằm mở rộng diện bao phủ và đối tượng chăm sóc y tế lao động cơ bản. Tổ chức tập huấn, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản lý, giám sát và cung cấp dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho mạng lưới cán bộ y tế, tập huấn về phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp. Đào tạo chuyên khoa sâu về y tế lao động cho hệ thống y tế dự phòng; đồng thời tư vấn hỗ trợ các đơn vị thành lập và tổ chức hoạt động của phòng khám bệnh nghề nghiệp.

2. Đối với địa phương

2.1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Quan tâm, đầu tư cho ngành y tế địa phương để củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trong giai đoạn tới.

- Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người lao động và quan trắc môi trường lao động để quản lý tốt các yếu tố nguy hiểm, độc hại tại nơi làm việc; nâng cao ý thức phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp, các ngành; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch, đề xuất ngân sách và ban hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động Phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030.

- Chỉ đạo các cơ sở lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đặc biệt tập trung rà soát, chỉ đạo đối với các cơ sở lao động có yếu tố có hại, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

- Tăng cường chỉ đạo các hoạt động phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý về tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động. Chỉ đạo Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các chủ cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực vệ sinh lao động nói chung và thực hiện quan trắc môi trường lao động nói riêng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong cải thiện môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định tại Điều 86 Luật An toàn vệ sinh lao động.

- Chỉ đạo Ban Quản lý các khu kinh tế/khu công nghiệp/khu chế xuất đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong phạm vi quản lý.

2.2. Đối với các Sở Y tế

- Xây dựng kế hoạch đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đáp ứng theo quy chuẩn quốc gia và các quy định của nhà nước, phù hợp với quy mô và nhu cầu phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp.

- Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các tuyến nhằm mở rộng diện bao phủ và đối tượng chăm sóc y tế lao động cơ bản. Tổ chức tập huấn, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản lý, giám sát và cung cấp dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho mạng lưới cán bộ y tế, tập huấn về phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra các cơ sở lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tiến hành kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ về khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tăng cường hậu kiểm các tổ chức công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động nhằm đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động và khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn quản lý.

- Một số địa phương chưa có phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp tiến hành rà soát nhu cầu, khám, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn, nâng cao năng lực cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đáp ứng yêu cầu để được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp.

2.3. Đề nghị các sở, ngành liên quan

- Tăng cường chia sẻ thông tin-dữ liệu, xây dựng và lồng ghép triển khai một số nội dung về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ thuộc nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt tập trung tại các cơ sở lao động có yếu tố có hại, có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Bố trí kinh phí, ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực cho ngành y tế để đáp ứng yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động và thực hiện các mục tiêu Chương trình ban hành kèm theo Quyết định 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động về đảm bảo vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Bộ Y tế kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg giai đoạn 2020-2022./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- BT Đào Hồng Lan (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Các bộ, CQ ngang bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- UBND 63 tỉnh/thành phố (để p/h);
- Lưu: VT, MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

DANH SÁCH CÁC PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Báo cáo số 560/BC-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2023)

1. Phụ lục số 1: Danh sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai Quyết định 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phụ lục số 2: Tổng hợp nguồn gửi báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg của địa phương.

3. Phụ lục số 3: Tổng hợp tình hình thực hiện theo các mục tiêu và chỉ số được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg .

4. Phụ lục số 4: Tình hình thực hiện theo các mục tiêu và chỉ số được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg của từng địa phương.

5. Phụ lục số 5: Tổng hợp danh sách địa phương đã ban hành kế hoạch và kinh phí triển khai

6. Phụ lục số 6: Tiến độ triển khai các Dự án ban hành tại Phụ lục của Quyết định số 659/QĐ-TTg .

PHỤ LỤC SỐ 1. Danh sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Cơ quan trực thuộc Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai Quyết định 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

STT

Danh sách các Bộ ngành

Đã gửi báo cáo

Chưa gửi báo cáo

1.

Bộ Xây dựng

+

2.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

+

3.

Bộ Giao thông vận tải

+

4.

Bộ Công Thương

+

5.

Bộ Quốc phòng

+

6.

Bộ Công An

+

7.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

+

8.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

+

9.

Bộ Tài chính

+

10.

Bộ Ngoại giao

+

11.

Bộ Tư pháp

+

12.

Bộ Nội vụ

+

13.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

+

14.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

+

15.

Bộ Khoa học và Công nghệ

+

16.

Bộ Thông tin và Truyền thông

+

17.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

+

18.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

+

19.

Ủy ban Dân tộc

+

20.

Thanh tra Chính phủ.

+

21.

Đài tiếng nói Việt Nam

+

22.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam

+

23.

Thông tấn xã Việt Nam

+

24.

