BỘ GIAO THÔNG
VẬN TẢI
CỤC
ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
----------
ĐỀ ÁN
QUY HOẠCH TỔNG
THỂ CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM VÀ DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI ĐẾN NĂM 2020,
TẦM NHÌN 2030
|
ĐƠN VỊ LẬP
VIỆN CHIẾN
LƯỢC VÀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI
|
Tháng
09/2014
|
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của đề án
2. Cơ sở pháp lý lập đề án
3. Mục tiêu nghiên cứu của đề án
4. Đối tượng và phạm vi
PHẦN I: HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
- XÃ HỘI VÀ CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI
1.1. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1.1. Điều kiện tự nhiên
1.1.2. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội
1.1.3. Phân tích, đánh giá chung
1.2. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO
THÔNG ĐB
1.2.1. Tốc độ tăng trưởng
1.2.2. Cơ cấu phương tiện
1.2.3. Phân tích, đánh giá chung
1.3. TÌNH HÌNH TAI NẠN GIAO THÔNG
1.3.1. Tai nạn giao thông đường bộ
1.3.2. Nguyên nhân TNGT
1.3.3. Phân tích, đánh giá chung
1.4. HIỆN TRẠNG CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM
1.4.1. Hiện trạng
1.4.2. Tình hình thực hiện đăng kiểm
1.4.3. Phân tích, đánh giá chung
1.5. HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI
1.5.1. Hiện trạng thể chế
1.5.2. Cơ chế, chính sách
1.5.3. Phân tích, đánh giá chung
1.6. MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỦA CÁC NƯỚC TRONG
KHU VỰC VÀ TRÊN THẾ GIỚ
PHẦN II: DỰ BÁO NHU CẦU ĐĂNG KIỂM XE
CƠ GIỚI
2.1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN
NĂM 2020
2.1.1. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
2.1.2. Các định hướng phát triển kinh tế - xã
hội đến 2020
2.2. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GTVT ĐẾN NĂM 2020,
TẦM NHÌN 2030
2.3. CÁC QUY HOẠCH, CHIẾN LƯỢC CÓ
LIÊN QUAN
2.3.1. Quy hoạch mạng lưới các Trung tâm đăng
kiểm xe cơ giới đến năm 2015 (Quyết định
3544/QĐ-BGTVT ngày 23/09/2005)
2.3.2. Một số đề án khác
2.4. DỰ BÁO NHU CẦU ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI ĐẾN
NĂM 2020, 2030
2.4.1. Phương pháp dự báo
2.4.2. Kết quả dự báo
PHẦN III: QUY HOẠCH TỔNG THỂ CÁC TRUNG TÂM
ĐĂNG KIỂM VÀ DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
3.1. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
3.1.1. Quan điểm
3.1.2. Mục tiêu
3.2. CƠ SỞ XÂY DỰNG QUY HOẠCH
3.2.1. Cơ sở pháp lý
3.2.2. Cơ sở thực tiễn
3.3. QUY HOẠCH TỔNG THỂ CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM
VÀ DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
3.3.1. Tiêu chí xác định dây chuyền kiểm định
xe cơ giới
3.3.2. Tiêu chí xây dựng mạng lưới các trung
tâm đăng kiểm
3.3.3. Quy hoạch tổng thể các TTĐK và DCKĐ xe
cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030
3.4. NHU CẦU QUỸ ĐẤT
3.5. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
3.6. NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC
3.7. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
PHẦN IV: CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
4.1. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THỂ CHẾ
4.2. GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
4.3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
4.4. GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG
4.5. GIẢI PHÁP VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
4.6. GIẢI PHÁP VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ
PHẦN V: TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
5.1. LỘ TRÌNH VÀ DANH MỤC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN
NĂM 2020
5.2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
DANH SÁCH CÁC
HÌNH
Hình 1.1.2 - 1: Thu nhập
bình quân của Việt Nam và một số nước
Hình 1.1.2 - 2: Dân số thành thị và
nông thôn
Hình 1.2.1 - 1: Tăng trưởng
phương tiện cơ giới đường bộ
Hình 1.2.1 - 2: So sánh mật độ phương
tiện với một số nước năm 2010
Hình 1.2.1 - 3: So sánh cơ cấu phương
tiện một số nước năm 2010
Hình 1.2.1 - 4: Cơ cấu phương tiện ô tô
Hình 1.2.1 - 5: Cơ cấu phương tiện
theo vùng
Hình 1.2.1 - 6: So sánh mật độ ôtô
trên 1000 người theo vùng năm 2012
Hình 1.2.1 - 8: Tuổi của phương tiện
ôtô
Hình 1.2.1 - 9: Tuổi của xe
khách (từ 10 chỗ trở lên)
Hình 1.3.1 - 1: Biểu đồ TNGT ĐB giai
đoạn 2000-2013
Hình 1.3.1 - 2: TNGT trên 100.000
dân
Hình 1.3.1 - 3: TNGT trên 10.000
phương tiện
Hình 1.3.1 - 5: TNGT theo phương tiện
giai đoạn 2007 - 2011
Hình 1.3.1 - 6: TNGT theo nguyên nhân
Hình 2.4.2-1. Hồi quy tăng trưởng ô tô
DANH SÁCH CÁC
BẢNG
Bảng 1.4.1-1. Số lượng trung tâm đăng
kiểm và dây chuyền kiểm định
Bảng 1.4.2-1 - Số lượng phương tiện kiểm
định và tỷ lệ tăng trưởng
Bảng 2.4.2-1. Dự báo số lượng ô tô
trên toàn quốc
Bảng 2.4.2-2. Dự báo số lượng ô tô của
các tỉnh, thành phố
Bảng 2.4.2-3. Dự báo nhu cầu
đăng kiểm
Bảng 3.3.3 -1. Quy hoạch số lượng TTĐK
và DCKĐ xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030
CÁC TỪ VIẾT TẮT
ATGT
|
An toàn giao thông
|
ATKT
|
An toàn kỹ thuật
|
Bộ CA
|
Bộ Công an
|
BVMT
|
Bảo vệ môi trường
|
CB
|
Cán bộ
|
CSGT
|
Cảnh sát giao thông
|
DCKĐ
|
Dây chuyền kiểm định
|
ĐKV
|
Đăng kiểm viên
|
ĐKVN
|
Đăng kiểm Việt Nam
|
GDP
|
Tổng sản phẩm quốc nội
|
GTVT
|
Giao thông vận tải
|
KT-XH
|
Kinh tế - Xã hội
|
PTCGĐB
|
Phương tiện cơ giới đường bộ
|
QLHC
|
Quản lý hành chính
|
QPPL
|
Quy phạm pháp luật
|
TDSI
|
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT
|
TNGT
|
Tai nạn giao thông
|
TNGTĐB
|
Tai nạn giao thông đường bộ
|
Tp.HCM
|
Thành phố Hồ Chí Minh
|
TT
|
Trung tâm
|
TTATGT
|
Trật tự an toàn giao thông
|
TTATXH
|
Trật tự an toàn xã hội
|
TTĐK
|
Trung tâm đăng kiểm
|
UBATGTQG
|
Ủy ban An toàn
giao thông Quốc gia
|
UBND
|
Ủy ban nhân dân
|
WTO
|
Tổ chức Thương mại Thế giới
|
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của đề
án
Tình hình kinh tế xã hội của nước ta
trong những năm qua phát triển mạnh làm gia tăng về nhu cầu vận tải và
kéo theo sự bùng nổ về số lượng xe cơ giới. Do đó, công tác kiểm định an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo
đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới khi tham gia giao
thông.
Những năm qua, hệ thống các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đăng kiểm đã không ngừng được hoàn
thiện. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị mới với những công nghệ hiện đại
đã được áp dụng. Công tác đăng kiểm đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng
và chất lượng. Cả nước hiện có 89 đơn vị đăng kiểm, 114 trung tâm đăng kiểm với
211 dây chuyền kiểm định, trong đó nhiều nhất là thành phố Hà Nội có 12 trung
tâm đăng kiểm với 26 dây chuyền kiểm định và thành phố Hồ Chí Minh có 10 trung
tâm đăng kiểm với 33 dây chuyền kiểm định. Các trung tâm đăng kiểm đã được xây dựng
tại tất cả các tỉnh/thành trên cả nước. Tuy nhiên, việc phân bố các vị trí
không phù hợp dẫn đến có một số trung tâm quá tải, ngược lại lại có một số
trung tâm có số lượt kiểm định thấp. Có 7,2% số trung tâm đăng kiểm có số lượt
kiểm định trung bình trên một dây chuyền/năm là trên 20.000 lượt (ở Đồng
Nai,Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng
Ninh, Đăk Nông và Nam Định); 34,2% số trung tâm đăng kiểm có số lượt kiểm định
trung bình trên một dây chuyền /năm là trên năng suất trung bình của một dây
chuyền và 6,3% số trung tâm đăng kiểm có số lượt kiểm định trung bình trên một
dây chuyền/năm quá thấp dưới 5.000 lượt/năm. Do đó, trước sự phát triển nhanh về
chủng loại và số lượng phương tiện cơ giới đường bộ đòi hỏi công tác đăng kiểm
cần phải có sự đổi mới hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu
phát triển của xã hội. Mô hình xã hội hóa đầu tư, hình thức đầu tư, mạng lưới
các trung tâm đăng kiểm cũng như các dây chuyền kiểm định xe cơ giới còn nhiều
bất cập, chưa được hoàn thiện.
Vì vậy, để hình thành mạng lưới các
TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội
và nâng cao chất lượng đăng kiểm đáp ứng nhu cầu của xã hội, việc xây dựng đề
án “Quy hoạch tổng thể các Trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới
đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là cần thiết và cấp bách.
2. Cơ sở pháp lý lập đề
án
Luật Giao thông đường bộ số
23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11
ngày 29/11/2005;
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
2011 - 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua ngày 16/2/2011;
Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày
09/08/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Quyết định số 355/2013/QĐ-TTg ngày
25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát
triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030;
Quyết định số 356/2013/QĐ-TTg ngày
25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát
triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 3544/QĐ-BGTVT ngày
23/09/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng
lưới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đến năm 2015.
Thông tư số 11/2009/TT-BGTVT ngày
24/06/2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT Quy định điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm
phương tiện cơ giới đường bộ;
Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày
24/06/2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Quyết định 1873/QĐ-BGTVT ngày
08/08/2012 Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng
công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy
nội địa góp phần giảm thiểu TNGT và ô nhiễm môi trường.
Thông tư số 56/2013/TT-BGTVT của Bộ
trưởng Bộ GTVT ngày 01/04/2013 về việc Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Quyết định số 862/QĐ-BGTVT ngày
05/04/2013 của Bộ GTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Văn bản số 485/TB-BGTVT ngày
30/07/2013 Thông báo kết luận cuộc họp về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả của công tác đăng kiểm.
Thông tư số 59/2013/TT-BGTVT ngày
30/12/2013 của Bộ GTVT quy định về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm
Đăng kiểm xe cơ giới;
Văn bản số 1911/BGTVT-KHCN ngày
26/02/2014 của Bộ GTVT về việc Quy hoạch tổng thể các Trung tâm đăng kiểm và
dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến 2020, tầm nhìn 2030;
Các văn bản quy phạm pháp luật khác
liên quan.
3. Mục tiêu nghiên cứu của
đề án
Xác định được mạng lưới các TTĐK và dây
chuyền kiểm định xe cơ giới về số lượng, vị trí, quy mô, loại hình phù hợp với
sự phát triển của phương tiện và xác định nhu cầu nguồn nhân lực của địa
phương, của vùng và trên phạm vi cả nước;
Đề xuất các phương án tổ chức thực hiện,
hình thức đầu tư và dự báo hiệu quả.
Đề xuất các giải pháp tăng cường quản
lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm xe cơ giới trên phạm vi
toàn quốc, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
4. Đối tượng và phạm vi
Hệ thống các TTĐK và dây chuyền kiểm định
xe cơ giới trên phạm vi toàn quốc đến năm 2020, có định hướng đến năm 2030.
Phần I
HIỆN
TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI
1.1. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI
1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán
đảo Đông Dương, có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với
Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây, phía Đông giáp biển
Đông. Việt Nam có địa hình đa dạng, địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông
Nam, đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp.
Khí hậu Việt Nam thay đổi theo mùa và
theo vùng từ thấp lên cao, từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây. Do chịu sự tác động
mạnh của gió mùa đông bắc nên nhiệt độ trung bình ở Việt Nam thấp hơn nhiệt độ
trung bình nhiều nước
khác cùng vĩ độ ở Châu Á. Việt Nam có độ ẩm trung bình tương đối cao, vào khoảng
84% suốt năm. Hàng năm, lượng mưa từ 1.200 đến 3.000 mm, số giờ nắng khoảng
1.500 đến 3.000 giờ/năm và nhiệt độ từ 5°C đến 39°C.
1.1.2. Hiện trạng phát triển
kinh tế - xã hội
v Tăng trưởng kinh tế
Giai đoạn 2001-2010 kinh tế tăng trưởng
nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010
theo giá thực tế gấp
3,4 lần
so với năm 2000.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn
2011-2013 tăng 5,6%. Năm 2013, Tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 5,42% so
với năm 2012, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, công nghiệp và
xây dựng tăng 5,43%, dịch vụ tăng 6,56%. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế thì nông,
lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; công nghiệp và xây dựng chiếm
38,3% và dịch vụ chiếm 43,3% (Năm 2012 các tỷ trọng tương ứng là: 19,7%; 38,6%
và 41,7%).
v GDP bình quân đầu người
GDP bình quân đầu người
liên tục tăng: năm 2005 đạt 700 USD, năm 2012 đạt 1.749 USD (tăng gấp 2,5 lần),
năm 2013 đạt khoảng 1.960 USD. Thu nhập của người dân tăng đã ảnh hưởng không
nhỏ đến sự gia tăng về số lượng môtô, xe gắn máy trong
thời gian vừa qua và số lượng ôtô cá nhân
trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Hình 1.1.2 -
1: Thu nhập bình quân của Việt Nam và một số nước
Nguồn: Niên giám thống kê 2012
1.1.3. Phân tích, đánh giá
chung
Qua những phân tích trên ta thấy với tốc
độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa sẽ kéo theo sự phát triển về phương
tiện. Đặc biệt là sự gia tăng về xe gắn máy trong thời gian qua và sự gia tăng
về ô tô trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển
kinh tế, tốc độ đô thị hóa và phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng nên tốc
độ gia tăng phương tiện ở các vùng sẽ khác nhau, đặc biệt là ô tô.
Tốc độ phát triển ở các vùng khác nhau
cũng như của từng tỉnh, thành phố là khác nhau nên sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố
của TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới.
Hiện tại, kinh tế Việt Nam đang trong
giai đoạn phát triển, cơ cấu vận tải chủ yếu vẫn là đường bộ (vận chuyển hành
khách bằng đường bộ chiếm 94%, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ chiếm 75%).
Chính vì vậy, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ sẽ gia tăng và nhu cầu kiểm
định phương tiện cơ giới đường bộ tiếp tục tăng cao đòi hỏi công tác đăng kiểm
phải đáp ứng kịp với sự phát triển của phương tiện.
1.2. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN
PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐB
1.2.1. Tốc độ tăng trưởng
Những năm qua số lượng phương tiện
giao thông tăng nhanh, số lượng phương tiện đường bộ tham gia lưu thông lớn, chủ
yếu là xe môtô, xe gắn máy và ôtô và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn vùng
Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Hồng nơi có hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Tốc độ tăng phương tiện cơ giới đường
bộ nhanh, giai đoạn 2002 - 2012 tăng 13,59 %, trong đó, ô tô tăng 12,66 % còn
mô tô, xe gắn máy tăng 13,64 %. Năm 2013, số phương tiện cơ giới đăng ký mới
là 104.590 ôtô và 1.727.618 mô tô, nâng tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đang
quản lý đến hết năm 2013 là 44.428.267 phương tiện, trong đó có 1.669.521 ô tô
và 42.758.746 mô tô.
Hình 1.2.1-1: Tăng
trưởng phương tiện cơ giới đường bộ
Nguồn: Ủy
ban ATGTQG
Hình 1.2.1-
2: So sánh mật độ phương tiện với một số nước năm 2010
Nguồn: TDSI và Global
Status on Road Safety, WHO 2013.
Năm 2013, mật độ phương tiện/1.000 dân
đã tăng lên là 447,76 phương tiện/1.000 dân. Cơ cấu phương tiện của Việt Nam với
95% là xe môtô, xe gắn máy, chỉ có 5% là ôtô.
Hình 1.2.1-3:
So sánh cơ cấu phương tiện một số nước năm 2010
Nguồn: Global Status on Road Safety,
WHO 2013.
1.2.2. Cơ cấu phương tiện
Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 5% là xe
ôtô, còn lại là xe gắn máy. Tuy nhiên công tác đăng kiểm phương tiện hiện nay
chỉ thực hiện với phương tiện ôtô. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm, năm
2013, xe con (từ 9 chỗ trở xuống) có số lượng nhiều nhất với 798.595 chiếc, tiếp đến
là xe tải với 696.316 chiếc, xe khách (từ 10 chỗ trở lên) là 111.030 chiếc.