Đài truyền hình Việt Nam

+

Tổng cộng

17/24

07/24

PHỤ LỤC SỐ 2: Tổng hợp nguồn gửi báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 659/QĐ-TTg của các địa phương

TT

Tỉnh gửi báo cáo

UBND

SYT

CDC

TT

Tỉnh gửi báo cáo

UBND

SYT

CDC

1

Hà Nội

X

33

Quảng Nam

X

2

Vĩnh Phúc

X

34

Quảng Ngãi

X

3

Bắc Ninh

X

35

Bình Định

X

4

Hải Dương

X

36

Phú Yên

X

5

Hải Phòng

X

37

Khánh Hoà

X

6

Hưng Yên

X

38

Kon Tum

X

7

Thái Bình

X

39

Gia Lai

X

8

Hà Nam

X

40

Đắc Lắc

X

9

Nam Định

X

41

Đắc Nông

X

10

Ninh Bình

X

42

Lâm Đồng

X

11

Hà Giang

X

43

Ninh Thuận

X

12

Cao Bằng

X

44

Bình Thuận

X

13

Bắc Kạn

X

45

Bình Phước

X

14

Tuyên Quang

X

46

Tây Ninh

X

15

Lào Cai

X

47

Bình Dương

X

16

Yên Bái

X

48

Đồng Nai

X

17

Thái Nguyên

X

49

BR VT

X

18

Lạng Sơn

X

50

Hồ Chí Minh

X

19

Quảng Ninh

X

51

Long An

X

20

Bắc Giang

X

52

Tiền Giang

X

21

Phú Thọ

X

53

Bến Tre

X

22

Điện Biên

X

54

Trà Vinh

X

23

Lai Châu

X

55

Vĩnh Long

X

24

Sơn La

X

56

Đồng Tháp

X

25

Hoà Bình

X

57

An Giang

X

26

Thanh Hoá

X

58

Kiên Giang

X

27

Nghệ An

X

59

Cần Thơ

X

28

Hà Tĩnh

X

60

Hậu Giang

X

29

Quảng Bình

X

61

Sóc Trăng

X

30

Quảng Trị

X

63

Bạc Liêu

X

31

TT-Huế

X

63

Cà Mau

X

32

Đà Nẵng

X

Tổng cộng

13

33

17

- 13 địa phương có báo cáo từ UBND;

- 33 địa phương có báo cáo từ Sở Y tế;

- 17 địa phương có báo cáo từ TTKSBT tỉnh.

PHỤ LỤC SỐ 3: Tổng hợp tình hình thực hiện theo các mục tiêu và chỉ số được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg tại các địa phương.

3.1. Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp (Đạt 100% vào năm 2025 và kết nối vào năm 2030).

Bảng 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả QTMTLĐ

TT

Xây dựng CSDL về kết quả QTMTLĐ

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú (tỉnh)

1

Đã xây dựng, cập nhật đến năm 2021

09

14,3%

Hà Nội, Nam Định, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận và Cà Mau

2

Đang xây dựng

23

36,5

Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ

3

Chưa xây dựng

26

41,3%

Hải Dương; Hưng Yên, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng

4

Không báo cáo

05

7,9%

Bắc Ninh, Sơn La, Đồng Nai, Hậu Giang và Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 2: Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp.

TT

Xây dựng CSDL bệnh nghề nghiệp

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đã xây dựng, cập nhật đến năm 2021

06

9,5%

Hà Nội, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Cà Mau.

2

Đang xây dựng

23

36,5%

Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Thuận.

3

Chưa xây dựng

28

44,5%

Hải Dương; Hưng Yên, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng

4

Không báo cáo

06

9,5%

Bắc Ninh, Sơn La, Thanh Hoá, Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Tổng cộng

63

100%

3.2. Quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp (Tỷ lệ % các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý trên tổng số cơ sở lao động có yếu tố có hại; Đạt 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030).

Bảng 3: Quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp

TT

Quản lý CSLĐ có yếu tố có hại gây BNN

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Quản lý được ≥ 50%

25

39,7%

Hưng Yên; Phú Yên; Đắc Nông; Lâm Đồng; Ninh Thuận; Bình Thuận; Hậu Giang; Cà Mau, Nam Định, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Bắc Giang, Sơn La, Đắc Lắc, Trà Vinh, Đà Nẵng

2

Quản lý được < 50%

34

54%

Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Dương, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Gia Lai, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Nội, Ninh Bình,

3

Không báo cáo

04

6,3%

Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long

Tổng cộng

63

100%

3.3. Kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động (Tỷ lệ phần trăm (%) các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động; Đạt 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030).

Bảng 4: Tỷ lệ cơ sở lao động có yếu tố có hại được kiểm tra công tác QTMTLĐ.

TT

Tỷ lệ CSLĐ có YTCH k/tra công tác QTMTLĐ

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt ≥ 30%

18

28,6%

Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, Thái Bình, Hà Nam, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tây Ninh

2

<30%

42

66,6%

Hải Phòng, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Bình, Bình Định, Đắc Nông, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nội

3

Không báo cáo

03

4,8%

Vĩnh Phúc, Hồ Chí Minh, Vĩnh Long.

Tổng cộng

63

100%

3.4. Lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở (Tỷ lệ số huyện/xã lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại y tế cơ sở). Đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Bảng 5: Tỷ lệ huyện lồng ghép dịch vụ CSSK cho NLĐ không có HĐLĐ vào hoạt động CSSKBĐ tại YTCS

TT

Tỷ lệ % huyện lồng ghép dịch vụ CSSK cho NLĐ không có HĐLĐ vào hoạt động CSSKBĐ tại YTCS

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

13

20,6%

Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Lào Cai,

2

Đạt trên 50%

05

7,9%

Ninh Bình, Hà Giang, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước

3

Dưới 50%

17

27%

Quảng Trị, Bắc Ninh, Nam Định, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình, Đắc Lắc, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Đà Nẵng

4

Không báo cáo

28

44,5%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 6: Tỷ lệ xã lồng ghép dịch vụ CSSK cho NLĐ không có HĐLĐ vào hoạt động CSSKBĐ tại YTCS.

TT

Tỷ lệ % xã lồng ghép dịch vụ CSSK cho NLĐ không có HĐLĐ vào hoạt động CSSKBĐ tại YTCS

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt ≥ 40%

15

23,8%

Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang

2

Đạt dưới 40%

17

27%

Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Nam Định, Cao Bằng, Lai Châu, Đắc Lắc, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Đà Nẵng

3

Không báo cáo

31

49,2%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 7: Tỷ lệ cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe dinh dưỡng tăng cường vận động.

TT

Tỷ lệ CSLĐ được tư vấn về bệnh KLN, biện pháp phòng chống, NCSK dinh dưỡng tăng cường vận động

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt ≥ 50%

17

27%

Ninh Bình, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An

2

Dưới 50%

32

50,8%

Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắc Lắc, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Kon Tum, Đắc Nông, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đà Nẵng

3

Không báo cáo

14

22,2%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Tổng cộng

63

100%

3.5. Quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (Tỷ lệ người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp): Đạt 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Bảng 8: Tỷ lệ người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc BNN được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống BNN.

TT

Tỷ lệ NLĐ tại các CSLĐ có nguy cơ tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, BPPC BNN

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt ≥ 50%

21

33,3%

Ninh Bình, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Phước, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hoà Bình, Quảng Bình, Đắc Lắc, Đắc Nông, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Nghệ An, Quảng Trị

2

Dưới 50%

35

55,6%

Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Quảng Nam, Khánh Hoà, Kon Tum, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Đà Nẵng

3

Không báo cáo

7

11,1%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Tổng cộng

63

100%

Bảng 9: Tỷ lệ người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

TT

Tỷ lệ NLĐ tại các CSLĐ có nguy cơ được khám phát hiện sớm BNN

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt ≥ 50%

07

11,1%

Gia Lai, Sóc Trăng, Nam Định, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Bình, Hà Nội,

2

Dưới 50%

49

77,8%

Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hoà, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đà Nẵng

3

Không báo cáo

07

11,1%

Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu.

Tổng cộng

63

100%

Bảng 10: Tỷ lệ người bị BNN được khám bệnh, điều trị sau khi mắc bệnh.

TT

Tỷ lệ người bị BNN được khám bệnh, điều trị sau khi mắc bệnh

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

15

23,8%

Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Giang Phú Thọ, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng

2

Đạt trên 50%

03

4,8%

Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh

3

Đạt dưới 50%

34

54%

Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau

4

Không báo cáo

11

17,4%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 11: Tỷ lệ người bị bệnh nghề nghiệp được phục hồi chức năng sau khi mắc bệnh nghề nghiệp.

TT

Tỷ lệ người bị BNN được PHCN sau khi mắc BNN

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

17

27%

Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng

2

Đạt trên 50%

3

4,8%

Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Nam.

3

Dưới 50%

31

49,2%

Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

4

Không báo cáo

12

19%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Tổng cộng

63

100%

Bảng 12: Tỷ lệ người bị TNLĐ được sơ cấp cứu tại nơi làm việc.

TT

Tỷ lệ người bị TNLĐ được SCCC tại nơi làm việc

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

37

58,7%

Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng

2

Đạt trên 50%

13

20,7%

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hoà Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang.

3

Dưới 50%

6

9,5%

Ninh Bình, Quảng Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Ninh Thuận.

4

Không báo cáo

7

11,1%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 13: Tỷ lệ người bị TNLĐ được khám bệnh, điều trị sau khi bị TNLĐ.

TT

Tỷ lệ người bị TNLĐ được khám bệnh, điều trị sau khi bị TNLĐ

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

37

58,7%

Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng

2

Đạt trên 50%

08

12,7%

Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận.

3

Dưới 50%

08

12,7%

Ninh Bình, Quảng Bình, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hoà Bình.

4

Không báo cáo

10

15,9%

Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Tổng cộng

63

100%

Bảng 14: Tỷ lệ người bị TNLĐ được phục hồi chức năng sau TNLĐ.

TT

Tỷ lệ người bị TNLĐ được PHCN sau TNLĐ

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

24

38,1%

Hà Nội, Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng

2

Đạt trên 50%

11

17,5%

Hải Dương, Hải Phòng, Hà Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang

3

Dưới 50%

12

19%

Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Bình Định, Bình Phước, Bắc Ninh, Nam Định, Lai Châu, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau

4

Không báo cáo

16

25,4%

Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

3.7. Người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ). Chỉ tiêu: Đạt 100% vào năm 2030.

Bảng 15. Tỷ lệ người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ).