Hình 1.2.1-
4: Cơ cấu phương tiện ô tô
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam
2013&TDSI
Mặc dù số lượng phương tiện xe con và
xe tải đang gia tăng nhanh (xe con tăng 10,85%, xe tải tăng 6,8% so với năm
2012) nhưng phương tiện ôtô con và ôtô tải tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng
sông Hồng và Đông Nam Bộ. Số lượng xe con tại hai vùng này nhiều hơn số lượng xe
tải. Các vùng còn lại số
lượng ô tô tải lại nhiều hơn số lượng xe con. Số lượng xe khách tập trung nhiều nhất tại
vùng Đông Nam Bộ, đây là vùng có nhu cầu vận chuyển hành khách cao nhất cả nước.
Hình 1.2.1-
5: Cơ cấu phương tiện theo vùng
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam 2013
&TDSI.
Khi so sánh mật độ ô tô trên 1.000 người
dân cho thấy mật độ trung bình của cả nước là 17 ô tô/1.000 người. Mật độ ô
tô trên 1.000 người của vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng cao hơn của
cả nước và cao nhất, gấp 4-5 lần so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hình 1.2.1 -
6: So sánh mật độ ôtô trên 1000 người theo vùng năm 2012
Nguồn: Niên giám thống kê năm 2012, Cục
Đăng kiểm Việt Nam và
TDSI.
Khi so sánh mật độ phương tiện ôtô
trên 1.000 người dân với các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy Việt
Nam có tỷ lệ tương đối thấp, năm 2010 là 15 xe ôtô/1.000 dân và năm 2013 là 19
xe ôtô/1.000 dân. Số liệu cụ thể
như hình dưới.
Hình 1.2.1 -
7: So sánh mật độ ôtô trên 1.000 người
năm 2010
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Global
Status on Road Safety 2013 & TDSI.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm
Việt Nam thì tổng số phương tiện từ 10 năm trở xuống chiếm tỷ lệ cao với 75%
(1.252.122 chiếc), còn từ trên 20 năm là 170.845 chiếc (chiếm 10%). Trong đó, đối
với xe khách (xe từ 10 chỗ trở lên) thì xe từ 12 năm trở xuống là 85.543 chiếc
(chiếm 77% tổng số xe khách), tiếp đến là xe khách từ trên 17 năm đến 20 năm là
11.723 chiếc (chiếm 11% tổng số xe khách) và không có xe nào trên 20 năm.
Hình 1.2.1-8:
Tuổi của phương tiện ôtô
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam 2013.
Hình 1.2.1 -9: Tuổi
của xe khách (từ 10 chỗ trở lên)
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam 2013.
1.2.3. Phân tích, đánh giá
chung
Theo cơ cấu phương tiện hiện tại thì
Việt Nam chỉ có khoảng 3,76% là xe ô tô, 96,24% là xe mô tô, xe gắn máy. So với
các nước khác thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ xe ôtô thấp. Tuy
nhiên, với sự phát triển như hiện nay thì trong thời gian tới cơ cấu phương tiện
sẽ có sự thay đổi về tỷ lệ giữa xe ô tô và xe mô tô, xe gắn máy.
Giai đoạn 2008-2013, tốc độ phát triển
phương tiện ô tô nói chung của cả nước là 12,02%. Tuy nhiên, tốc độ phát triển
này không đồng đều giữa các vùng: vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tốc
độ phát triển cao nhất với 16,47%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ là 8,16%.
Phân bố mật độ số lượng phương tiện ô
tô/1.000 người giữa các vùng có sự khác biệt rõ rệt. Vùng Đông Nam Bộ (31 ô
tô/1.000 dân) cao gấp 5 lần vùng Đồng bằng sông Cửu Long (06 ô tô/1.000 dân).
Với những phân tích ở trên ta thấy việc
mở rộng các TTĐK và tăng số lượng dây chuyền kiểm định phương tiện là rất cần
thiết để đáp ứng nhu cầu gia tăng của phương tiện cũng như đảm bảo sự thuận tiện
trong việc kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ tại mỗi tỉnh, mỗi vùng miền
khác nhau.
1.3. TÌNH HÌNH TAI NẠN
GIAO THÔNG
1.3.1. Tai nạn giao thông đường
bộ
Theo số liệu của Ủy ban ATGTQG, năm 2013, cả nước đã xảy ra
29.385 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ
năm 2012 giảm 1.610 vụ (-5.19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người
bị thương (-9,36%). Trong đó số vụ TNGT đường bộ là 29.108 vụ, chết 9.156 người
và bị thương 29.441 người.
Hình 1.3.1 -
1: Biểu đồ TNGT ĐB giai đoạn 2000-2013
Nguồn: Ủy ban ATGTQG, Tổng cục Cảnh sát QLHC
về TTATXH
v Tỷ lệ TNGT trên 100.000 dân và 10.000 phương tiện
Tỷ lệ số vụ TNGT, số người bị thương
trên 100.000 dân đã và đang giảm. Tuy nhiên, số người chết trên 100.000 dân vẫn
ở mức cao với giá trị là 12,48 năm 2013.
Hình 1.3.1 - 2: TNGT
trên 100.000 dân
Nguồn: TDSI
Số phương tiện năm 2013 đã gấp 6 lần
so với số lượng phương tiện năm 2000. Trong khi đó, số vụ TNGT, số người chết
và số người bị thương cũng đã và đang giảm, dẫn tới tỷ lệ TNGT trên 10.000
phương tiện đã và đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, số người chết trên
10.000 phương tiện vẫn còn ở mức cao là 2,79 năm 2013.
Hình 1.3.1 - 3: TNGT
trên 10.000 phương tiện
Nguồn: TDSI
So sánh tỷ lệ số người chết do TNGT
trên 100.000 dân của Việt Nam so với các nước trong
khu vực và trên thế giới theo số liệu năm 2010 cho thấy Việt Nam là một trong
những nước có tỷ lệ cao trên thế giới. Tỷ lệ số người chết trên 10.000 phương tiện của
Việt Nam giảm nhanh do số lượng phương tiện tăng nhanh trong những năm qua, đặc
biệt là số lượng phương tiện xe gắn máy. So với các nước, tỷ lệ này của Việt
Nam vẫn còn cao.
Hình 1.3.1 -
4: Tỷ lệ số người chết do TNGT trên 10.000 phương tiện
Nguồn: Global Status on Road Safety,
WHO 2013.
v TNGT theo phương tiện
Tỷ lệ TNGT do các phương tiện trong 5
năm như hình dưới đây.
Hình 1.3.1 -
5: TNGT theo phương tiện giai đoạn 2007 - 2011
Nguồn: Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt
1.3.2. Nguyên nhân TNGT
Hầu hết các TNGTĐB đều được xác định
là do lỗi của người tham gia giao thông, trong đó chạy quá tốc độ, sử dụng sai
làn đường là nguyên nhân chủ yếu. Trong năm 2011, nguyên nhân chủ yếu của các vụ
tai TNGTĐB là do đi không đúng phần đường chiếm 31,4%, vi phạm tốc độ 17,7% và
vượt ẩu chiếm 19,4%.
Hình 1.3.1 -
6: TNGT theo nguyên nhân
Nguồn: Cục CSGTĐB-ĐS
Theo kết quả phân tích trên cho thấy,
lỗi gây TNGTĐB chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông như chạy quá tốc độ
chiếm khoảng 16,2% -23%, sử dụng sai làn đường từ 23,5% - 31,5%, tiếp đến là do
vượt xe không đúng quy cách và do sử dụng rượu bia. Lỗi do phương tiện chiếm rất
nhỏ từ 0,39% đến 1,08%.
1.3.3. Phân tích, đánh giá
chung
Nhìn chung, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí
nhưng số vụ TNGT liên quan đến ô tô diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là xe
khách. Mặc dù số vụ TNGT liên quan đến ô tô chỉ chiếm khoảng 22,3% tổng số vụ
TNGT, nhưng TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách thường gây ra rất
nhiều thiệt hại về người và kinh tế.
Qua số liệu phân tích nguyên nhân gây
TNGTĐB thì nguyên nhân do phương tiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ (năm 2011 chiếm 0,65%
tổng số vụ TNGTĐB, năm 2009 là 1,08% tổng số vụ). Tuy nhiên, số liệu này chưa
phản ánh đúng thực tế vì theo phân tích nguyên nhân của nước ngoài thì tỷ lệ này
thường chiếm khoảng 2% đến 3%. Bên cạnh đó, số liệu mới chỉ phân tích nguyên
nhân đơn lẻ mà chưa
xác định đầy đủ cả yếu tố đơn lẻ và các yếu tố kết hợp.
Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện
nay thì số vụ TNGT liên quan đến xe ôtô sẽ gia tăng, đặc biệt là xe
khách, xe tải vì vậy công tác kiểm định phương tiện cần tiến hành nghiêm ngặt để
đảm bảo phương tiện an toàn khi tham gia giao thông.
1.4. HIỆN TRẠNG CÁC TRUNG
TÂM ĐĂNG KIỂM
1.4.1. Hiện trạng
v Mạng lưới
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 89
đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, 110 TTĐK với 201 dây chuyền kiểm định. Trong đó,
Thành phố Hà Nội có nhiều TTĐK nhất với 12 trung tâm, 26 dây chuyền kiểm định,
tiếp đó là thành phố Hồ Chí Minh với 10
TTĐK với 33 dây chuyền kiểm định. Đến 7/2014, cả nước 114 TTĐK với 211 DCKĐ.
Bảng 1.4.1-1.
Số lượng trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định
TT
|
Năm
|
Số đơn vị đăng kiểm
|
Số TTĐK
|
Số lượng DCKĐ
|
1
|
2008
|
84
|
94
|
135
|
2
|
2009
|
88
|
100
|
162
|
3
|
2010
|
89
|
105
|
177
|
4
|
2011
|
90
|
107
|
189
|
5
|
2012
|
90
|
107
|
191
|
6
|
2013
|
89
|
110
|
201
|
7
|
7/2014
|
89
|
114
|
211
|
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam
Việc phân bố các vị trí không phù hợp
dẫn đến nhiều trạm quá tải. Có đến 08 TTĐK (chiếm 7,2%) có số lượt kiểm định
trung bình trên một dây chuyền /năm là trên 20.000 lượt (Hòa Vang- Đà Nẵng; Long
Thành, Biên Hòa 2- Đồng Nai; Thủ Đức - thành phố
Hồ Chí Minh; Gia Nghĩa - ĐăkNông; Đống Đa-Hà Nội; Quang Trung - Nam Định; Tp.Hạ
Long - Quảng Ninh); 38 TTĐK (chiếm 34,2%) có số lượt kiểm định trung bình trên
một dây chuyền /năm là trên năng suất
trung bình của một dây chuyền 12.348 lượt. Có 07 TTĐK (chiếm 6,3%) có số lượt kiểm định
trung bình trên một dây chuyền /năm là dưới 5.000 lượt.
v Quy mô, loại hình
Quy mô, diện tích quy định của các
TTĐK đã được quy định trong Thông tư 11/2009/TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày
24/6/2009 về “Quy định điều kiện đối với Trung
tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.
Tuy đã có những quy định rất cụ thể và
rõ ràng nhưng theo kết quả kiểm tra hoạt động của các TTĐK cho thấy nhiều đơn vị
đăng kiểm vẫn chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hoạt động, như: nhiều
trung tâm mặt bằng còn hạn chế, bãi đỗ xe có diện tích nhỏ dẫn đến sự di chuyển
của phương tiện trong sân bãi rất khó khăn, xe chờ kiểm định đỗ ra cả ngoài đường
gây cản trở giao thông; nhà kiểm định của một số trung tâm có chiều dài quá ngắn
dẫn đến việc nhiều công đoạn kiểm định phải bố trí tại một vị trí, các đăng kiểm
viên phải chờ nhau ảnh hưởng đến năng suất và thời gian kiểm định; bố trí chưa
hợp lý dẫn đến sự ra vào kiểm định của phương tiện rất khó khăn nhất là các loại
phương tiện lớn như rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe container...; phòng chờ
kiểm định nhiều trung tâm còn chật chội, gây khó khăn cho lái xe, chủ phương tiện.
v Cơ sở vật chất, kỹ
thuật
Hiện nay, các TTĐK xe cơ giới đang được
trang bị dây chuyền kiểm định xe cơ giới đồng bộ, hiện đại do Cộng hòa liên
bang Đức sản xuất, tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Các TTĐK
cũng được trang bị hệ thống máy chủ và camera giám sát dây chuyền kiểm định.
v Tình hình nhân lực
Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng
xe cơ giới, đội ngũ nhân lực nói chung và ĐKV xe cơ giới nói riêng đã được bổ
sung, đào tạo không ngừng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của xã hội. Đến tháng 05/2013,
cả nước có 892 ĐKV kiểm định xe cơ giới. Các ĐKV hiện nay đều có trình độ kỹ sư
chuyên ngành cơ khí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đã
tham gia các khóa đào tạo ĐKV được sát hạch
và cấp chứng chỉ. Định kỳ hàng năm, các ĐKV kiểm định xe cơ giới được kiểm tra,
đánh giá lại năng lực.
1.4.2. Tình hình thực hiện
đăng kiểm
Bảng 1.4.2-1.
Số lượng phương
tiện kiểm định và tỷ
lệ tăng trưởng.
TT
|
Năm
|
Số lượng ô tô
|
Số lượt kiểm định
|
Tỷ lệ số lượng ô tô
phải kiểm định và tổng số ô tô
|
Tỷ lệ tăng trưởng
so với năm trước
|
1
|
2008
|
946.601
|
1.291.415
|
1,36
|
120,33%
|
2
|
2009
|
1.137.933
|
1.515.575
|
1,33
|
120,21%
|
3
|
2010
|
1.274.084
|
1.629.911
|
1,28
|
111,96%
|
4
|
2011
|
1.428.002
|
1.738.438
|
1,22
|
112,08%
|
5
|
2012
|
1.539.142
|
2.005.338
|
1,30
|
107,78%
|
6
|
2013
|
1.669.551
|
2.173.060
|
1,30
|
108,47%
|
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam
1.4.3. Phân tích, đánh giá
chung
Công tác đăng kiểm phương tiện trong
thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, cụ thể:
- Xây dựng được mạng lưới các TTĐK trên cả nước
và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng cường sự quản lý Nhà nước
trong hoạt động đăng kiểm. Giảm thiểu TNGT do nguyên nhân kỹ thuật, giảm ô nhiễm
môi trường, nâng cao chất lượng xe cơ giới tham gia giao thông.
- Xây dựng và quản lý tập trung được cơ sở dữ
liệu về xe cơ giới trên cả nước, đáp ứng nhanh chóng việc tra cứu, tìm kiếm
thông số kỹ thuật, dữ liệu của xe cơ giới và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về
công tác đăng kiểm. Việc xây dựng mạng quản lý kiểm định cho phép khi tới hạn
kiểm định, phương tiện có thể kiểm định tại bất cứ đơn vị kiểm định nào trên cả nước,
điều này đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe và người điều khiển
phương tiện.
- Các dây chuyền kiểm định, thiết bị tin học,
thiết bị thông tin được trang bị đồng bộ, hiện đại. Nguồn nhân lực được tuyển
chọn, đào tạo phù hợp quy định. Trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động kiểm
định tại các TTĐK.
- Góp phần làm lành mạnh hơn hoạt động kiểm định
xe cơ giới; cải cách, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và tạo điều
kiện tốt hơn cho doanh nghiệp, cho chủ phương tiện khi kiểm định.
- Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đảm bảo an
toàn, đúng đối tượng và được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng
đánh giá cao.
- Huy động được nguồn lực từ các thành phần
kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
cho các TTĐK, đã phát triển được một số TTĐK xã hội hóa; đáp ứng nhu cầu kiểm định
do tăng trưởng phương tiện; giảm bớt chi ngân sách Nhà nước.
- Các TTĐK đã được xây dựng tại tất cả các tỉnh, thành phố, kể cả các tỉnh, thành phố
có điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng xe cơ giới ít, đáp ứng được nhu cầu kiểm
định của người dân và doanh nghiệp; ý thức, cung cách, chất lượng phục vụ khách
hàng của các Trung tâm được nâng lên.
- Thông qua công tác kiểm định đã tuyên truyền
được tới chủ xe, lái xe pháp luật ATGT, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp
luật của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được
vẫn còn một số tồn tại như:
- Số lượng TTĐK tính đến 2013 mới chỉ đạt
51,2%; số lượng dây chuyền đạt 59,5% so với quy hoạch đặt ra (tính trong giai
đoạn 2010 - 2015) do sự phát triển kinh tế đất nước, địa phương và các doanh
nghiệp có sự chậm lại, không như dự tính ở thời
điểm lập Quy hoạch năm 2005.
- Việc áp dụng mô hình xã hội hóa cũ có bộc lộ
và tồn tại một số nhược điểm, do đó cần có sự hạn chế để tăng cường kiểm soát
và kéo dài thời gian thí điểm.
- Thiếu sự quan tâm của các địa phương đối với
hoạt động kiểm định xe cơ giới nên nhiều địa phương đã không có các quy hoạch vị
trí xây dựng và dành quỹ đất cho các TTĐK.
- Do có sự phát triển, mở rộng chưa theo quy hoạch,
đặc biệt là tại các Thành phố lớn, có số lượng xe cơ giới tăng trưởng nhanh đã
dẫn đến tình trạng một số TTĐK thường xuyên kiểm định ở tình trạng quá tải, chất
lượng kiểm định còn một số phương tiện không đảm bảo, vẫn còn có xe cơ giới
không đảm bảo tiêu chuẩn tham gia giao thông.
1.5. HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KIỂM XE
CƠ GIỚI
1.5.1. Hiện trạng thể chế
v Tổ chức
Cục ĐKVN là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT
và thay mặt Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đăng kiểm đối với phương
tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi
hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa, hàng hải trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện công tác
đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện, thiết bị GTVT và
phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo quy
định của pháp luật.
v Văn bản quy phạm pháp
luật
Văn bản QPPL được ban hành liên quan đến
vấn đề đăng kiểm PTCGĐB như: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Bảo vệ môi
trường năm 2005, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và Luật Tiêu chuẩn
và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Phương tiện giao thông tăng quá nhanh đặc biệt
là số lượng phương tiện đường bộ, Chính phủ và Bộ GTVT đã ban hành rất nhiều
Nghị định, Quyết định, Thông tư, hướng dẫn liên quan đến kiểm định phương tiện.
Đến nay hệ thống các văn bản QPPL đã được xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn
thiện nhằm theo kịp sự sự phát triển về KT-XH cũng như sự đa dạng về chủng loại,
chất lượng phương tiện nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT.
Để phù hợp với điều kiện hiện Bộ GTVT ban hành kịp thời như tại các văn bản QPPL về đăng kiểm xe cơ giới sản xuất,
lắp ráp mới (SXLR) và nhập khẩu; các văn bản QPPL về đăng kiểm xe ô tô đang lưu
hành với mục tiêu siết chặt hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ
liên tục sửa đổi các để phù hợp với điều
kiện hiện tại như: Thông tư 29/2012/TT-BGTVT ; Thông tư 56/2012/TT- BGTVT; Thông
tư số 29/VBHN-BGTVT ; Thông tư 27/2013/TT-BGTVT ; ... Bộ GTVT đã ban hành Thông
tư số 59/2013/TT-BGTVT quy định về việc thành lập và hoạt động của TTĐK xe cơ
giới.
Tất cả các văn bản được ban hành trong thời gian qua đã hợp thành một hệ thống
văn bản QPPL về đăng kiểm phương tiện cơ
giới đường bộ, tạo thành khung pháp lý đầy đủ và tương đối hoàn chỉnh.
Hoạt động xây dựng và ban hành văn bản QPPL về đăng kiểm PTCGĐB trong thời gian
qua đã đáp ứng yêu cầu nóng bỏng bức xúc của thực tế đặt ra. Việc sửa đổi, bổ
sung, hợp nhất các văn bản về về đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ cũng được
quan tâm thực hiện tốt. Công tác kiểm định đóng vai trò quan trọng, hạn chế các
phương tiện không đủ tiêu chuẩn, góp phần kiềm chế và giảm thiểu TNGT, vì vậy cần tiếp
tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL liên quan đến công tác đăng kiểm xe cơ giới
trong thời gian tới.
v Tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật
Cùng với việc xây dựng hệ thống văn bản
QPPL, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện giao thông cơ giới
được cũng đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện.
Hệ thống tiêu chuẩn ngành trước đây
(TCVN) đã được chuyển đổi, cập nhật, bổ sung thành Hệ thống các Quy chuẩn kỹ
thuật Quốc gia để làm cơ sở, căn cứ khoa học vững chắc cho công tác kiểm tra,
thử nghiệm, đánh giá, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
phương tiện và thiết bị giao thông vận tải. Danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật có liên quan được nêu trong Phụ lục 4.
1.5.2. Cơ chế, chính sách
Thực hiện công tác xã hội hóa đăng kiểm
xe cơ giới đã góp phần đáp ứng nhu cầu về công tác đăng kiểm, giảm áp lực cho
các TTĐK công. Bộ GTVT đã có những cơ chế chính sách cho phù hợp nhằm huy động
được tối đa nguồn lực xã hội vào hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Các chính sách này đã huy động được
các nguồn lực, tiềm lực của xã hội đầu tư cho hoạt động kiểm định, giảm chi
ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu kiểm định do tăng trưởng phương tiện. Song
hạn chế là các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu lợi nhuận lên cao, do vậy đã có
tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp tiêu chuẩn không thực hiện đúng,
đủ quy trình kiểm định,
việc sử dụng cán bộ đăng kiểm của một số đơn vị
chưa đúng tiêu chuẩn, thiếu kiến thức thực tế.
1.5.3. Phân tích, đánh giá
chung
Trong những năm gần đây, đáp ứng yêu cầu gia tăng về
số lượng PTCGĐB, các TTĐK xe cơ giới ngày càng phát triển, chất lượng kiểm định
xe cơ giới đã được cải thiện. Hoạt động đăng kiểm đã thực hiện tốt chức năng quản
lý Nhà nước và tổ chức thực hiện đăng kiểm đối với phương tiện giao thông vận tải,
góp phần vào mục
tiêu nâng cao chất lượng phương tiện, kiềm chế TNGT.
Hệ thống văn bản, QPPL và tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng, bổ sung, sửa đổi tương đối hoàn thiện làm
căn cứ pháp lý cho các hoạt động đăng kiểm PTCGĐB bao gồm đăng kiểm chất lượng
xe cơ giới sản xuất, lắp ráp mới và nhập khẩu, kiểm định ô tô và xe máy chuyên
dùng đang lưu hành tạo thành khung pháp lý cho hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung, cập nhật, sửa đổi kịp thời hệ thống văn bản QPPL để
phù hợp với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ đăng kiểm trong tình hình mới và mở rộng
việc đăng kiểm sang những lĩnh vực chưa được thực hiện.
1.6. MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỦA
CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC VÀ TRÊN THẾ GIỚI
v Nhật Bản
Cơ quan kiểm định xe quốc gia -
National agency of vehicle ispection (NAVI) là cơ quan kiểm định của Nhật Bản
có trụ sở chính tại Tokyo và 93 trung tâm chi nhánh. Quy trình kiểm định xe cơ
giới của Nhật được đánh giá là chặt chẽ nhất thế giới. Trong trung tâm kiểm định,
Nhật Bản sử dụng hệ thống tổng kiểm tra tự động xe cơ giới (Multi - tester) với
các công nghệ hiện đại hàng đầu.
Ngoài ra các trạm cố định Nhật cũng
các trạm di động để kiểm tra trên những tuyến đường, tiến hành phối hợp với cảnh sát để kiểm tra trên các tuyến
đường xác nhận rằng phương tiện hoạt động đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường.
Chính phủ Nhật Bản cũng ủy quyền cho tổ
chức LMVIO (Ligh motor vehicle inspection organization) tham gia công tác đăng
kiểm cho xe ô tô cá nhân hạng nhẹ với vốn đầu tư của chính phủ là 150 triệu
yên. Ô tô cá nhân hạng
nhẹ là loại phương tiện có tối đa 4 chỗ, chiều dài tối đa là 3,4 m, rộng tối
đa 1,48m.
v Hồng Kông
Nhà nước quản lý công tác kiểm định an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Hệ thống các trung tâm đăng kiểm
xe cơ giới đang lưu hành tại Hồng Kông có ba hình thức đầu tư:
- Các trung tâm do Nhà nước đầu tư và điều hành
hoạt động;
- Các trung tâm do nhà nước sở hữu nhưng giao
cho các công ty tư nhân điều hành hoạt động;
- Các Trung tâm do các công ty tư nhân đầu tư
và điều hành hoạt động;
Đối với các TTĐK xe cơ giới do các
công ty tư nhân thành lập và điều hành đều có các cán bộ giám sát của cơ quan
quản lý công tác đăng kiểm đến kiểm tra giám sát trực tiếp việc kiểm định. Sau
mỗi 3 năm, hợp đồng liên kết được đánh giá lại. Các trung tâm đăng kiểm tư nhân
chỉ được kiểm định các loại xe cá nhân, xe tải nhẹ có trọng lượng toàn bộ không
quá 1,9 tấn. Việc kiểm tra khí thải và kiểm tra an toàn được tiến hành ở cùng một
TTĐK xe cơ giới.
Hồng Kông quy định cụ thể đối tượng kiểm
định của từng trung tâm đăng kiểm. Các xe thương mại chỉ được kiểm định tại một
TTĐK cố định trong suốt quá trình sử dụng. Các dây chuyền kiểm tra được thiết kế
theo nguyên tắc thuận tiện, dễ dàng, đạt năng suất cao nhất. Dây chuyền kiểm
tra được chia thành 4 công đoạn. Hiện nay Hồng Kông đã áp dụng mức tiêu chuẩn
khí thải tương đương EURO 4 và sử dụng phối hợp các phương pháp để kiểm tra khí thải.
Tai nạn giao thông ở Hồng Kông trong những năm gần đây đã giảm hẳn so với trước
và không có hiện tượng ô tô xả khói đen khi lưu thông trên đường. Đó một phần
là do chất lượng kiểm định xe cơ giới ở Hồng Kông rất cao.
v Australia
Kiểm tra xe tại Australia được thực hiện
trên cơ sở nhà nước quản lý. Tuy nhiên, mỗi tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ có thẩm
quyền để thiết lập luật lệ riêng liên quan đến kiểm định xe cơ giới. Phương tiện
cơ giới có thể được kiểm định định kỳ hoặc trước khi chuyển quyền sở hữu phương tiện
cơ giới.
Ở bang Queensland, quy định không
yêu
cầu
chủ phương tiện cá nhân phải kiểm tra định kỳ. Xe bắt buộc
phải kiểm định khi có nhu cầu bán, chuyển quyền sử dụng cho
người
khác
và phải có giấy chứng nhận đạt chất lượng (RWC) đảm bảo
cho người mua có một chiếc xe đáp ứng tiêu chuẩn an
toàn kỹ thuật tối thiểu. Nếu không có giấy chứng nhận RWC,
chiếc xe có thể được bán nhưng không cho phép xe chạy một cách hợp pháp
trên đường công cộng.
|
|
Các phương tiện kinh doanh vận tải
như: xe tải, xe khách, xe taxi, xe buýt... phải được kiểm
định định kỳ, thường là 6-12 tháng.
Ở bang Victoria, cũng không yêu cầu phương tiện
ô tô cá nhân phải kiểm tra định kỳ. Xe được yêu cầu kiểm định trong những trường
hợp sau:
- Đang được chuyển giao cho một chủ sở hữu mới;
- Đang được đăng
ký sau một thời gian chưa đăng ký;
- Đang được đăng ký lần đầu tiên (không bao gồm
xe mới sản xuất), ví dụ: xe nhập khẩu đã qua sử dụng.
v Ấn Độ
Hệ thống các trạm kiểm tra an toàn xe
lưu hành đều do Nhà nước thành lập và quản lý. Phương thức kiểm tra ở các trạm
này vẫn là kiểm tra thủ công trừ việc kiểm tra tiêu chuẩn môi trường. Các xe
vào kiểm tra nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp “giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn”.
Đầu năm 2006 đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng thí điểm mộ trạm kiểm tra
xe cơ giới với 2 dây chuyền kiểm định xe lớn và xe con tại New Delhi. Sau khi
sử dụng thí điểm
trạm
cơ giới này, xây dựng đại trà các trạm khác trên cả nước. Trang thiết bị kiểm
tra phanh, kiểm tra độ trượt ngang, kiểm ra độ rơ của hệ thống lái là thiết bị
Mustang. Thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước là thiết bị Luminoscope có
khả năng tự động định vị trí đèn. Các thiết bị này được nối mạng và tự động xử
lý kết quả kiểm tra thông qua hệ thống máy tính trung tâm.
v Cộng hòa liên bang Đức
Cùng với sự phát triển của ngành công
nghiệp ô tô, Đức là một trong số các nước sớm thiết lập hệ thống quản lý và kiểm
tra an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới. Việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành được Chính phủ ủy quyền cho 2 tổ chức thực hiện, đó là: TUV và DEKRA.
TUV thiết lập một hệ thống dịch vụ kiểm
tra linh hoạt. Hệ thống này bao gồm các TTĐK tập trung và các cơ sở kiểm định vệ
tinh đặt tại các xưởng sửa chữa xe. Tùy theo số lượng xe vào kiểm tra ở từng địa
phương mà quyết định số lượng và quy mô của các TTĐK tập trung, có trung tâm chỉ
có 1 dây chuyền kiểm tra và có trung tâm có nhiều dây chuyền kiểm tra, có vùng
có nhiều TTĐK tập trung nhưng cũng có nơi vài quận, huyện mới có một trung tâm.
Nội dung kiểm tra gồm khoảng 160 hạng
mục lớn nhỏ. Các hạng mục kiểm tra đều do 1 người thực hiện. ĐKV phải là người
có trình độ đại học chuyên ngành về kỹ thuật ô tô hoặc về cơ khí và được đào tạo
nghiệp vụ kiểm tra xe. Ngoài việc kiểm tra tại các TTĐK, người ta còn thực hiện
kiểm tra tại một số cơ sở sửa chữa xe. Các cơ sở này được TUE đánh giá công nhận.
Tuy nhiên kỹ thuật viên của xưởng chỉ có thể tư vấn cho khách hàng hoặc thực hiện
việc sửa chữa, bảo dưỡng xe còn việc kiểm định theo luật vẫn phải do ĐKV của
TUE thực hiện trực tiếp tại các cơ sở sửa chữa.
Tại phía Tây nước Đức, khách hàng thường
đưa xe đến các TTĐK tập trung để kiểm tra, còn ở phía Đông khoảng 80% xe được
kiểm tra tại xưởng sửa chữa và chỉ có 20% xe được kiểm định tại các TTĐK tập
trung.
Xe đạt tiêu chuẩn kiểm định được nhận
Phiếu ghi kết quả kiểm tra và trên biển số xe người ta sẽ gắn 2 tem: tem tròn- tem an
toàn, tem lục giác - tem môi trường. Giữa tem ghi năm và ở vành ngoài của tem
thể hiện tháng xe sẽ phải kiểm tra lại. Tem có 5 màu sắc khác nhau và cứ 5 năm
quay lại màu cũ.
Đức là một trong những nước có chất lượng
kiểm định xe cơ giới cao nhất thế giới và Đức cũng là nơi sản xuất các DCKĐ hiện
đại nhất trên thế giới.
v Thái Lan
Dự án xã hội hóa kiểm định xe cơ giới
được bắt đầu từ năm 1993, đến 1995 đã thực hiện tại Bang Kok và 5 tỉnh thành phố
lớn và đến năm 2001 thực hiện xong ở các tỉnh, thành phố còn lại. Đầu tư xây dựng
các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trong giai đoạn này chủ yếu từ nguồn vốn của
tư nhân và đã thành lập được 609 TTĐK tư nhân tại 23 tỉnh. Chính phủ Thái Lan
quy định các xe kinh doanh vận tải như ô tô khách, ô tô tải nặng phải kiểm định
tại các trung tâm thuộc nhà nước đầu tư, có đủ các thiết bị kiểm tra.
Ở Thái Lan quy định tất cả các xe ô tô
có tuổi thọ nhiều hơn 7 năm và xe
máy hơn 5 năm phải được kiểm định định kỳ mỗi năm, bao gồm kiểm định an toàn kỹ
thuật và khí thải. Việc kiểm định được thực hiện tại các trung tâm kiểm định có
thẩm quyền với quy trình và dịch vụ tương tự với tiêu chuẩn ở Anh và ở Mỹ,
trong khi phí kiểm định tương đối thấp so với chất lượng dịch vụ.
Sau khi kiểm tra nếu đạt tiêu chuẩn
các xe được cấp giấy chứng nhận gọi là TorRorOr. Các tem không ghi thời gian xe
phải quay lại kiểm định nên chủ xe phải lưu ý và ghi nhớ thời gian kiểm định lại. Giấy chứng nhận
TorRorOr là một yêu cầu theo quy định của pháp luật, nếu phương tiện cơ giới bị
cảnh sát giao thông dừng lại kiểm tra mà không có giấy chứng nhận hợp lệ, chủ
phương tiện có thể bị truy tố.
Công việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường được thực hiện bao gồm kiểm tra đèn, lốp xe, thân vỏ, khí thải...
Các kiểm định viên cũng tiến hành kiểm tra xem số máy, số khung và màu sắc có đúng như được
ghi trong Giấy đăng ký xe không. Trong trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn phải
được sửa chữa và quay lại kiểm định đến khi đạt tiêu chuẩn, số lượng trung tâm
đăng kiểm của Thái Lan rất nhiều, đặc biệt Bangkok có 255 trung tâm. Do đó, việc
tìm kiếm và đưa phương tiện đi kiểm định rất dễ dàng và thuận tiện vì địa chỉ
các trung tâm đăng kiểm được liệt kê trong những trang vàng địa phương.