TT

Tỷ lệ % người lao động tại các KCN KCX được tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSK sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ)

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

06

9,5%

Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng

2

Đạt trên 50%

9

14,2%

Hải Dương, Hà Nam, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Phước, Trà Vinh, Cần Thơ

3

Dưới 50%

25

39,8%

Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Bình, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hoà Bình, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Đà Nẵng

4

Không báo cáo

23

36,5%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

Bảng 16: Tỷ lệ % người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

TT

Tỷ lệ % NLĐ tại các KCN, KCX được tư vấn và cung cấp dịch vụ PC HIV/AIDS

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đạt 100%

06

9,5%

Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng

2

Đạt trên 50%

10

15,9%

Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau

3

Dưới 50%

26

41,3%

Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lai Châu, Hoà Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Đà Nẵng

4

Không báo cáo

21

33,3%

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu

Tổng cộng

63

100%

3.8. Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động (Giảm 15% và 25% số vụ ngộ độc thực phẩm vào năm 2025 và năm 2030 so với 2010-2018).

Bảng 17: Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động.

TT

Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các CSLĐ

Số địa phương

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Dưới 10 vụ

55

87,3%

Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình, Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Tĩnh.

2

Trên 10 vụ

0

0%

3

Không báo cáo

8

12,7%

Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bình Dương

Tổng cộng

63

100%

PHỤ LỤC SỐ 4: Tình hình thực hiện theo các mục tiêu và chỉ số được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg của từng địa phương

TT

Chỉ tiêu

2.1a

2.1b

2.2

2.3

2.4a

2.4b

2.5

2.6

2.7

2.8a

2.8b

2.9a

2.9b

2.9c

2.10

2.11

2.12

Tỉnh

CSDL QT MTLĐ

CD CSDL BNN

% YTCH được QL

% YTCH được kiểm tra

% huyện lồng ghép

% xã lồng ghép

% tư Vấn

% tiếp cận TT

% khám PH sớm BNN

% BNN được khám

% BNN được PHCN

TNLD được SCC

% TNLD ĐT

% TNLĐ PHCN

% nuôi con sữa mẹ

% PC HIV

Ngộ độc TP

1

Hà Nội

1

1

23,6

100

58,9

100

2

Vĩnh Phúc

3

3

0

3

Bắc Ninh

5

5

21,2

0

0

0

0

6,9

6,3

0

0

100

0

0

0

0

0

4

Hải Dương

4

4

17,5

7,25

100

100

18,75

16

20

100

100

99,8

99,7

98,7

50

3

5

Hải Phòng

3

3

30

20

100

100

70

30

10

0

0

100

100

90

100

90

0

6

Hưng Yên

4

4

100

10

85

85

30

90

50

80

0

7

Thái Bình

4

4

45

40

25

45

19

0

0

100

100

100

8

Hà Nam

3

3

35

30

100

6570

85

80

20

10

30

95

0

70

0

9

Nam Định

1

1

55

9,3

0

0

0

85

85

100

100

100

0

0

30

30

0

10

Ninh Bình

3

3

<50

>30

>50

<40

>50

>50

<50

<50

<50

<50

>50

<50

<50

>50

<10

11

Hà Giang

4

4

3,3

3,3

80

80

4,2

4,2

0

0

0

83,7

98

56

51

51

0

12

Cao Bằng

4

4

1,4

1,2

0

0

0

1,6

3,6

0

0

0

0

13

Bắc Kạn

1

4

31,6

27,7

27,7

27,7

99

0

14

Tuyên Quang

4

4

46

6,6

21

38

4,25

100

100

100

100

100

0

15

Lào Cai

3

3

36,3

21,8

0

6,6

6,6

100

100

100

100

100

20

0

1

16

Yên Bái

4

4

35

19

12,3

21,5

7

0

0

100

100

100

1

17

Thái Nguyên

4

4

61

23

0

75

66

77

50

63

20

76

85

57

0

0

0

18

Lạng Sơn

4

4

33

33

6,3

7

0

100

100

100

100

0

100

19

Quảng Ninh

3

3

70

50

70

30

70

70

100

100

100

100

100

0

20

Bắc Giang

4

4

50

20

100

45

30

20

25

100

100

100

100

100

20

20

0

21

Phú Thọ

3

3

20,2

15,5

100

100

20,2

20,2

15,5

100

100

100

100

100

20,2

20,2

0

22

Điện Biên

4

4

39,6

17,7

17,4

14,6

0

0

0

100

100

100

0

23

Lai Châu

3

3

8

2

13

19

3

37

1

0

0

91

100

0

0

0

0

24

Sơn La

50

48

100

100

2,9

100

100

100

100

100

0

25

Hoà Bình

3

3

85

5

80

65

5

65

0,5

0

0

80

0

0

0

0

0

26

Thanh Hoá

1

47

3,2

16,4

16,4

9,4

0

0

100

100

50

27

Nghệ An

3

3

15,6

4,63

0

100

50

50

35

100

100

100

80

80

80

80

0

28

Hà Tĩnh

4

4

82

30

53

48

79

36,8

17,4

0

0

100

100

9,1

73

48

15

29

Quảng Bình

4

4

77,7

25

18

38

81,5

66,2

58,6

48

52

45

36

40

38

20

0

30

Quảng Trị

3

3

13

5,8

30

30

50

50

5,8

0

0

90

80

80

80

80

0

31

TT Huế

3

3

48,5

36,1

41,5

41,5

6,58

100

100

61

0

32

Đà Nẵng

4

3

29,5

36

0

0

0

0

7,9

100

100

100

100

99,6

0

0

0

33

Quảng Nam

1

1

51

50

13

13

30

60

95

95

95

0

34

Quảng Ngãi

1

1

14

41

0

35

Bình Định

1

1

20

20

20

20

20

0

100

90

100

20

0

36

Phú Yên

3

3

100

10,2

100

100

4,56

100

100

100

100

100

0

37

Khánh Hoà

3

3

10

5

10

10

20

100

100

100

100

100

0

38

Kon Tum

3

3

24,8

50

100

14,6

19,21

9,8

0

0

100

100

100

14,8

0

39

Gia Lai

3

3

12,4

1,34

100

70

100

100

100

100

100

100

100

0

40

Đắc Lắc

4

4

50

50

0

0

20

50

0

0

0

100

100

0

0

2

41

Đắc Nông

4

4

100

25

0

87

1

0

0

100

100

100

0

0

0

42

Lâm Đồng

4

4

100

10

100

20

100

100

10

100

100

100

100

100

12

12

0

43

Ninh Thuận

3

3

100

28,9

100

100

0,46

100

100

17,8

100

0

44

Bình Thuận

1

3

100

48

3

3

3

2

3

3

3

25

70

100

3

3

0

45

Bình Phước

4

4

60

60

70

70

60

100

0

0

0

100

100

50

50

50

0

46

Tây Ninh

3

3

40

35

11

10

5

7,5

0

0

65

10

10

0

47

Bình Dương

4

4

73,4

90,8

48

Đồng Nai

39,03

19,21

8,33

16,67

9,5

30,16

9,57

16,67

8,33

25

25

8,33

16,67

12,5

0

49

Bà Rịa VT

4

4

40

1,3

0

0

3

2

100

100

0

0

0

50

Hồ Chí Minh

3

4

18

78

63

17

100

100

83

8

6

0

51

Long An

3

3

64,75

24,58

22,9

0,38

0

0

21,63

100

55,41

0

0

52

Tiền Giang

4

4

72

22

0

0

1

1

93

100

99

0

0

0

53

Bến Tre

3

3

0

0

97,8

0

0

100

100

100

0

54

Trà Vinh

3

3

50

32

100

100

100

30

30

100

100

100

100

100

50

50

0

55

Vĩnh Long

4

4

0

0

100

100

100

0

56

Đồng Tháp

4

4

9,31

9,31

0

0

0

0

12,34

0

0

100

0

0

0

57

An Giang

4

4

90

1

4

3

8

0

0

73

100

94

0

0

0

58

Kiên Giang

4

4

3

25

3

22

8

17

100

0

59

Cần Thơ

3

3

54

52

100

100

82

52

42

100

100

100

100

100

57

52

0

60

Hậu Giang

100

28

100

100

28

0

0

100

100

100

100

100

0

61

Sóc Trăng

4

4

5

5

5

85

100

0

0

100

100

100

100

100

0

63

Bạc Liêu

10

10

10

0

63

Cà Mau

1

1

100

13

0

0

0

0

0

0

0

100

100

0

0

57

0

Chú thích:

(2.1a), (2.1b): 1- Đã xây dựng, cập nhật CSDL về QTMTLĐ, BNN;

3- Đang xây dựng CSDL về QTMTLĐ, BNN;

4- Chưa xây dựng CSDL về QTMTLĐ, BNN;

5- Không có báo cáo.

PHỤ LỤC SỐ 5: Tổng hợp địa phương đã ban hành kế hoạch và kinh phí triển khai.

Đơn vị VNĐ

STT

Tỉnh

Số ký hiệu

Ngày ban hành

Kinh phí 5 năm

KP 2020

KP 2021

KP 2022

1.

Hà Nội

267/KH-UBND

14/10/2022

2.

Vĩnh Phúc

286/KH-UBND

19/11/2021

3.

Bắc Ninh

873/KH-UBND

10/12/2021

0

0

0

0

4.

Hải Phòng

235/KH-UBND

29/09/2020

0

0

0

0

5

Hưng Yên

1616

08/08/2021

85.000.000

85.000.000

80.000.000

6.

Thái Bình

34/KH-UBND

22/02/2021

330.000.000

7.

Nam Định

1273/KH-SYT

28/08/2020

7.150.000.000

0

270.000.000

200.000.000

8.

Ninh Bình

51/KH-UBND

50.000.000

0

0

9.

Hà Giang

190/KH-UBND

19/08/2020

0

0

450.000.000

300.000.000

10.

Cao Bằng

2306/KH-UBND

17/09/2020

40.000.000

60.000.000

327.000.000

11.