Công tác kiểm định xe cơ giới ở Thái
Lan tương đối tốt, mặc dù vậy ở vùng nông thôn, nhiều phương tiện có chất lượng
kém vẫn lưu thông.
v Bài học kinh nghiệm
cho Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đang có tốc độ
phát triển KTXH nhanh. Cùng với đó là sự
gia tăng số lượng và chủng loại
phương tiện cơ giới đường bộ. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trong
việc nâng cao chất lượng kiểm định có thể đưa ra một số bài học kinh nghiệm như
sau:
- Nhà nước phải giữ vai trò quản lý, kiểm
soát hoạt động kiểm định xe cơ giới;
- Hệ thống quản lý kiểm định phải đáp ứng được
yêu cầu cung cấp số liệu, số lượng, chất lượng, chủng loại phương tiện của từng
địa phương và của cả nước một cách nhanh chóng phục vụ cho công tác quản lý
nhà nước và phục vụ các tổ chức, các đơn vị
quan tâm;
- Tổ chức mạng lưới các TTĐK ở các địa phương,
các vùng miền nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lái xe, chủ phương tiện lựa
chọn các TTĐK có vị trí thuận tiện nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất để kiểm định;
- Đưa ra hệ thống các tiêu chuẩn kiểm định rất
chặt chẽ liên quan đến cả ATKT và BVMT và phù hợp các khuyến nghị của tổ chức
đăng kiểm ô tô Quốc tế CITA;
- Các cơ sở kiểm định phải được bố trí ở các vị
trí thuận lợi và được lắp đặt các trang thiết bị kiểm định hiện đại. Các thiết
bị kiểm tra, mạng thông tin, lưu trữ phải đồng bộ, thống nhất nhằm không gây
lãng phí do phải có những đầu tư không cần thiết cho hòa mạng thiết bị khác chủng
loại hay chi phí hòa mạng quản lý kiểm định của các TTĐK do sử dụng thiết bị,
công nghệ khác loại;
- Đồng thời các cơ quan quản lý của các quốc
gia đều kiểm tra, giám sát các TTĐK cũng như lái xe, chủ phương tiện trong việc
tuân thủ các quy định về kiểm định.
Phần II
DỰ
BÁO NHU CẦU ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI
2.1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN
NĂM 2020
2.1.1. Các chỉ tiêu phát triển
kinh tế - xã hội
Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2011-
2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 6,5 - 7,5%. Năm 2015, GDP
bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công
nghiệp - xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt
55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến
năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5%
GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tốc độ tăng dân số
đến năm 2015 khoảng 1%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm.
Các chỉ tiêu phát triển kinh
tế xã hội đến 2020 chính, cụ thể như sau:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước
bình quân 6,5 - 7,5%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so
với năm 2010;
- GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt
khoảng 3.000 USD.
- Tỉ lệ đô thị hóa
đạt trên 45%.
- Dân số khoảng 98 triệu người, tốc độ tăng dân
số ổn định ở mức khoảng 1%.
2.1.2. Các định hướng phát
triển kinh tế - xã hội đến 2020
Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất,
xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển
theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng
quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Gắn phát triển
kinh tế với bảo vệ
môi trường, phát triển kinh tế xanh.
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực;
- Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo
hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh;
- Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng
hiện đại, hiệu quả, bền vững;
- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là
các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh;
- Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ
tầng giao thông;
- Phát triển hài hòa, bền vững
các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới;
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã
hội hài hòa với phát triển
kinh tế;
- Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất
lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân
dân;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới
toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo;
- Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động
lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững;
- Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ
động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai;
- Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng
quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường
quốc tế.
2.2. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
GTVT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
Định hướng phát triển GTVT đã thể hiện
trong Quyết định 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến
lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngoài ra các chiến lược,
quy hoạch chi tiết của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng thủ đô Hà Nội và Thành
phố Hồ Chí Minh cũng được xem xét trong
Quy hoạch tổng thể các trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến
năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm:
- Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 phê
duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp HCM đến năm 2025;
- Các quyết định số 05, 06, 07/2011/QĐ-TTg ngày
24/01/2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ,
phía Nam và miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê
duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2050;
- Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10/02/2012
về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng
sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Quyết định 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về việc
phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch
phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04/03/2014 về việc
phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030;
- Các chiến lược và quy hoạch phát triển KT-XH
và GTVT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Định hướng phát triển
giao thông vận tải đến năm 2020
Đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cơ
bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng
cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm
môi trường, hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải,
phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước
ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
- Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải đến
năm 2020: Tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách,
trong đó đường bộ đảm nhận 86,0 ¸
90,0%;
đường sắt 1,0 ¸ 2,0%; đường
thủy nội địa 4,5 ¸ 7,5% và hàng không
1,0 ¸ 1,7%. Tổng khối
lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0 ¸ 70,0%; đường sắt 1,0 ¸ 3,0%; đường thủy nội
địa 17,0 ¸ 20,0%; đường
biển 9,0 ¸ 14,0% và hàng
không 0,1 ¸ 0,2%.
- Theo đó vận tải đường bộ vẫn là phương thức
chủ yếu, đặc biệt là vận tải hành khách. Vận tải đường bộ chủ yếu đảm nhận việc
gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và
trung bình.
- Phát triển phương tiện vận tải phù hợp với kết
cấu hạ tầng giao thông phù hợp với chủng loại hàng hóa và đối tượng hành khách,
đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn và môi trường.
Về phát triển kết cấu hạ tầng
giao thông
● Trục dọc Bắc - Nam
+ Ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp
và mở rộng quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe. Tập trung đầu tư xây dựng trước một số
đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam với thời gian phù hợp có xét đến hiệu
quả chung của việc khai thác các đoạn tuyến quốc lộ 1 song hành. Đầu tư nối
thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư
những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển.
+ Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại
hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi
để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt tốc độ cao.
● Khu vực phía
Bắc
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
khu vực phía Bắc với trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:
+ Hoàn thành nâng cấp, mở rộng các đoạn
tuyến thuộc quốc lộ 1 trong khu vực với quy mô 4 làn xe. Xây dựng mới các đoạn
thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, các tuyến đường bộ cao tốc thuộc hai hành
lang và một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, các tuyến cao tốc hướng tâm
và vành đai vùng Thủ đô Hà Nội. Hoàn thành nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật các
tuyến quốc lộ còn lại, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành
đai phía Bắc.
+ Hoàn thành nâng cấp và hiện
đại hóa đoạn đường sắt thuộc tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Nghiên cứu xây dựng
mới các tuyến đường sắt tốc độ cao thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế
Việt Nam-Trung Quốc, các tuyến nối đến cảng biển, các khu kinh tế lớn.
+ Tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng
bộ, hiện đại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tiếp nhận tàu có trọng tải đến
100.000 DWT (8.000 TEU); tiếp tục phát triển các cảng biển, các bến container và
các bến cảng chuyên dùng đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; xây dựng cảng
khách tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
+ Hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm
bảo chạy tàu 24/24h các
tuyến đường thủy nội địa quan trọng. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng
chính, bến hàng hóa như Ninh Phúc, Đa Phúc, Việt Trì, Hòa Bình, cảng Container Phù
Đổng. Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng, bến hành khách tại Hà Nội, Hải Phòng
và Quảng Ninh.
+ Tập trung, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng
bộ, hiện đại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, trong đó cảng hàng không
quốc tế Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của Miền Bắc. Khai thác an toàn,
có hiệu quả cảng hàng không Điện Biên; khôi phục hoạt động cảng hàng không Gia
Lâm, Nà Sản, Thọ Xuân đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu
xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh, cảng hàng không Lào Cai.
● Khu vực miền
Trung - Tây Nguyên
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
khu vực miền Trung - Tây Nguyên với trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm miền
Trung:
+ Hoàn thành nâng cấp, mở rộng các đoạn
tuyến thuộc quốc lộ 1 trong khu vực với quy mô 4 làn xe. Xây dựng các đoạn đường
bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tiến hành nâng cấp, xây dựng
các đường thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây và các đường ngang nối vùng duyên
hải với các tỉnh Tây Nguyên, nối các cảng
biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan,
Campuchia. Xây dựng đường hành lang biên giới và hệ thống đường tuần tra biên
giới theo quy hoạch được duyệt.
+ Tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa
nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các đoạn đường sắt thuộc tuyến đường sắt Bắc -
Nam hiện có. Nghiên cứu xây dựng mới một số đoạn tuyến đường sắt: Vũng Áng -
Cha Lo (Mụ Giạ), nối các tỉnh Tây Nguyên, phục vụ khai thác và sản xuất alumin
- nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên, nối Tây Nguyên với cảng biển.
+ Tiếp tục xây dựng, nâng cấp và mở rộng
các cảng: Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu
theo từng thời kỳ. Xây dựng các cảng chuyên dụng phục vụ cho các nhà máy nhiệt
điện, xuất khẩu alumin. Lựa chọn và xây dựng bến cảng hành khách quốc tế tại
khu vực Huế, Đà Nẵng, Nha
Trang.
+ Chỉnh trị và nâng cấp một số đoạn
tuyến sông quan trọng; chú trọng tăng chiều dài các đoạn sông được quản lý,
khai thác.
+ Tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ,
hiện đại và khai thác có hiệu quả các cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh.
Tiếp tục nâng cấp cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển
hàng hóa quốc tế của khu vực. Nâng cấp các cảng hàng không Vinh, Phú Bài, Phù
Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột đáp ứng nhu cầu từng thời kỳ. Nghiên cứu
phát triển cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế.
● Khu vực phía
Nam
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
khu vực phía Nam với trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung
vào các nhiệm vụ sau:
+ Hoàn thành nâng cấp, mở rộng các đoạn
tuyến thuộc quốc lộ 1 khu vực phía Nam với quy mô 4 làn xe. Xây dựng các đoạn
đường bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc nối
thành phố Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng và
các đường vành đai thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh; nối thông tuyến đường
biên giới phía Tây Nam; hoàn thành nâng cấp, đưa vào đúng cấp kỹ thuật các tuyến
quốc lộ còn lại.
+ Tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa nhằm nâng
cao hiệu quả khai thác các đoạn đường sắt thuộc tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện
có. Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1.435 mm nối thành phố Hồ Chí
Minh với Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ; nghiên cứu
xây dựng đường sắt Dĩ An
- Lộc
Ninh để kết nối với đường sắt Xuyên Á.
+ Tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng
bộ, hiện đại cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải để tiếp nhận tàu có trọng
tải trên 100.000 DWT (8.000TEU). Tiếp tục đầu tư phát triển và khai thác có hiệu
quả các cảng, bến trong khu vực theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng luồng tàu mới
vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải 10.000 DWT đầy tải
(20.000 DWT giảm tải) gắn với việc mở rộng, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - Cái
Cui trở thành cụm cảng đầu mối khu vực miền Tây Nam Bộ.
+ Hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm
bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh đi
các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tuyến sông Tiền, sông Hậu. Xây dựng và nâng cấp
các cảng thủy nội địa hàng hóa và hành khách. Nâng cao năng lực vận tải đường
thủy lên 70
¸ 75% tỷ trọng
vận tải trong khu vực Tây Nam Bộ.
+ Tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ,
hiện đại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tiếp tục nâng cấp các cảng hàng
không Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo đáp ứng nhu cầu; đảm bảo khai thác hiệu quả cảng
hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú
Quốc. Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không Vũng Tàu. Khuyến khích hợp tác công tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây
dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành.
Về phát triển giao
thông vận tải đô thị
Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ
tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao
thông đô thị từ 16 ¸ 26%. Đối với
các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt, nhanh chóng đầu tư xây dựng
các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện
ngầm để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng 25 ¸ 30%. Kiểm soát sự
phát triển của xe máy, xe ô tô cá nhân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đảm bảo an toàn giao thông
- Nhanh chóng triển khai thực hiện Chiến lược
quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030.
- Đẩy nhanh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống
kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đảm bảo hành lang an toàn, xử lý
điểm đen trên tuyến... nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số người
chết vì tai nạn giao thông hàng năm.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn tổ
chức quản lý an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương hướng tới đảm bảo
trật tự an toàn giao thông một cách bền vững; nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường công tác cưỡng chế thi hành
pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản
lý người điều khiển phương tiện giao thông; chất lượng kiểm định phương tiện cơ
giới.
- Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm
thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra
Tầm nhìn đến năm 2030
Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao
thông vận tải trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các
phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo:
nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.
Cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến
đường bộ cao tốc; triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ
cao Bắc - Nam. Hệ thống đường bộ, đường sắt Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ
thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng
và đường sắt xuyên Á.
Phát triển giao thông đô thị hướng tới
văn minh, hiện đại. Từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng
lớn tại các đô thị loại I. Tiếp tục phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại
Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
2.3. CÁC QUY HOẠCH, CHIẾN
LƯỢC CÓ LIÊN QUAN
2.3.1. Quy hoạch mạng lưới
các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đến năm 2015 (Quyết định 3544/QĐ-BGTVT
ngày 23/09/2005).
Theo quyết định 3544/QĐ-BGTVT ngày
23/09/2005 mạng lưới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và dây chuyền kiểm định đến năm
2015 trên phạm vi cả nước như sau:
TT
|
Địa phương
|
Số lượng
TTĐK đến 2015
|
Số lượng
DCĐK
đến 2015
|
1.
|
Cao Bằng
|
2
|
2
|
2.
|
Lạng Sơn
|
3
|
4
|
3.
|
Quảng Ninh
|
7
|
10
|
4.
|
Hải Phòng
|
8
|
12
|
5.
|
Thái Bình
|
3
|
4
|
6.
|
Nam Định
|
3
|
5
|
7.
|
Phú Thọ
|
2
|
3
|
8.
|
Thái Nguyên
|
3
|
5
|
9.
|
Yên Bái
|
2
|
3
|
10.
|
Tuyên Quang
|
2
|
2
|
11.
|
Hà Giang
|
1
|
1
|
12.
|
Lào Cai
|
3
|
4
|
13.
|
Lai Châu
|
1
|
1
|
14.
|
Sơn La
|
3
|
4
|
15.
|
Điện Biên
|
1
|
1
|
16.
|
Hòa Bình
|
3
|
3
|
17.
|
Hà Nội
|
24
|
44
|
18.
|
Hải Dương
|
3
|
4
|
19.
|
Ninh Bình
|
2
|
2
|
20.
|
Thanh Hóa
|
5
|
6
|
21.
|
Nghệ An
|
4
|
6
|
22.
|
Hà Tĩnh
|
2
|
2
|
23.
|
Đà Nẵng
|
5
|
8
|
24.
|
Đắk Lắc
|
3
|
4
|
25.
|
Đắk Nông
|
1
|
1
|
26.
|
Lâm Đồng
|
4
|
5
|
27.
|
TPHCM
|
28
|
60
|
28.
|
Đồng Nai
|
6
|
12
|
29.
|
Bình Dương
|
5
|
10
|
30.
|
Long An
|
2
|
3
|
31.
|
Tiền Giang
|
4
|
5
|
32.
|
Vĩnh Long
|
2
|
2
|
33.
|
Cần Thơ
|
3
|
5
|
34.
|
Đồng Tháp
|
2
|
2
|
35.
|
An Giang
|
3
|
5
|
36.
|
Kiên Giang
|
4
|
6
|
37.
|
Cà Mau
|
2
|
2
|
38.
|
Tây Ninh
|
3
|
5
|
39.
|
Bến Tre
|
2
|
2
|
40.
|
Vũng Tàu
|
4
|
6
|
41.
|
Quảng Bình
|
2
|
2
|
42.
|
Quảng Trị
|
2
|
2
|
43.
|
Huế
|
4
|
5
|
44.
|
Quảng Ngãi
|
3
|
4
|
45.
|
Bình Định
|
4
|
6
|
46.
|
Phú Yên
|
2
|
2
|
47.
|
Khánh Hòa
|
4
|
5
|
48.
|
Gia Lai
|
3
|
4
|
49.
|
Kon Tum
|
2
|
2
|
50.
|
Sóc Trăng
|
2
|
2
|
51.
|
Trà Vinh
|
2
|
2
|
52.
|
Ninh Thuận
|
2
|
2
|
53.
|
Bình Thuận
|
2
|
2
|
54.
|
Vĩnh Phúc
|
3
|
4
|
55.
|
Hưng Yên
|
3
|
3
|
56.
|
Hà Nam
|
2
|
2
|
57.
|
Quảng Nam
|
3
|
3
|
58.
|
Bình Phước
|
2
|
2
|
59.
|
Bạc Liêu
|
2
|
2
|
60.
|
Hậu Giang
|
2
|
2
|
61.
|
Bắc Kạn
|
1
|
1
|
62.
|
Bắc Giang
|
2
|
2
|
63.
|
Bắc Ninh
|
3
|
4
|
Tổng
|
215
|
338
|
Nhận xét chung:
- Các dây chuyền kiểm định, thiết bị tin học,
thiết bị thông tin được trang bị đồng bộ, hiện đại. Nguồn nhân lực được tuyển
chọn, đào tạo phù hợp quy định. Trang bị
hệ thống camera giám sát hoạt động kiểm định tại các TTĐK.
- Các TTĐK đã được xây dựng tại tất cả các Tỉnh,
Thành phố, đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp; ý thức,
cung cách, chất lượng phục vụ khách hàng của các Trung tâm được nâng lên.
- Do có sự phát triển, mở rộng chưa theo quy hoạch,
đặc biệt là tại các Thành phố lớn, có số lượng xe cơ giới tăng trưởng nhanh đã
dẫn đến tình trạng một số TTĐK thường xuyên kiểm định ở tình trạng quá tải, chất
lượng kiểm định còn một số phương tiện không đảm bảo, vẫn còn có xe cơ giới
không đảm bảo tiêu chuẩn tham gia giao thông.
2.3.2. Một số đề án
khác
a) Đề án “Xã hội hóa
công tác đăng kiểm xe cơ giới lưu hành” (Quyết định số 1658/QĐ-BGTVT ngày
16/5/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT):
Mục tiêu của đề án: là huy động
tiềm năng, nguồn vốn của xã hội đầu tư cho hoạt động đăng kiểm nhằm đáp ứng nhu cầu
kiểm định do tăng trưởng phương tiện, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước,
đồng thời nâng cao chất lượng kiểm định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chủ
phương tiện, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, phát huy vai trò làm chủ của người
lao động và giám sát của nhà đầu tư trong hoạt động kiểm định.
b) Nhận xét chung về việc
thực hiện đề án:
- Quá trình triển khai thí điểm xã hội hóa hoạt
động kiểm định xe cơ giới theo mô hình này cũng bộc lộ một số tồn tại như: khu
vực vùng sâu, vùng xa rất
cần
nhưng lại không được tư nhân quan tâm đầu tư; hoạt động kiểm định không thực hiện
đúng, đủ quy trình kiểm định; thông tin, dữ liệu về phương tiện và chủ phương
tiện không được các Trung tâm xã hội hóa bảo quản, để lộ hoặc cung cấp ra ngoài
với mục đích tư lợi.
- Sau một thời gian triển khai thí điểm với những
tồn tại như trên, Cục ĐKVN đã chủ động đề xuất (Bộ GTVT đã chấp thuận) và triển
khai thí điểm xã hội hóa công tác đăng kiểm ô tô đang lưu hành theo phương án mới:
Doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, còn nhân lực là của nhà nước, của
Cục ĐKVN hoặc các Sở GTVT.
- Việc thực hiện thí điểm một số Trung tâm đăng
kiểm xe cơ giới xã hội hóa theo mô hình mới bước
đầu cho thấy hướng đi phù hợp của việc xã hội hóa công tác đăng kiểm ô tô đang
lưu hành trong giai đoạn hiện nay. Mô hình mới đã cơ bản đạt được những mục
tiêu mà Đề án “Xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành” đề ra.
c) Đề án Nâng cao chất
lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện
thủy nội địa góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. (Quyết định
1873/QĐ-BGTVT ngày 08/08/2012)
Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp
nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020:
- Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm
việc của ĐKV, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác đăng kiểm.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL và tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật.
- Nâng cao, hiện đại hóa công tác đăng kiểm
PTGTCGĐB:
+ Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở
vật chất, kỹ thuật;
+ Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đăng kiểm
ô tô đang lưu hành;
+ Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực;
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra;
+ Nghiên cứu triển khai kiểm soát ATKT
& BVMT xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành;
+ Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và
đề xuất biện pháp xử lý hiện tượng cháy nổ xe cơ giới.
2.4. DỰ BÁO NHU CẦU ĐĂNG
KIỂM XE CƠ GIỚI ĐẾN NĂM 2020 VÀ 2030
2.4.1. Phương pháp dự báo
● Dự báo số lượng
ô tô
Căn cứ vào chuỗi số liệu ô tô của các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước từ năm 2000 đến năm 2013,
tiến hành xây dựng các hàm hồi quy dự báo nhu cầu cho năm tương lai với hệ số
tương quan bội R>0,95 bảo đảm mức độ chặt chẽ của mối liên hệ tương quan bội.
Đối với các tỉnh mới tách, chuỗi số liệu được lấy từ thời điểm tách đến năm
2013. Việc sử dụng phương pháp hồi quy cho phép loại bỏ được sai số của một số
tỉnh mới tách có sự gia tăng phương tiện rất nhanh nhưng không phải là sự tăng
trưởng ổn định mà do sự chuyển đổi biển số từ biển cũ sang hoặc nhu cầu mua sắm
tăng cao đột biến trong giai đoạn đầu để đáp ứng nhu cầu do sự tách tỉnh.
Hàm hồi quy có dạng như sau:
Y = (AX +
B)*k
Trong đó:
Y: Số lượng xe ô tô;
X: năm dự báo;
A, B: là các hệ số của hàm hồi quy xác
định thông qua hồi quy chuỗi số liệu số lượng ô tô từ năm 2000 đến năm 2013
theo năm với R>0,95.
k: Hệ số điều chỉnh được xác định
thông qua dự báo số lượng ô tô toàn quốc theo phương pháp hàm hồi quy đa biến về
dân số, GDP, GDP bình quân đầu người và số ô tô bình quân trên 1.000 người.
Việc dự báo số lượng ô tô trên toàn quốc
theo phương pháp hồi quy với hàm hồi quy đa biến có dạng như sau:
Y = AX + B
Trong đó:
Y: Số lượng xe ô tô;
X: GDP bình quân đầu người;
A, B: là các hệ số của hàm hồi quy xác
định thông qua hồi quy chuỗi số liệu số lượng ô tô và GDP bình quân đầu người từ
năm 2000 đến năm 2013.
Trên cơ sở dự báo được số lượng phương
tiện theo năm tương lai của toàn quốc, hệ số k sẽ được xác định là thương số giữa
số lượng ô tô toàn quốc theo phương pháp hồi quy đa biến GDP bình quân đầu người
và tổng số lượng ô tô dự báo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo
hồi quy chuỗi số liệu của từng tỉnh, thành. Từ đó dự báo được số lượng ô tô của
từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2015, 2020 và 2030.
● Dự báo nhu cầu
đăng kiểm
Theo số liệu kết quả kiểm định từ năm
2008 đến năm 2013 (thể hiện trong Bảng 1.4.2-1) cho thấy tỷ lệ số lượng ô tô phải
kiểm định và tổng số ô tô trung bình năm là 1,30.
Với giả thiết không có sự thay đổi quy
định về chu kỳ kiểm định thì nhu cầu đăng kiểm được tính bằng 1,3 lần số lượng
ô tô. Trường hợp có sự thay đổi về quy định chu kỳ đăng kiểm thì nhu cầu đăng
kiểm sẽ phải điều chỉnh theo cho phù hợp.
2.4.2. Kết quả dự báo
Hình 2.4.2-1.
Hồi quy tăng trưởng ô tô
Dự báo số lượng ô tô trên toàn quốc theo hồi quy đa biến, với kết quả
như sau:
Bảng 2.4.2-1.
Dự báo số lượng ô tô trên toàn quốc
Năm
|
Dân số
(nghìn người)
|
GDP ss 2010
(tỷ đồng)
|
GDP bình quân/người
|
Số ô tô
|
Số ô tô bình
quân/1000 người
|
2000
|
77.630,9
|
1.072.983
|
13,822
|
352.734
|
4,54
|
2001
|
78.621,0
|
1.146.964
|
14,589
|
387.546
|
4,93
|
2002
|
79.538,7
|
1.228.171
|
15,441
|
429.650
|
5,40
|
2003
|
80.468,4
|
1.318.330
|
16,383
|
460.932
|
5,73
|
2004
|
81.437,7
|
1.421.027
|
17,449
|
523.509
|
6,43
|
2005
|
82.393,5
|
1.588.646
|
19,281
|
604.529
|
7,33
|
2006
|
83.313,0
|
1.699.501
|
20,399
|
655.753
|
7,87
|
2007
|
84.221,1
|
1.820.667
|
21,618
|
786.678
|
9,34
|
2008
|
85.122,3
|
1.923.749
|
22,600
|
946.601
|
11,12
|
2009
|
86.025,0
|
2.027.591
|
23,570
|
1.137.933
|
13,23
|
2010
|
86.932,5
|
2.157.828
|
24,822
|
1.274.084
|
14,66
|
2011
|
87.840,0
|
2.292.483
|
26,098
|
1.424.665
|
16,21
|
2012
|
88.772,9
|
2.407.566
|
27.121
|
1.539.142
|
17,34
|
2013
|
89.609,0
|
2.537.574
|
28.318
|
1.669.521
|
18,63
|
Số lượng dự
báo
|
2015
|
91.583
|
2.840.469
|
31.015
|
1.872.322
|
20,50
|
2020
|
96.179
|
3.983.905
|
41.422
|
3.318.203
|
34,50
|
2030
|
103.117
|
8.210.954
|
79.628
|
4.844.474
|
47,00
|
Về chỉ số ô tô/1000 dân: Năm 2000 đạt 4,5
xe/1.000 dân, năm 2010 là 14,6 xe/1.000 dân tăng 3,2 lần, đến năm 2013 là 18,5
xe/1000 dân, dự báo năm 2015 là 20,5 xe/1.000 dân, năm 2020 là 34,5xe/1000 dân,
năm 2030 là 47 xe/1000 dân. So với các nước trong khu vực, tỉ lệ 18,5 xe/1000
dân đang ở mức thấp; các nước ASEAN trung bình trên 50 xe/1000 dân, các nước
phát triển là 150 xe/1000 dân. Tuy nhiên, Chiến lược bảo đảm ATGT và các Chiến
lược GTVT khác cho rằng phương tiện xe máy vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc
đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đây là đặc điểm riêng của Việt Nam. Mặt
khác, cơ cấu phương tiện ô tô hiện tại chỉ chiếm khoảng 5% tổng số phương tiện
cơ giới đường bộ trong khi các nước trong khu vực ASEAN khoảng trên 20% thì việc
phát triển ô tô cũng cần có một quá trình dài. Đến năm 2030, số lượng
ô tô trên 1.000 dân là trên 60 với kịch bản này có thể chấp nhận được trong
điều kiện của Việt Nam.
Kết quả dự báo số lượng ô tô theo tỉnh,
thành phố sau khi đã hiệu chỉnh như sau:
Bảng 2.4.2-2. Dự báo
số lượng ô tô của các tỉnh, thành phố
TT
|
Vùng/ tỉnh
|
Năm
|
2015
|
2020
|
2030
|
I
|
Đồng bằng sông Hồng
|
635.730
|
1.147.355
|
1.708.932
|
1
|
Hà Nội
|
395.216
|
717.976
|
1.074.773
|
2
|
Vĩnh Phúc
|
19.474
|
35.726
|
54.004
|
3
|
Bắc Ninh
|
17.523
|
30.102
|
45.246
|
4
|
Quảng Ninh
|
44.138
|
79.800
|
118.879
|
5
|
Hải Dương
|
28.994
|
52.211
|
77.460
|
6
|
Hải Phòng
|
62.324
|
110.926
|
162.587
|
7
|
Hưng Yên
|
15.496
|
28.117
|
42.039
|
8
|
Thái Bình
|
14.755
|
25.552
|
36.361
|
9
|
Hà Nam
|
8.698
|
15.189
|
21.813
|
10
|
Nam Định
|
13.751
|
24.304
|
35.359
|
11
|
Ninh Bình
|
15.360
|
27.451
|
40.410
|
II
|
Trung du và miền
núi phía Bắc
|
154.613
|
272.060
|
393.951
|
1
|
Hà Giang
|
5.694
|
9.992
|
14.426
|
2
|
Cao Bằng
|
6.654
|
11.385
|
15.983
|
3
|
Bắc Cạn
|
4.044
|
6.989
|
9.922
|
4
|
Tuyên Quang
|
9.626
|
16.707
|
23.833
|
5
|
Lào Cai
|
11.399
|
19.876
|
28.495
|
6
|
Yên Bái
|
8.274
|
14.187
|
19.966
|
7
|
Thái Nguyên
|
26.594
|
47.490
|
69.848
|
8
|
Lạng Sơn
|
11.562
|
19.122
|
25.786
|
9
|
Bắc Giang
|
19.647
|
34.978
|
51.285
|
10
|
Phú Thọ
|
22.005
|
39.160
|
57.390
|
11
|
Điện Biên
|
5.817
|
10.686
|
16.176
|
12
|
Lai Châu
|
3.689
|
7.632
|
12.830
|
13
|
Sơn La
|
10.540
|
18.315
|
26.160
|
14
|
Hòa Bình
|
9.068
|
15.540
|
21.852
|
III
|
Bắc Trung Bộ và
duyên hải miền Trung
|
284.124
|
502.362
|
731.192
|
1
|
Thanh Hóa
|
33.994
|
60.346
|
88.207
|
2
|
Nghệ An
|
46.829
|
84.072
|
124.343
|
3
|
Hà Tĩnh
|
18.748
|
33.702
|
49.912
|
4
|
Quảng Bình
|
12.563
|
22.467
|
33.098
|
5
|
Quảng Trị
|
12.239
|
21.193
|
30.156
|
6
|
Thừa Thiên Huế
|
16.821
|
29.129
|
41.450
|
7
|
Đà Nẵng
|
36.815
|
65.243
|
95.196
|
8
|
Quảng Nam
|
15.492
|
27.621
|
40.559
|
9
|
Quảng Ngãi
|
14.114
|
24.952
|
36.312
|
10
|
Bình Định
|
23.132
|
40.654
|
58.792
|
11
|
Phú Yên
|
9.947
|
17.190
|
24.406
|
12
|
Khánh Hòa
|
23.881
|
41.556
|
59.450
|
13
|
Ninh Thuận
|
6.255
|
10.620
|
14.776
|
14
|
Bình Thuận
|
13.295
|
23.614
|
34.536
|
IV
|
Tây Nguyên
|
92.501
|
167.287
|
249.279
|
1
|
Kon Tum
|
7.937
|
14.190
|
20.896
|
2
|
Gia Lai
|
24.471
|
43.123
|
62.541
|
3
|
Đăk Lăk
|
30.714
|
56.565
|
85.836
|
4
|
Đăk Nông
|
6.119
|
13.220
|
22.963
|
5
|
Lâm Đồng
|
23.260
|
40.189
|
57.044
|
V
|
Đông Nam Bộ
|
568.215
|
990.581
|
1.419.968
|
1
|
Bình Phước
|
14.572
|
25.851
|
37.760
|
2
|
Tây Ninh
|
21.672
|
38.080
|
55.055
|
3
|
Bình Dương
|
60.659
|
109.786
|
163.723
|
4
|
Đồng Nai
|
71.506
|
125.704
|
181.839
|
5
|
Bà Rịa-Vũng Tàu
|
31.075
|
54.155
|
77.601
|
6
|
TP. Hồ Chí Minh
|
368.730
|
637.004
|
903.989
|
VI
|
Đồng bằng sông Cửu
Long
|
137.139
|
238.559
|
341.152
|
1
|
Long An
|
13.673
|
23.925
|
34.437
|
2
|
Tiền Giang
|
16.956
|
27.663
|
36.671
|
3
|
Bến Tre
|
8.456
|
14.401
|
20.108
|
4
|
Trà Vinh
|
7.200
|
12.393
|
17.515
|
5
|
Vĩnh Long
|
8.614
|
14.583
|
20.223
|
6
|
Đồng Tháp
|
11.080
|
19.428
|
28.026
|
7
|
An Giang
|
15.734
|
26.818
|
37.481
|
8
|
Kiên Giang
|
10.470
|
17.900
|
25.106
|
9
|
Cần Thơ
|
20.605
|
38.514
|
59.284
|
10
|
Hậu Giang
|
4.311
|
8.595
|
14.017
|
11
|
Sóc Trăng
|
7.895
|
14.112
|
20.776
|
12
|
Bạc Liêu
|
6.479
|
10.936
|
15.112
|
13
|
Cà Mau
|
5.665
|
9.290
|
12.396
|
|
Toàn quốc
|
1.872.322
|
3.318.203
|
4.844.474
|
Chi tiết xem Phụ lục
6.
Dự báo nhu cầu đăng kiểm như sau:
Bảng 2.4.2-3.