Bắc Cạn

1673/QĐ-UBND

17/09/2020

12.

Lào Cai

228/KH-UBND

25/08/2020

5.309.900.000

4.995.000.000

13.

Yên Bái

152/KH-UBND

20/07/2020

165.592.000

370.000.000

14

Thái Nguyên

59/KH-UBND

30/3/2021

15.

Lạng Sơn

134/KH-UBND

10/08/2020

32.000.000

80.000.000

80.000.000

16.

Quảng Ninh

83/KH-UBND

16/3/2022

17.

Bắc Giang

1593/KH-UBND

16/04/2021

2.500.000.000

0

180.000.000

180.000.000

18

Phú Thọ

4189/KH-UBND

21/09/2020

0

0

19

Điện Biên

2951/KH-UBND

06/10/2020

0

0

0

0

20.

Lai Châu

1853/KH-UBND

09/03/2020

0

0

0

0

21.

Sơn La

248/KH-UBND

31/12/2020

4.550.000.000

1.000.000.000

910.000.000

1.000.000.000

22

Hoà Bình

137/KH-UBND

21/09/2021

23.

Thanh Hoá

244/KH-UBND

13/11/2020

24.

Nghệ An

378/KH-UBND

14/6/2022

25

Hà Tĩnh

14/KH-UBND

18/01/2021

172.350.000

172.350.000

26.

Quảng Bình

1365/KH-UBND

05/08/2020

3.026.000 000

27.

Thừa Thiên Huế

220/KH-UBND

09/10/2020

4.259.250.000

244.160.000

244.160.000

250.000.000

28.

Đà Nẵng

1280/QĐ-UBND

19/04/2021

29.

Quảng Nam

906/KH-UBND

23/2/2021

0

0

0

0

30.

Quảng Ngãi

1095/KH-KSBT

28/11/2022

31.

Bình Định

3826/QĐ-UBND

17/09/2020

0

0

0

32.

Phú Yên

84/KH-UBND

16/04/2021

0

450.000.000

450.000.000

33.

Khánh Hoà

10862/KH-UBND

29/10/2021

3.753.000.000

0

0

560.000

34.

Kon Tum

2561/KH-UBND

16/07/2020

35.

Gia Lai

1700/KH-UBND

08/08/2020

36.

Đắc Lắc

2077/KH-UBND

205.796.388

204.888.850

262.515.000

37.

Đắc Nông

210/KH-UBND

5.600.000.000

66.000.000

38.400.000

29.200.000

38.

Lâm Đồng

6130-KH-UBND

21/7/2020

1.405 000 000

270.000.000

160.000.000

325.000.000

39.

Ninh Thuận

3666/KH-SYT

04/08/2021

23.000 000

20 700 000

18.000.000

40.

Bình Thuận

3543/KH-UBND

15/09/2020

585.000.000

41

Bình Phước

248/KH-UBND

07/10/2020

42.

Tây Ninh

3602/Kh-SYT

18/08/2021

0

0

43.

Bình Dương

570/KH-UBND

23/11/2020

75.000.000

75.000.000

77.000.000

44.

Đồng Nai

2936/KH-UBND

23/06/2021

280.000.000

0

45

TP Hồ Chí Minh

2689/KH-UBND

03/8/2022

46.

Long An

1930/KH-UBND

22/06/2021

10.280.000.000

1.912.363.000

0

1.700.000.000

47.

Trà Vinh

858/QĐ-UBND

13/05/2021

524.000.000

80.000.000

80.000.000

100.000.000

48.

Vĩnh Long

1661/QĐ-UBND

01/07/2020

33.467.480

5.359.084

58.000.000

49.

Đồng Tháp

21/KH-UBND

20/1/2021

924.660.000

59.300.000

140.440.000

50.

An Giang

91/KH-UBND

15/02/2023

4.650.010.000

51.

Kiên Giang

98/KH-UBND

02/07/2020

279.906.000

70.200.000

52.

Cần Thơ

141/KH-UBND

03/11/2020

0

0

0

0

53.

Bạc Liêu

08/KH-UBND

13/01/2023

54.

Cà Mau

121/KH-UBND

04/11/2020

950.000.000

90.000.000

90.000.000

244.000.000

Tổng

59.036.285.873

11.615.287.439

10.283.583.405

8.347.968.016

Trung bình kinh phí hằng năm của các tỉnh đưa vào kế hoạch đạt 187 triệu đồng/tỉnh/năm.

PHỤ LỤC SỐ 6: Tiến độ triển khai các Dự án ưu tiên ban hành tại Phụ lục của Quyết định số 659/QĐ-TTg .

TT

Dự án

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Tiến độ

1.

Nâng cao năng lực về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Bộ Y tế

Các đơn vị có đủ điều kiện về đào tạo

2020-2030

(i) Các Viện chuyên ngành và các địa phương đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hệ thống y tế lao động từ trung ương đến địa phương nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý trong tình hình mới; (ii) Hằng năm tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng chống các nhóm bệnh nghề nghiệp để tuyên truyền cho 03 nhóm đối tượng (người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ y tế).

2.