Dự báo nhu cầu đăng kiểm
TT
|
Vùng/ tỉnh
|
Năm
|
2015
|
2020
|
2030
|
I
|
Đồng bằng sông Hồng
|
826.449
|
1.491.561
|
2.221.611
|
1
|
Hà Nội
|
513.781
|
933.369
|
1.397.205
|
2
|
Vĩnh Phúc
|
25.316
|
46.443
|
70.206
|
3
|
Bắc Ninh
|
22.780
|
39.132
|
58.820
|
4
|
Quảng Ninh
|
57.379
|
103.740
|
154.543
|
5
|
Hải Dương
|
37.693
|
67.874
|
100.698
|
6
|
Hải Phòng
|
81.022
|
144.204
|
211.362
|
7
|
Hưng Yên
|
20.145
|
36.553
|
54.650
|
8
|
Thái Bình
|
19.181
|
33.218
|
47.270
|
9
|
Hà Nam
|
11.308
|
19.746
|
28.357
|
10
|
Nam Định
|
17.877
|
31.595
|
45.967
|
11
|
Ninh Bình
|
19.967
|
35.686
|
52.532
|
II
|
Trung du và miền
núi phía Bắc
|
200.997
|
353.678
|
512.137
|
1
|
Hà Giang
|
7.403
|
12.990
|
18.754
|
2
|
Cao Bằng
|
8.650
|
14.801
|
20.778
|
3
|
Bắc Cạn
|
5.257
|
9.085
|
12.898
|
4
|
Tuyên Quang
|
12.513
|
21.719
|
30.982
|
5
|
Lào Cai
|
14.819
|
25.838
|
37.044
|
6
|
Yên Bái
|
10.756
|
18.444
|
25.956
|
7
|
Thái Nguyên
|
34.573
|
61.737
|
90.803
|
8
|
Lạng Sơn
|
15.031
|
24.859
|
33.521
|
9
|
Bắc Giang
|
25.541
|
45.472
|
66.670
|
10
|
Phú Thọ
|
28.606
|
50.908
|
74.607
|
11
|
Điện Biên
|
7.562
|
13.892
|
21.028
|
12
|
Lai Châu
|
4.795
|
9.922
|
16.679
|
13
|
Sơn La
|
13.702
|
23.809
|
34.008
|
14
|
Hòa Bình
|
11.789
|
20.202
|
28.408
|
III
|
Bắc Trung Bộ và
duyên hải miền Trung
|
369.362
|
653.070
|
950.549
|
1
|
Thanh Hóa
|
44.192
|
78.449
|
114.669
|
2
|
Nghệ An
|
60.877
|
109.293
|
161.645
|
3
|
Hà Tĩnh
|
24.372
|
43.813
|
64.886
|
4
|
Quảng Bình
|
16.331
|
29.208
|
43.027
|
5
|
Quảng Trị
|
15.911
|
27.551
|
39.202
|
6
|
Thừa Thiên Huế
|
21.867
|
37.868
|
53.886
|
7
|
Đà Nẵng
|
47.859
|
84.816
|
123.754
|
8
|
Quảng Nam
|
20.140
|
35.908
|
52.726
|
9
|
Quảng Ngãi
|
18.349
|
32.438
|
47.206
|
10
|
Bình Định
|
30.071
|
52.850
|
76.430
|
11
|
Phú Yên
|
12.931
|
22.348
|
31.728
|
12
|
Khánh Hòa
|
31.046
|
54.023
|
77.284
|
13
|
Ninh Thuận
|
8.131
|
13.806
|
19.208
|
14
|
Bình Thuận
|
17.284
|
30.698
|
44.896
|
IV
|
Tây Nguyên
|
120.251
|
217.473
|
324.062
|
1
|
Kon Tum
|
10.318
|
18.447
|
27.164
|
2
|
Gia Lai
|
31.812
|
56.060
|
81.304
|
3
|
Đăk Lăk
|
39.928
|
73.535
|
111.586
|
4
|
Đăk Nông
|
7.955
|
17.186
|
29.852
|
5
|
Lâm Đồng
|
30.237
|
52.246
|
74.157
|
V
|
Đông Nam Bộ
|
738.679
|
1.287.755
|
1.845.959
|
1
|
Bình Phước
|
18.944
|
33.607
|
49.088
|
2
|
Tây Ninh
|
28.174
|
49.504
|
71.572
|
3
|
Bình Dương
|
78.857
|
142.722
|
212.840
|
4
|
Đồng Nai
|
92.958
|
163.416
|
236.391
|
5
|
Bà Rịa-Vũng Tàu
|
40.397
|
70.402
|
100.881
|
6
|
TP. Hồ Chí Minh
|
479.349
|
828.105
|
1.175.186
|
VI
|
Đồng bằng sông Cửu
Long
|
178.281
|
310.127
|
443.498
|
1
|
Long An
|
17.774
|
31.103
|
44.769
|
2
|
Tiền Giang
|
22.043
|
35.962
|
47.672
|
3
|
Bến Tre
|
10.993
|
18.722
|
26.141
|
4
|
Trà Vinh
|
9.359
|
16.110
|
22.770
|
5
|
Vĩnh Long
|
11.198
|
18.958
|
26.290
|
6
|
Đồng Tháp
|
14.404
|
25.256
|
36.433
|
7
|
An Giang
|
20.455
|
34.864
|
48.726
|
8
|
Kiên Giang
|
13.611
|
23.270
|
32.637
|
9
|
Cần Thơ
|
26.787
|
50.068
|
77.069
|
10
|
Hậu Giang
|
5.605
|
11.173
|
18.222
|
11
|
Sóc Trăng
|
10.264
|
18.345
|
27.009
|
12
|
Bạc Liêu
|
8.423
|
14.217
|
19.645
|
13
|
Cà Mau
|
7.364
|
12.077
|
16.114
|
|
Toàn quốc
|
2.434.019
|
4.313.662
|
6.297.811
|
Phần III
QUY
HOẠCH TỔNG THỂ CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM VÀ DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI ĐẾN
NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
3.1. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
3.1.1. Quan điểm
- Quy hoạch là cơ sở để tăng cường công tác quản
lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm đăng kiểm
và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
- Quy hoạch mạng lưới trung tâm đăng kiểm xe cơ
giới phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát
triển giao thông vận tải, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ và
các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan.
- Phát triển mạng lưới trung tâm đăng kiểm xe
cơ giới hợp lý trên cả
nước tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm chất lượng phương tiện và giảm tai nạn
giao thông.
- Xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới, đa
dạng hóa đầu tư cho hoạt động đăng kiểm.
- Quy hoạch mang tính kế thừa nhằm phát huy hiệu
quả các trung tâm và dây chuyền hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp
với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương. Tại các đô thị loại đặc biệt,
quy hoạch theo hướng dịch chuyển các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ra ngoài
các đường vành đai.
3.1.2. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát
- Phát triển mạng lưới các trung tâm đăng kiểm
xe cơ giới với năng lực đáp ứng nhu cầu của xã hội và phân bổ hợp lý, tạo thuận
lợi cho người dân.
- Tập trung ưu tiên đầu tư mới, nâng cấp các
trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định hiện đại, bảo đảm chất lượng công
tác đăng kiểm phương tiện cơ giới.
Mục tiêu cụ thể giai
đoạn đến 2020
- Đầu tư mới, nâng cấp bổ sung dây chuyền kiểm
định để tăng quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu của xã hội;
- Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương
tiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và thân thiện với môi trường của phương tiện
cơ giới và đảm bảo an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn
nhân lực trong công tác đăng kiểm, trình độ chuyên môn của đăng kiểm viên.
- Có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh về công tác
đăng kiểm phương tiện cơ giới, đảm bảo thực thi pháp luật minh bạch và hiệu quả.
- Có hệ thống quản lý các TTĐK và dây chuyền kiểm
định phương tiện cơ giới đường bộ hiện đại phục vụ tốt cho công tác quản lý
phương tiện.
- Giai đoạn 2014 -2015: đáp ứng nhu cầu kiểm định
xe cơ giới trung bình khoảng 2,43 triệu lượt/năm;
- Giai đoạn 2016 - 2020: đáp ứng nhu cầu kiểm định
xe cơ giới trung bình khoảng 4,31 triệu lượt/năm.
Định hướng đến giai
đoạn đến 2030
- Tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp bổ sung dây
chuyền kiểm định
xe
cơ giới đáp ứng nhu cầu của xã hội; nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm
phương tiện, công tác đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp
lý, hệ thống quản lý nhằm phát triển bền vững công tác đăng kiểm xe cơ giới.
- Giai đoạn 2021-2030 dự kiến đáp ứng nhu cầu
kiểm định trung bình khoảng 6,3 triệu lượt/năm;
3.2. CƠ SỞ XÂY DỰNG QUY HOẠCH
3.2.1. Cơ sở pháp lý
Thông tư số 59/2013/TT-BGTVT ngày
30/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc thành lập và hoạt động của
TTĐK xe cơ giới.
Văn bản số 485/TB-BGTVT ngày
30/07/2013 Thông báo kết luận cuộc họp về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả của công tác đăng kiểm.
Quyết định 1873/QĐ-BGTVT ngày
08/08/2012 Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện
giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa góp phần giảm thiểu tai
nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Quyết định số 3544/QĐ-BGTVT ngày
23/09/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng
lưới TTĐK xe cơ giới đến năm 2015.
Quyết định số 1658/QĐ-BGTVT ngày
16/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án: Xã hội hóa công tác
đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành.
Các văn bản quy pháp pháp luật khác có
liên quan đến lĩnh vực
đăng kiểm phương tiện và DCKĐ phương tiện cơ giới.
3.2.2. Cơ sở thực tiễn
Hiện trạng công tác đăng kiểm và kiểm
định phương tiện cơ giới hiện nay vẫn còn nhiều bất cập gây ra những bức xúc
cho người dân và doanh nghiệp.
Tình hình phát triển kinh tế xã hội
kéo theo sự tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ nhanh chóng đòi hỏi cần phải
có Quy hoạch các TTĐK hiện đại, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa
các đơn vị tham gia.
Tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện cơ
giới đã hết niên hạn sử dụng gây ra cũng như những tiêu cực trong công tác cấp
giấy kiểm định phương tiện cơ giới dẫn đến các phương tiện không đạt tiêu chuẩn
an toàn vẫn tham gia lưu thông gây mất ATGT.
Tính đến 2013, số lượng TTĐK mới chỉ đạt
51,2%; số lượng dây chuyền đạt 59,5% so với quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt
năm 2005 chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, sự tăng trưởng của phương tiện
cơ giới trong cả nước.
Nhiều địa phương trong cả nước chưa có
các quy hoạch vị trí xây dựng và dành quỹ đất cho các TTĐK đối với hoạt động kiểm
định xe cơ giới.
Do thiếu quy hoạch các TTĐK
tại các thành phố lớn, nơi tập trung số lượng lớn phương tiện cơ giới, tốc độ
tăng trưởng phương tiện cơ giới nhanh đã dẫn đến tình trạng một số TTĐK thường
xuyên kiểm định ở tình trạng quá
tải, vượt quá định mức quy định, chất lượng kiểm định còn một số phương tiện
không đảm bảo
tiêu
chuẩn tham gia giao thông. Ngoài ra, do nguồn nhân lực trong công tác đăng kiểm
hiện tại phát triển chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của phương tiện cơ giới
trong cả nước.
3.3. QUY HOẠCH TỔNG THỂ
CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM VÀ DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI ĐẾN NĂM 2020, TẦM
NHÌN 2030
3.3.1. Tiêu chí xác định dây
chuyền kiểm định xe cơ giới
Quy hoạch dây chuyền kiểm định xe cơ giới cần căn
cứ vào những chỉ tiêu sau:
- Công suất kiểm định trung bình của một dây
chuyền kiểm định dựa trên điều tra khảo sát thực tế.
- Số lượng ô tô dự báo cho năm tương lai của từng
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Số lượng TTĐK và số lượng dây chuyền kiểm định
hiện tại của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trên cơ sở đó xác định số lượng dây
chuyền kiểm định xe cơ giới cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, như
sau:
+ Theo kết quả khảo sát của Cục Đăng
kiểm Việt Nam, năng suất kiểm định bình quân tính cho các loại xe cho một dây
chuyền là 70 ô tô /1 dây chuyền trong một ca làm việc (08 tiếng).
+ Áp dụng năng suất kiểm tra là 70 ô
tô trong một ngày làm việc, một năm làm việc 252 ngày (05 ngày làm việc/1 tuần)
thì 01 dây chuyền công suất tối đa kiểm tra trong 01 năm được 17.640 xe.
+ Tính toán trên cơ sở năng suất kiểm
định đạt 70% công suất tối đa cho một dây chuyền vì có nhiều thời điểm trong
năm (nghỉ lễ,...) có số lượng xe vào kiểm định thấp, ngoài ra còn phải tính tới
hệ số dự trữ cho những tháng số lượng phương tiện đi kiểm định tập trung cao,
thông thường là các tháng 01, 06, 07, 11, 12 hàng năm.
+ Công thức tính toán số lượng dây
chuyền kiểm định:
Adckđ
= Adt / n
Trong đó: Adckđ: số lượng
dây chuyền kiểm định cần có ở năm thứ t
Adt: Số lượng phương tiện
có ở năm thứ t
n: số lượng xe cơ giới kiểm định được
trên 1 dây chuyền kiểm định/1 năm (n =
0,7 x 17640 =
12.348 phương tiện/1
dây
chuyền /1 năm).
Số lượng dây chuyền kiểm định tính
toán được là số làm tròn.
3.3.2. Tiêu chí xây dựng mạng
lưới các trung tâm đăng kiểm
Quy hoạch mạng lưới các TTĐK căn cứ những
tiêu chí sau:
Các trung tâm đăng kiểm phải đảm bảo
các quy định về điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường
bộ (Thông tư số 11/2009/TT-BGTVT).
- Quy hoạch vị trí các trung tâm đăng
kiểm phải xét đến các trung tâm đăng kiểm của các tỉnh, thành liền kề trong khu
vực để bảo đảm mạng lưới phân bố đồng đều, phù hợp trong mạng tổng thể của cả
nước theo hướng giảm cự ly cho người dân đi đến các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt
tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Các trung tâm đăng kiểm phải bảo đảm quỹ đất
theo yêu cầu nâng cấp, mở rộng cho các trung tâm đăng kiểm theo từng giai đoạn,
thuận lợi và an toàn giao thông.
- Đến năm 2030, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phải có tối thiểu 02 trung tâm đăng kiểm với 02 dây chuyền kiểm định/một
trung tâm.
- Quy hoạch số lượng TTĐK của từng tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương:
+ Công thức tính toán số lượng TTĐK:
Attdk
= Adckđ
/ d
Trong đó: Attđk: số lượng Trung
tâm đăng kiểm cần có ở năm thứ t
Adckđ: Số lượng dây chuyền
kiểm định cần có ở năm thứ t
d: Số lượng dây chuyền kiểm định bình
quân cho một TTĐK;
Hiện nay, tính bình quân cho một TTĐK
là khoảng 02 dây chuyền (d = 201/111 » 2). Tuy nhiên, cá biệt TTĐK quận Gò vấp -
thành phố Hồ Chí Minh có 06 dây chuyền, TTĐK quận 12- thành phố Hồ Chí Minh có
05 dây chuyền. Có 03 TTĐK (chiếm 2,7%) có 04 dây chuyền, 01 TT ở Hà Nội và 02
TT ở thành phố Hồ Chí Minh; 14 TTĐK (chiếm 12,6%) có 03 dây chuyền; 46 TTĐK
(chiếm 41,4%) có 02 dây chuyền còn lại 46 TTĐK (chiếm 41,4%) có 01 dây chuyền
kiểm định.
Xét các điều kiện thực tế, đặc biệt về
quỹ đất dự kiến giai đoạn đến năm 2015 lấy số lượng dây chuyền kiểm định trung
bình cho một TT đăng kiểm là 2; đến năm 2020 các TT xây dựng mới để đạt trung bình là 2,5/01
TTĐK và đến năm 2030 dự kiến số lượng dây chuyền mỗi TTĐK tăng lên là 3 dây
chuyền kiểm định.
3.3.3. Quy hoạch tổng thể
các TTĐK và DCKĐ xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
v Giai đoạn đến năm 2015:
Do có sự bố trí còn chưa hợp lý và các
TTĐK không bó gọn trong một tỉnh mà có thể ảnh hưởng đến cả các tỉnh lân cận do
vậy việc kiểm toán năng suất để đánh giá chỉ mang tính tương đối.
Với công suất hiện có của 211 dây chuyền
kiểm định, kiểm toán công suất các dây chuyền kiểm định đến năm 2015 có 29/63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương vẫn đáp ứng nhu cầu kiểm định, chỉ có 34/63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương không đáp ứng được nhu cầu kiểm định cần phải bổ
sung thêm dây chuyền kiểm định, gồm có: thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh
Hóa, Nghệ An,
Đà Nẵng, Bình Phước
và thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Có đến 10 tỉnh, thành thừa 01 DCKĐ. Có
03 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ngãi, Gia Lai thừa 02 DCKĐ. Tuy nhiên, với
tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô như hiện nay, trong tương lai gần trước năm
2020, nhu cầu kiểm định gia tăng các dây chuyền này sẽ đáp ứng nhu cầu mà không
phải đầu tư thêm. Do đó, quan điểm quy hoạch giữ nguyên các dây chuyền và TTĐK
đã được đầu tư xây dựng tại các địa phương hoặc đã được công bố quy hoạch theo
Quyết định số 3544/QĐ-BGTVT ngày 23/09/2005 mặc dù số lượng và công suất vượt
quá nhu cầu của năm 2015.
Bổ sung thêm 38 TTĐK, trong đó 09 TT
cho Hà Nội, 04 TT cho thành phố Hồ Chí Minh, 02 TT cho Nam Định, Nghệ An, Bắc
Ninh, 01 TT cho một số tỉnh, thành phố. Bổ sung thêm 87 DCKĐ .
Tổng số dây chuyền bổ sung thêm là 87
dây chuyền và 38 TTĐK.
Quy hoạch đến năm 2015 cả nước có 152
TTĐK với 298 DCKĐ, trong đó:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: có 47 TTĐK với 93
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 18 TTĐK và bổ sung thêm 37 DCKĐ (thành phố Hà Nội
có 21 TTĐK với 42 DCKĐ; Quảng Ninh có 4 TTĐK và 6 DCKĐ, thanh phố Hải Phòng có
03 trung tâm đăng kiểm với 09 DCKĐ);
- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: có 21
TTĐK với 34 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 06 TTĐK và bổ sung thêm 15 DCKĐ;
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 27
TTĐK với 50 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 04 TTĐK và bổ sung thêm 13 DCKĐ (Nghệ
An có 5 TTĐK và 10 DCKĐ, Thanh Hóa có 3 TTĐK và 8 DCKĐ, thành phố Đà Nẵng có 02 TTĐK
và 05 DCKĐ);
- Vùng Tây nguyên: 10 TTĐK với 15 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 01 TTĐK và bổ sung thêm 01 DCKĐ (Đắk Lắk có 03 TTĐK, 05 DCKĐ);
- Vùng Đông Nam Bộ: 30 TTĐK với 73 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 06 TTĐK và bổ sung 14 DCKĐ (thành phố Hồ Chí Minh có 14 trung
tâm đăng kiểm với 41 DCKĐ, Bình Dương có 5 TTĐK và 10 DCKĐ);
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 17 TTĐK với 33
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 03 TTĐK và bổ sung 07 DCKĐ (thành phố Cần Thơ có 02
TTĐK với 04 DCKĐ).