Củng cố tổ chức y tế lao động, người làm công tác y tế và hoạt động sơ cấp cứu tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

(i) Đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BYT ngày 24/12/2021 hướng dẫn hoạt động đào tạo chuyên môn về y tế lao động; (ii) Đã thực hiện Khảo sát thực trạng người làm công tác y tế tại cơ sở lao động nhằm đề xuất giải pháp củng cố mạng lưới y tế tại cơ sở lao động; (iii) Ban hành Quyết định số 04/QĐ-MT ngày 04/02/2020 Hướng dẫn kiểm tra CSLĐ về công tác vệ sinh lao động, CSSK người lao động; (iv) Đã thực hiện Đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình y tế lao động khu công nghiệp để đề xuất mô hình chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động.

3.

Xây dựng hệ thống các Trung tâm kiểm chuẩn - tham chiếu bảo đảm chất lượng kết quả quan trắc môi trường lao động trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có Liên quan

2020-2030

Bước đầu đã tiến hành xây dựng Hướng dẫn kiểm tra cơ sở công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động áp dụng đối với tuyến tỉnh thành phố nhằm đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động.

4.

Cải thiện gánh nặng lao động, thời gian lao động kéo dài liên tục, yếu tố căng thẳng tại một số nghề, công việc tại một số cơ sở lao động như dệt may, y tế, điện tử, giày da.

Bộ Lao động- TBXH

Bộ Y tế, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

Chưa có báo cáo tổng hợp.

5.

Đảm bảo điều kiện thực hiện chi trả cho người lao động khi mắc bệnh nghề nghiệp và khi khám chữa bệnh ngoài giờ đối với các cơ sở lao động có đăng ký với cơ quan bảo hiểm y tế.

Bộ Lao động-TBXH

Bộ Y tế, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2022

Chưa có báo cáo tổng hợp

6.

Hướng dẫn và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện gói dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2022

- Bước đầu đã thực hiện Đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho người lao động của một số tỉnh/thành phố. Giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng và đề xuất gói dịch vụ y tế lao động cơ bản và cơ chế chi trả thông qua dự thảo Thông tư quy định nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện.

7.

Triển khai thí điểm mô hình dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động.

Bộ Y tế

Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

Trên cơ sở kết quả Đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho người lao động của một số tỉnh/thành phố, trong giai đoạn tới sẽ đề xuất và triển khai thí điểm mô hình hình dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động.

8.

Quản lý sức khỏe nghề nghiệp lồng ghép trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại tuyến xã.

Bộ Y tế

Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

Thực hiện Đánh giá thực trạng triển khai quyết định 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 về ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động và đề xuất sửa đổi bổ sung.

9.

Cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại một số ngành nghề.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

Đã trình ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Được giao cho Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện. Trong năm 2021 và 2022 đã bắt đầu thực hiện (i) Khảo sát tình trạng dinh dưỡng của người lao động ở một số ngành nghề; (ii) Khảo sát hoạt động thể lực, khẩu phần ăn đánh giá mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người lao động ở một số ngành nghề và (iii) Xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý cho người lao động tại một số ngành nghề.

10.

Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2030

(i) Đã trình ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 09/02/2022 ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025; (ii) Thực hiện Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm ở người lao động tại nơi làm việc.

11.

Tăng cường vận động chính sách, nâng cao năng lực truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Bộ Y tế, Bộ LĐ-TBXH Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2030

Chưa có báo cáo tổng hợp

12.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến; tăng cường năng lực điều trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2030

Xây dựng dự thảo phác đồ điều trị các bệnh nghề nghiệp trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và triển khai thí điểm trị liệu phục hồi chức năng rối loạn cơ xương khớp nghề nghiệp ở người lao động.

13.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

(i) Đã tiến hành thu thập số liệu và đang đề xuất xây dựng phần mềm báo cáo nhằm tin học hóa công tác báo cáo y tế lao động; (ii) Kế hoạch triển khai tin học hóa hệ thống báo cáo về y tế lao động từ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được xây dựng nhằm cung cấp thông tin cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp.

14.

Nghiên cứu các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh trong điều kiện mới.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2030

(i) Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng dự thảo 152 Quy chuẩn Quốc gia về vệ sinh lao động của các yếu tố hóa học trong môi trường lao động hiện đang lấy ý kiến các Bộ/ngành để hoàn thiện; (ii) Xây dựng hướng dẫn chuyên môn điều trị các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; (iii) Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu bổ sung bệnh nhiễm độc thiếc hữu cơ và nhiễm độc ethylen nghề nghiệp.

15.

Cập nhật hồ sơ quốc gia về amiăng và sức khỏe con người.

Bộ Y tế

Bộ LĐ-TBXH, Tổng LĐLĐVN, Các Bộ, ngành có liên quan

2020-2025

Đã giao nhiệm vụ cho Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện vào năm 2023 nhằm cập nhật Hồ sơ quốc gia về amiăng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.