(Chi tiết tại Bảng 3.3.3 -1).
v Giai đoạn đến năm
2020:
Kiểm định công suất các DCKĐ đến năm
2020 có 11 tỉnh vẫn đáp ứng nhu cầu trên cơ sở số dây chuyền quy hoạch giai đoạn
đến năm 2015. Có 51 tỉnh, thành phải bổ sung các DCKĐ và 32 tỉnh bổ sung thêm
TTĐK. Tổng số bổ sung thêm 153 DCKĐ và 59 TTĐK.
Quy hoạch đến năm 2020 cả nước có 211
TTĐK với 451 DCKĐ, trong đó:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: có 61 TTĐK với 142
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 14 TTĐK và bổ sung thêm 49 DCKĐ (thành phố Hà Nội
có 30 trung tâm đăng kiểm với 76 DCKĐ; thành phố Hải Phòng có 07 TTĐK với 13
DCKĐ);
- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: có 28
TTĐK với 50 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 07 TTĐK và bổ sung
thêm 16 DCKĐ;
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 38
TTĐK với 75 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 11 trung tâm kiểm định và bổ sung thêm
25 DCKĐ (thành phố Đà Nẵng có 02 TTĐK
và 08 DCKĐ);
- Vùng Tây nguyên: 11 TTĐK với 21 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 01 TTĐK và bổ sung thêm 06 DCKĐ;
- Vùng Đông Nam Bộ: 49 TTĐK với 117 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 19 TTĐK và bổ sung 44 DCKĐ (thành phố Hồ Chí Minh có 27 TTĐK với
67 DCKĐ);
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 24 TTĐK với 46
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 07 TTĐK và bổ sung 13 DCKĐ (thành phố Cần Thơ có 03
TTĐK với 06 DCKĐ).
(Chi tiết tại Bảng 3.3.3 -1).
v Giai đoạn đến năm
2030:
Kiểm định công suất các DCKĐ đến năm
2030 còn 6 tỉnh vẫn đáp ứng nhu cầu trên cơ sở số dây chuyền quy hoạch giai đoạn
đến năm 2020. Còn lại 59 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải bổ sung các
DCKĐ. Về cơ bản các
TTĐK mở mới sẽ có số lượng DCKĐ tối đa là 03 dây chuyền. Tổng cộng bổ sung thêm
209 DCKĐ, 58 TTĐK.
Quy hoạch đến năm 2030 cả nước có 269
TTĐK với 660 DCKĐ, trong đó:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: có 75 TTĐK với 207
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 14 TTĐK và bổ sung thêm 65 DCKĐ (thành phố Hà Nội
có 38 TTĐK với 113 DCKĐ; thành phố Hải Phòng có 08 TTĐK với 18 DCKĐ);
- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: có 46
TTĐK với 94 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 18 TTĐK và bổ sung thêm 44 DCKĐ;
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 46
TTĐK với 100 DCKĐ, trong đó xây dựng mới 08 trung tâm kiểm định và bổ sung thêm
25 DCKĐ (thành phố Đà Nẵng có 03 TTĐK
và 10 DCKĐ);
- Vùng Tây nguyên: 16 TTĐK với 34 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 05 TTĐK, bổ sung thêm 13 DCKĐ;
- Vùng Đông Nam Bộ: 58 TTĐK với 168 DCKĐ, trong
đó xây dựng mới 09 TTĐK và bổ sung 51 DCKĐ (thành phố Hồ Chí Minh có 32 TTĐK với
95 DCKĐ);
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 28 TTĐK với 57
DCKĐ, trong đó xây dựng mới 04 TTĐK và bổ sung 11 DCKĐ (thành phố Cần Thơ có 03
TTĐK với 06 DCKĐ).
(Chi tiết tại Bảng 3.3.3 -1).
v Định hướng các TTĐK
theo hình thức xã hội hóa
Hiện nay, có tổng số 09 TTĐK theo hình
thức xã hội hóa, chiếm khoảng 10% tổng số TTĐK trên cả nước. Với chủ trương kêu
gọi xã hội hóa đầu tư các TTĐK nhằm giảm kinh phí đầu tư cho nhà nước, trong thời
gian tới sẽ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa với các chính sách nhằm thu hút các
nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa các TTĐK chủ
yếu là ở khu vực các thành phố với lượng
phương tiện đăng kiểm lớn. Các trạm ở các vùng sâu, vùng xa sẽ vẫn do nhà nước
đầu tư. Do đó, để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa cần xây dựng mô hình và chính
sách phù hợp trong điều kiện Việt Nam, phần này được đề xuất cụ thể trong phần
cơ chế, chính sách.
Bảng 3.3.3
-1. Quy hoạch số lượng TTĐK và
DCKĐ xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
TT
|
Vùng/tỉnh
|
7/2014
|
2015
|
2020
|
2030
|
Số lượng
DCKĐ
|
Số lượng
TTKĐ
|
Số lượng
DCKĐ
|
Số lượng
TTKĐ
|
Số lượng
DCKĐ
|
Số lượng
TTKĐ
|
Số lượng
DCKĐ
|
Số lượng TTKĐ
|
I
|
Đồng bằng sông Hồng
|
56
|
29
|
93
|
47
|
142
|
61
|
207
|
75
|
1
|
Hà Nội
|
26
|
12
|
42
|
21
|
76
|
30
|
113
|
38
|
2
|
Vĩnh Phúc
|
2
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
6
|
2
|
3
|
Bắc Ninh
|
2
|
2
|
6
|
4
|
7
|
4
|
10
|
5
|
4
|
Quảng Ninh
|
4
|
3
|
6
|
4
|
10
|
5
|
16
|
6
|
5
|
Hải Dương
|
2
|
1
|
6
|
2
|
6
|
2
|
8
|
3
|
6
|
Hải Phòng
|
9
|
3
|
9
|
3
|
13
|
7
|
18
|
8
|
7
|
Hưng Yên
|
2
|
2
|
4
|
3
|
5
|
3
|
6
|
3
|
8
|
Thái Bình
|
2
|
1
|
4
|
2
|
5
|
2
|
8
|
3
|
9
|
Hà Nam
|
2
|
1
|
2
|
1
|
3
|
1
|
6
|
2
|
10
|
Nam Định
|
1
|
1
|
6
|
3
|
8
|
3
|
10
|
3
|
11
|
Ninh Bình
|
4
|
2
|
4
|
2
|
5
|
2
|
6
|
2
|
II
|
Trung du và miền núi
phía Bắc
|
19
|
15
|
34
|
21
|
50
|
28
|
94
|
46
|
1
|
Hà Giang
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
3
|
2
|
Cao Bằng
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
3
|
Bắc Cạn
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
4
|
2
|
4
|
Tuyên Quang
|
1
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
5
|
Lào Cai
|
1
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
7
|
3
|
6
|
Yên Bái
|
1
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
7
|
4
|
7
|
Thái Nguyên
|
3
|
2
|
4
|
2
|
7
|
4
|
25
|
12
|
8
|
Lạng Sơn
|
2
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
9
|
Bắc Giang
|
2
|
1
|
4
|
2
|
6
|
3
|
7
|
3
|
10
|
Phú Thọ
|
2
|
1
|
4
|
2
|
6
|
3
|
8
|
3
|
11
|
Điện Biên
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
12
|
Lai Châu
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
4
|
2
|
13
|
Sơn La
|
1
|
1
|
3
|
2
|
5
|
3
|
6
|
3
|
14
|
Hòa Bình
|
1
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
6
|
3
|
III
|
Bắc Trung Bộ
và duyên hải miền Trung
|
37
|
23
|
50
|
27
|
75
|
38
|
100
|
46
|
1
|
Thanh Hóa
|
7
|
3
|
8
|
3
|
10
|
5
|
13
|
6
|
2
|
Nghệ An
|
6
|
3
|
10
|
5
|
12
|
6
|
15
|
7
|
3
|
Hà Tĩnh
|
1
|
1
|
2
|
1
|
5
|
2
|
7
|
3
|
4
|
Quảng Bình
|
1
|
1
|
3
|
2
|
5
|
3
|
5
|
3
|
5
|
Quảng Trị
|
1
|
1
|
3
|
2
|
3
|
2
|
4
|
2
|
6
|
Thừa Thiên Huế
|
2
|
2
|
2
|
2
|
3
|
2
|
4
|
2
|
7
|
Đà Nẵng
|
4
|
2
|
5
|
2
|
8
|
2
|
10
|
3
|
8
|
Quảng Nam
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
5
|
3
|
9
|
Quảng Ngãi
|
4
|
2
|
4
|
2
|
4
|
2
|
5
|
3
|
10
|
Bình Định
|
3
|
2
|
3
|
2
|
5
|
3
|
8
|
3
|
11
|
Phú Yên
|
1
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
12
|
Khánh Hòa
|
3
|
2
|
3
|
2
|
6
|
3
|
9
|
4
|
13
|
Ninh Thuận
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
14
|
Bình Thuận
|
1
|
1
|
2
|
1
|
5
|
3
|
7
|
3
|
IV
|
Tây Nguyên
|
14
|
9
|
15
|
10
|
21
|
11
|
34
|
16
|
1
|
Kon Tum
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
2
|
Gia Lai
|
5
|
3
|
5
|
3
|
5
|
3
|
8
|
5
|
3
|
Đắk Lăk
|
4
|
2
|
5
|
3
|
8
|
4
|
12
|
5
|
4
|
Đắk Nông
|
1
|
1
|
1
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
5
|
Lâm Đồng
|
3
|
2
|
3
|
2
|
4
|
2
|
6
|
2
|
V
|
Đông Nam Bộ
|
59
|
24
|
73
|
30
|
117
|
49
|
168
|
58
|
1
|
Bình Phước
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
5
|
2
|
2
|
Tây Ninh
|
5
|
2
|
6
|
2
|
7
|
3
|
9
|
3
|
3
|
Bình Dương
|
7
|
4
|
10
|
5
|
15
|
6
|
19
|
7
|
4
|
Đồng Nai
|
8
|
5
|
8
|
5
|
13
|
6
|
19
|
7
|
5
|
Bà Rịa-Vũng Tàu
|
4
|
2
|
5
|
2
|
11
|
5
|
21
|
7
|
6
|
TP. Hồ Chí Minh (02 Trung tâm
5005V và 5003V có 2 địa điểm
kiểm tra)
|
33
|
10
|
41
|
14
|
67
|
27
|
95
|
32
|
VI
|
Đồng bằng sông Cửu
Long
|
26
|
14
|
33
|
17
|
46
|
24
|
57
|
28
|
1
|
Long An
|
3
|
1
|
4
|
2
|
5
|
2
|
5
|
2
|
2
|
Tiền Giang
|
2
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
3
|
Bến Tre
|
2
|
1
|
2
|
1
|
3
|
1
|
4
|
2
|
4
|
Trà Vinh
|
2
|
1
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
5
|
Vĩnh Long
|
2
|
1
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
6
|
Đồng Tháp
|
1
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
5
|
2
|
7
|
An Giang
|
3
|
2
|
3
|
2
|
3
|
2
|
4
|
2
|
8
|
Kiên Giang
|
1
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
5
|
3
|
9
|
Cần Thơ
|
2
|
1
|
4
|
2
|
6
|
3
|
6
|
3
|
10
|
Hậu Giang
|
2
|
1
|
2
|
1
|
3
|
2
|
4
|
2
|
11
|
Sóc Trăng
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
12
|
Bạc Liêu
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
13
|
Cà Mau
|
2
|
1
|
2
|
1
|
4
|
2
|
4
|
2
|
|
Toàn quốc
|
211
|
114
|
298
|
152
|
451
|
211
|
660
|
269
|
3.4. NHU CẦU QUỸ ĐẤT
Theo Thông tư 11/2009/TT-BGTVT ngày
24/6/2009 quy định điều kiện đối với TTĐK phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ thì diện tích xây dựng TTĐK như sau:
TT
|
Hạng mục
|
Diện tích tối thiểu
(m2)
|
Ghi chú
|
I
|
Xưởng kiểm tra
|
|
|
1
|
Xưởng kiểm tra của một DCKĐ xe có tải
trọng trục đến 2.000 kG (dây chuyền xe con)
|
180
|
Kích thước 30 x 6
|
2
|
Xưởng kiểm tra của một DCKĐ xe có tải
trọng trục đến 13.000 kG (dây chuyền xe tải)
|
264
|
- Kích thước 40 x 6,6
- Chiều cao thông xe không thấp hơn
4,5 m.
|
II
|
Bãi đỗ xe và đường
ra vào kiểm định
|
|
|
1
|
Trung tâm có 1 DCKĐ xe có tải trọng
trục đến 2.000 kG
|
990
|
Trung tâm có nhiều DCKĐ thì kể từ
dây chuyền thứ hai trở đi, diện
tích phải tăng thêm 1,5 lần
|
2
|
Trung tâm có 1 DCKĐ xe có tải trọng
trục đến 13.000 kG
|
1.452
|
II
|
Diện tích nhà văn
phòng
|
90
|
|
Như vậy:
- Diện tích tối thiểu đối với TTĐK có 1 DCKĐ xe
có tải trọng trục đến
2.000 kG
là 1.260 (m2).
- Diện tích tối thiểu đối với TTĐK có 1 DCKĐ xe
có tải trọng trục đến
13.000 kG
là 1.806 (m2).
Việc tính toán nhu cầu đất được dựa
vào diện tích tối thiểu của một TTĐK cũng như diện tích tối thiểu khi bổ sung
thêm dây chuyền kiểm định. Theo quy hoạch, nhu cầu quỹ đất để đầu tư xây mới hoặc
tăng thêm dây chuyền kiểm định xe theo các giai đoạn như sau:
v Giai đoạn 2014-2015:
Giai đoạn này đầu tư 38 TTĐK và 87
DCKĐ với quỹ đất cần khoảng 189.700 m2. (Chi tiết tại phụ
lục 8)
v Giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn này đầu tư 59 TTĐK và 153
DCKĐ. Giai đoạn này trung bình mỗi TTĐK sẽ có 02 dây chuyền kiểm định nhưng sẽ
đầu tư trước quỹ đất với 03 dây chuyền kiểm định để giai đoạn sau đầu tư
thêm dây chuyền kiểm định. Quỹ đất cần khoảng 451.200 m2. (Chi tiết tại phụ
lục 8)
v Giai đoạn 2021-2030
Giai đoạn này đầu tư 58 TTĐK và 209
DCKĐ. Mỗi TTĐK trung bình sẽ có 03 dây chuyền kiểm định. Quỹ đất cần khoảng
444.000 m2. (Chi tiết tại phụ lục 8)
3.5. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
Cơ sở vật chất kỹ thuật (diện tích xây
dựng; nhà, xưởng, bãi đỗ xe; thiết bị kiểm định; dụng cụ kiểm tra trong dây
chuyền kiểm định; thiết bị thông tin, lưu trữ và truyền số liệu; các thiết bị
khác; nguồn nhân lực) đối với TTĐK phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải
thực hiện theo Thông tư 11/2009/TT-BGTVT ngay 24/6/2009 của Bộ GTVT.
Theo tính toán, để đầu tư mới một dây
chuyền kiểm định xe cơ giới hết khoảng 3 tỷ/01 dây chuyền, đầu tư xây dựng nhà
xưởng, bãi đỗ xe, nhà văn phòng,... hết khoảng 2,3 tỷ/trung tâm.
v Giai đoạn 2014-2015:
Giai đoạn này đầu tư 38 TTĐK và 87
DCKĐ. Nhu cầu vốn trong giai đoạn này khoảng 348 tỷ đồng. (Chi tiết tại phụ
lục 8)
v Giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn này đầu tư 59 TTĐK và 153
DCKĐ. Nhu cầu vốn trong giai đoạn này khoảng 595 tỷ đồng. (Chi tiết tại phụ
lục 8)
v Giai đoạn 2021-2030
Giai đoạn này đầu tư 59 TTĐK và 209
DCKĐ. Nhu cầu vốn trong giai đoạn này khoảng 761 tỷ đồng. (Chi tiết tại phụ lục 8)
3.6. NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC
Theo thông tư 11/2009/TT-BGTVT ngày
24/6/2009 của Bộ GTVT, nhân lực của
TTĐK gồm có: Giám đốc, Phó giám đốc (phải là ĐKV có kinh nghiệm kiểm định tối
thiểu là 03 năm), phụ trách dây chuyền (phải là ĐKV có kinh nghiệm kiểm định tối
thiểu là 02 năm),
ĐKV các hạng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định và
nhân viên nghiệp vụ (kế toán, thủ quỹ, nhân viên hồ sơ, nhân viên máy tính), số
lượng ĐKV tại mỗi TTĐK được quy định như sau:
Lưu lượng
bình quân/năm vào kiểm định
|
Số dây chuyền
kiểm tra của Trung tâm
|
Số lượng
đăng kiểm viên tối thiểu
|
Đến 6.000
|
1
|
3
|
Trên 6.000
đến 12.000
|
1
|
5
|
Trên 12.000
đến 24.000
|
2
|
7
|
Trên 24.000
đến 30.000
|
2
|
9
|
Trên 30.000
đến 36.000
|
3
|
11
|
Trên 36.000
đến 42.000
|
3
|
13
|
Trên 42.000
đến 48.000
|
4
|
15
|
Trên 48.000
đến 54.000
|
4
|
17
|
Trên 54.000
đến 60.000
|
5
|
21
|
Trên 60.000
đến 66.000
|
5
|
23
|
Với quy mô đầu tư xây dựng mới TTĐK và
bổ sung thêm dây chuyền kiểm định. Như vậy, ĐKV thực hiện công tác đăng kiểm
theo các giai đoạn như sau:
v Giai đoạn 2014-2015:
Giai đoạn này đầu tư 38 TTĐK và 87
DCKĐ. Với mỗi TTĐK trung bình sẽ có 02 dây chuyền với lưu lượng bình quân từ
12.000 đến 24.000 lượt/năm và các dây chuyền bổ sung thêm là 6.000 lượt/năm.