1 Công văn số 1333/BYT-MT và 1334/BYT-MT ngày 17/3/2022 đề nghị báo cáo triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2 Công văn số 6595/BYT-MT ngày 16/11/2022 về việc cho ý kiến dự thảo báo cáo triển khai thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3 Công văn số 1286-CV/BCSĐ ngày 30/01/2023 về việc ý kiến của Ban Cán sự Đảng đối với Tờ trình số 21/PT-MT ngày 13/01/2023 của Cục Quản lý Môi trường y tế.

4 Có thể do đặc thù tại 2 địa phương có số cơ sở lao động lớn thuộc diện quản lý của cả Bộ, ngành và của địa phương nên số liệu này nên địa phương chưa quản lý được toàn diện.

5 Gia Lai và Sóc Trăng, báo cáo đạt tỷ lệ người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đạt 100%.

6 Các tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu.

7 Trong đó có các tỉnh công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh.

8 Công văn số 4074/BYT-MT ngày 31/7/2020 của Bộ Y tế về việc triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

9 Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam.

10 Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

11 Bao gồm các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang và Sóc Trăng.

12 Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09/2/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

13 Các văn bản đã được ban hành: (i) Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; (ii) Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 09/02/2022 ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025; (iii) Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (iv) Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trọng lĩnh vực y tế; (v) Thông tư số 29/2021/TT-BYT ngày 24/12/2021 hướng dẫn hoạt động đào tạo chuyên môn về y tế lao động và (vi) Quyết định số 838/QĐ-BYT ngày 24/12/2022 Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Quyết định số 04/QĐ-MT ngày 04/02/2020 Hướng dẫn kiểm tra CSLĐ về công tác vệ sinh lao động, CSSK người lao động.

14 Các văn bản đang được xây dựng, sửa đổi và bổ sung: (i) Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; (ii) Xây dựng dự thảo Luật Phòng bệnh; (iii) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 120/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; (iv) Thông tư quy định nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện; (v) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe trong đó bổ sung nội dung khám sản phụ khoa vào khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ; (vi) Thông tư hướng dẫn Quy định về chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và phạm vi hoạt động của nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức.

15 Trong giai đoạn 2020-2022 các địa phương đã tổ chức được 2.456 lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 224.817 người lao động tham gia, trong đó người quản lý phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động (nhóm 1) là 8.092 người; người làm công tác an toàn vệ sinh lao động (nhóm 2) là 11.054 người; người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (nhóm 3) là 23.682, người; người lao động (nhóm 4) là 144.874 người; người làm công tác y tế (nhóm 5) là 22.314 người; người làm công tác an toàn vệ sinh viên (nhóm 6) là 19.408 người và người lao động không có hợp đồng lao động là 5.153 người.

16 (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường lao động: 09 địa phương (đạt 14,3%) đã xây dựng và cập nhật đến năm 2022; 23 địa phương (36,5%) đang tiến hành xây dựng; 26 địa phương (41,3%) chưa tiến hành xây dựng và 05 địa phương (7,9%) không có báo cáo; (ii) Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp: 06 địa phương (9,5%) báo cáo đã xây dựng và cập nhật đến năm 2022; 51 địa phương (81%) chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp và 06 địa phương (9,5%) không có báo cáo.

17 (i) Thông tấn xã Việt Nam đã đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, năm 2020 với sự xuất hiện đại dịch COVID-19, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò cơ quan thông tấn đa phương tiện chính của quốc gia trong thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chủ động thông tin về tình hình dịch bệnh đảm bảo chính xác, kịp thời góp phần định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. (ii) Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động cho các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân; chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động; thông tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2020 - 2030. Thông tin và phản ánh về tình hình công tác phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại một số ngành, nghề đặc thù, sức khỏe lao động nữ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; những mô hình phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc... Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại nơi làm việc, đáp ứng điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Tăng cường hợp tác quốc tế về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

18 Các địa phương đã tổ chức 15.788 cuộc tọa đàm, phóng sự, tin, bài đưa tin trên truyền hình, báo chí; xây dựng, in ấn và cấp phát 959.206 ấn phẩm (sách, báo, tờ rơi, tranh áp phích) cho các cơ sở lao động và người lao động với các nội dung về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn báo cáo về công tác y tế lao động tại các cơ sở lao động,...; tổ chức 6.438 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ với sự tham gia của 56.735 người tham dự; tổ chức 8.922 cuộc thi an toàn toàn vệ sinh viên giỏi với 7207 an toàn vệ sinh viên tham dự cuộc thi. Riêng trong Tháng hành động về ATVSLĐ, cả nước đã tổ chức 3.413 lễ phát phát động, triển khai các chiến dịch, phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động với trên 186.33 cá nhân tham gia hưởng ứng.

19 Đề tài “Nghiên cứu gánh nặng nghề nghiệp, năng lực đáp ứng và tính sẵn sàng ứng phó của nhân viên Y tế Việt Nam với dịch COVID-19” và Đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử, yếu tố nguy cơ và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam" thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức khảo sát và xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức y tế và năng lực chuyên môn của người làm công tác y tế ở cơ sở lao động tại một số tỉnh/thành phố năm 2022.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 560/BC-BYT ngày 27/04/2023 về tiến độ thực hiện Quyết định 659/QĐ-TTg do Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.577

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.156.154
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!