Nhu cầu ĐKV giai đoạn này khoảng 299 ĐKV.
v Giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn này đầu tư 59 TTĐK và 153
DCKĐ. Trung bình mỗi TTĐK có 02 dây chuyền với lưu lượng bình quân từ 24.000 đến
30.000 lượt/năm. và các dây chuyền bổ sung thêm từ 6.000 -12.000 lượt/năm. Nhu
cầu ĐKV giai đoạn này khoảng 706 ĐKV.
v Giai đoạn 2021-2030
Giai đoạn này đầu tư 59 TTĐK và 209
DCKĐ. Trung bình, mỗi trung tâm có 03 dây chuyền. Nhu cầu ĐKV giai đoạn này khoảng
929 ĐKV.
3.7. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
Đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cơ
bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng
cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế
ô nhiễm môi trường, hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa
các phương thức vận tải. Trong đó vận tải đường bộ chủ yếu đảm nhận việc gom
hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và trung
bình. Đến 2020, tổng khối lượng
vận chuyển hành khách là 6.240 triệu HK, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0 ¸ 90,0%; tổng khối lượng
vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0 ¸ 70,0%. Chính vì vậy
việc quy hoạch
tổng
thể các TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế
khi đường bộ vẫn là phương thức vận chuyển chủ yếu trong vận chuyển hành khách
và hàng hóa.
Khi thực hiện Quy hoạch sẽ tăng cường
quản lý của Nhà nước và huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu
tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thúc đẩy sự phát triển
và hoàn thiện mạng lưới các TTĐK và dây chuyền kiểm định nhằm đảm bảo giảm thiểu
TNGT do nguyên nhân kỹ thuật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc quy hoạch tổng thể các TTĐK và
dây chuyền kiểm định xe cơ giới sẽ xác định về số lượng, vị trí và quy mô TTĐK
để phù hợp với sự phát triển của phương tiện và nhu cầu kiểm định của địa
phương, của vùng và trên phạm vi cả nước một cách hợp lý và hiệu quả. Tránh đầu
tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực xã hội và cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới
hiện tượng hạ thấp chất lượng kiểm định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới
đang lưu hành.
Với việc phân bố mạng lưới TTĐK hợp
lý, đầu tư dây chuyền kiểm định tiên tiến sẽ đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cá nhân khi đưa phương tiện đến kiểm
định xe cơ giới theo quy định. Cự ly chủ
phương tiện phải di chuyển đến TTĐK giảm sẽ giảm các chi phí về mặt thời gian,
tiêu hao nhiên liệu...
Phần IV
CÁC
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
4.1. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG
THỂ CHẾ
Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm
pháp luật trong lĩnh vực kiểm định phương tiện xe cơ giới một cách đồng bộ trong
công tác quản lý cũng như kiểm định phương tiện; thực hiện cải cách thủ tục
hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Xây dựng mô hình xã hội hóa phù hợp với
điều kiện Việt Nam (chi tiết xem Phụ lục 9).
4.2. GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG
NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
Đa dạng các nguồn vốn, hình thức đầu
tư phát triển các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi
cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm ở những vùng sâu, vùng xa,
biên giới và hải đảo.
4.3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
NGUỒN NHÂN LỰC
Hỗ trợ kinh phí đào tạo để nâng cao
trình độ cho đội ngũ cán bộ, người lao động tham gia hoạt động quản lý điều
hành, vận hành khai thác trong lĩnh vực đăng kiểm tại các vùng sâu, vùng xa,
biên giới và hải đảo.
Tăng cường công tác giáo dục nâng cao
trình độ, nhận thức đối với các cán bộ, nhân viên đăng kiểm. Kết hợp đào tạo
chuyên môn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử trong
công tác kiểm định.Tăng cường đào tạo, tập huấn, đánh giá định kỳ đối với đăng
kiểm viên.
Mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các
hiệp hội, hội nghị, hội thảo quốc tế để tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các
nước.
4.4. GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN
CƠ SỞ HẠ TẦNG
Ưu tiên đầu tư trung tâm đăng kiểm mới
nhằm giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm tại các khu vực hiện đã quá tải.
Ưu tiên đầu tư xây dựng các dây chuyền
kiểm định và trung tâm đăng kiểm hiện đại, tiên tiến theo đúng tiêu chuẩn kỹ
thuật quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ưu tiên đầu tư các trung tâm đăng kiểm
xe cơ giới có vị trí thuận tiện đi lại.
4.5. GIẢI PHÁP VỀ KHOA HỌC
CÔNG NGHỆ
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ
trong công tác kiểm định của các trung
tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước
đầu tư sản xuất các trang, thiết bị phục
vụ công tác đăng kiểm nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí đầu tư.
4.6. GIẢI PHÁP VỀ TỔ CHỨC
QUẢN LÝ
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động
đăng kiểm xe cơ giới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các đơn vị và cá nhân vi phạm
các quy định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đăng
kiểm phương tiện cơ giới và chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Phần V
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
5.1. LỘ TRÌNH VÀ DANH MỤC
ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
Quy hoạch đến năm 2015 cả nước có 151
TTĐK với 296 dây chuyền kiểm định. Trên cơ sở 114 TTĐK với 211 dây chuyền kiểm
định sẽ bổ sung thêm 38 TTĐK và 87 dây chuyền kiểm định; đến năm 2020 cả nước
có 211 TTĐK với 451 DCKĐ bổ sung thêm 59 TTĐK và 153 DCKĐ; đến năm 2030 cả nước
có 269 TTĐK với 660 DCKĐ, bổ sung thêm 59 TTĐK và 209 DCKĐ.
Việc xây dựng lộ trình và danh mục ưu
tiên đầu tư đến năm 2020 căn cứ vào các yếu tố sau:
- Quy hoạch số lượng các TTĐK và DCKĐ của các tỉnh,
thành đến năm
2020.
- Hiện trạng công suất, năng suất các TTĐK
và DCKĐ. Ưu tiên đầu tư các TTĐK và DCKT tại các địa phương hiện tại các TTĐK
và DCKĐ đã quá tải hoặc sắp quá tải.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện
thuận lợi trong việc đăng kiểm ở các vùng sâu, vùng xa cự ly cách TTĐK lớn.
v Giai đoạn 2014 -
2015:
- Ưu tiên đầu tư TTĐK hoặc bổ sung dây chuyền
kiểm định tại vị trí phù hợp nhằm giảm tải cho TTĐK tại Hòa Vang, Đà Nẵng; TTĐK tại
Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội;
TTĐK tại phường Linh Trung, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; TTĐK tại thành phố
Hạ Long, Quảng Ninh.
v Giai đoạn 2016-2020:
- Ưu tiên đầu tư TTĐK hoặc bổ sung dây chuyền
kiểm định tại các vị trí phù hợp nhằm giảm tải cho các TTĐK tại Bình Dương;
TTĐK tại Long Thành, Biên Hòa, Đồng Nai; TTĐK tại Nam Định; TTĐK tại đường Giải
Phóng, Yên Nghĩa, thị xã Sơn Tây, Hà Nội; TTĐK tại thành phố Hải Dương, thành
phố Thanh Hóa, thành phố Vinh; TTĐK tại Gia Nghĩa, Đăk Nông; TTĐK tại Quận 11,
Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; TTĐK tại Cao Lãnh, Đồng Tháp; TTĐK tại huyện đảo
Phú Quốc, Kiên Giang; TTĐK tại thành phố Vũng Tàu; TTĐK tại Đông Hà, Quảng Trị;
TTĐK tại Tuy Hòa, Phú Yên; TTĐK tại thị trấn Chơn Thành, Bình Phước; TTĐK tại
thành phố Bắc Giang và Bắc Ninh.
- Ưu tiên đầu tư một số TTĐK phục vụ nhu cầu
các vùng sâu, vùng xa như: TTĐK tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang,
Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
5.2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
v Vụ Khoa học - Công
nghệ
Chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng xem
xét, điều chỉnh quy hoạch, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
quy trình, quy phạm trong công tác đăng kiểm phù hợp thực tế trên cơ sở đề xuất
của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
v Vụ Tổ chức cán bộ
Chủ trì trình Bộ trưởng phê duyệt đề
xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam về nội dung, chương trình đào tạo, quy định về
tiêu chuẩn đăng kiểm viên.
v Vụ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt
Nam đề xuất xây dựng các chính sách tài chính liên quan đến huy động vốn đầu
tư.
v Cục Đăng kiểm Việt
Nam
Hướng dẫn Sở Giao thông vận tải các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Quy hoạch và kiểm tra, giám sát thực
hiện Quy hoạch tại các địa phương.
Chủ động đề xuất với Bộ trưởng điều chỉnh
Quy hoạch phù hợp với thực tế theo từng giai đoạn. Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam
căn cứ vào tình hình thực tế quyết định thay đổi số lượng dây chuyền kiểm định
trong các trung tâm đăng kiểm.
Hướng dẫn và hỗ trợ các Trung
tâm đăng kiểm, các doanh nghiệp trong việc thực hiện Quy hoạch.
v Sở Giao thông vận tải
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ quy hoạch đề xuất trình Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phương án triển khai thực hiện.
Phối hợp với các cơ quan chức
năng triển khai, đề xuất xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch
tại địa phương (nếu có) và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kế hoạch thực
hiện quy hoạch.
v Các Trung tâm đăng kiểm
Chấp hành các quy định của Bộ Giao
thông vận tải và hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong quá trình thực hiện
quy hoạch.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN
NGHỊ
v Kết luận
- Quy hoạch tổng thể các trung tâm đăng kiểm và
dây chuyền kiểm định xe cơ giới là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và
đảm bảo có một hệ thống các trạm đăng kiểm được bố trí hợp lý, tránh đầu tư
lãng phí.
- Hiện trạng của quy hoạch cũng như công tác
đăng kiểm đã được phân tích, đánh giá cụ thể các mặt được và những tồn tại nhằm
làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phù hợp với thực tế cũng như đáp ứng sự phát
triển trong tương lai.
- Quy hoạch đã xác định được số lượng dây chuyền
kiểm định, số lượng trung tâm đăng kiểm và đề xuất vị trí cho từng tỉnh, thành
phố.
- Các giải pháp thực hiện quy hoạch về thể chế,
nguồn vốn và nguồn nhân lực đã được xem xét và đề xuất cho phù hợp và có tính
khả thi.
v Kiến nghị
Việc thực hiện quy hoạch đòi hỏi không
những Cục Đăng kiểm Việt Nam và các
đơn vị thuộc Bộ GTVT mà còn có vai trò quan trọng từ các địa phương tỉnh thành
trong cả nước cùng quyết tâm thực hiện. Do đó, cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ để
quy hoạch có thể thực hiện được.
PHỤ
LỤC 1
TAI
NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2000 - 2013
Năm
|
Số vụ
|
Số người chết
|
Số người bị
thương
|
2000
|
22.486
|
7.500
|
25.400
|
2001
|
25.040
|
10.477
|
29.188
|
2002
|
27.134
|
12.800
|
30.733
|
2003
|
19.852
|
11.319
|
20.400
|
2004
|
16.911
|
11.739
|
15.142
|
2005
|
14.711
|
11.534
|
12.013
|
2006
|
14.161
|
12.373
|
11.097
|
2007
|
14.048
|
12.800
|
10.266
|
2008
|
12.128
|
11.243
|
7.771
|
2009
|
11.758
|
11.094
|
7.559
|
2010
|
13.713
|
10.417
|
9.374
|
2011
|
11869
|
9591
|
9681
|
2012
|
10560
|
9181
|
7543
|
2013
|
11199
|
9394
|
7117
|
Nguồn: Ủy
ban ATGTQG, Tổng cục Cảnh sát QLHC
về TTATXH2
PHỤ
LỤC 2
NGUYÊN
NHÂN GÂY TNGT ĐB
Nguyên nhân
|
2009
|
2010
|
2011
|
Số vụ TNGT
|
Tỷ lệ
(%)
|
Số vụ TNGT
|
Tỷ lệ
(%)
|
Số vụ TNGT
|
Tỷ lệ
(%)
|
Số vụ TNGT
|
19,456
|
100
|
37,072
|
100
|
37,985
|
100
|
Lỗi do người
tham gia giao thông
|
7,430
|
61.78
|
15,567
|
72.39
|
16,788
|
79.20
|
|
Chạy quá tốc độ
|
1,949
|
16.21
|
3,944
|
18.34
|
3,752
|
17.70
|
Sử dụng sai làn đường
|
3,163
|
26.30
|
6,175
|
28.71
|
6,664
|
31.44
|
Vượt xe
|
1,493
|
12.41
|
2,907
|
13.52
|
4,113
|
19.40
|
Sử dụng rượu bia
|
324
|
2.69
|
1,174
|
5.46
|
1,080
|
5.10
|
Quy trình lái xe
|
73
|
0.61
|
598
|
2.78
|
565
|
2.67
|
Người đi bộ
|
428
|
3.56
|
769
|
3.58
|
614
|
2.90
|
Phương tiện giao thông
|
130
|
1.08
|
180
|
0.84
|
137
|
0.65
|
Công trình
|
2
|
0.02
|
191
|
0.89
|
40
|
0.19
|
Nguyên nhân khác
|
4,464
|
37.12
|
5,567
|
25.89
|
4,232
|
19.97
|
Nguồn: Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt
PHỤ
LỤC 3
THỐNG
KÊ SỐ LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN Ô TÔ THEO VÙNG/TỈNH NĂM 2013
Số TT
|
Tỉnh thành
|
Số lượng toàn
bộ
|
Ô tô con
|
Ô tô khách
|
Ô tô tải
|
Ô tô chuyên dùng
|
Các loại PT khác
|
I
|
Đồng bằng sông Hồng
|
564.202
|
319.811
|
32.166
|
194.019
|
6.399
|
11.807
|
1
|
Hà Nội
|
342.122
|
231.960
|
18.560
|
84.882
|
3.773
|
2.947
|
2
|
Vĩnh Phúc
|
18.196
|
7.856
|
762
|
9.292
|
180
|
106
|
3
|
Bắc Ninh
|
16.854
|
7.692
|
902
|
7.962
|
195
|
103
|
4
|
Quảng Ninh
|
41.004
|
17.893
|
2.568
|
19.600
|
568
|
375
|
5
|
Hải Dương
|
27.671
|
10.166
|
1.868
|
14.929
|
201
|
507
|
6
|
Hải Phòng
|
55.338
|
23.006
|
2.784
|
21.834
|
828
|
6.886
|
7
|
Hưng Yên
|
14.818
|
4.851
|
754
|
8.944
|
150
|
119
|
8
|
Thái Bình
|
13.337
|
4.211
|
1.222
|
7.631
|
84
|
189
|
9
|
Hà Nam
|
7.766
|
2.460
|
439
|
4.659
|
132
|
76
|
10
|
Nam Định
|
13.044
|
4.674
|
1.465
|
6.709
|
77
|
119
|
11
|
Ninh Bình
|
14.052
|
5.042
|
842
|
7.577
|
211
|
380
|
II
|
Trung du và miền
núi phía Bắc
|
141.992
|
58.431
|
8.413
|
72.377
|
1.794
|
977
|
1
|
Hà Giang
|
5.386
|
2.628
|
357
|
2.239
|
133
|
29
|
2
|
Cao Bằng
|
5.999
|
2.064
|
455
|
3.380
|
99
|
1
|
3
|
Bắc Cạn
|
3.463
|
1.431
|
227
|
1.751
|
46
|
8
|
4
|
Tuyên Quang
|
8.787
|
3.146
|
518
|
5.056
|
40
|
27
|
5
|
Lào Cai
|
10.550
|
4.504
|
628
|
5.227
|
109
|
82
|
6
|
Yên Bái
|
7.402
|
2.489
|
513
|
4.298
|
64
|
38
|
7
|
Thái Nguyên
|
25.206
|
12.282
|
1.246
|
11.217
|
179
|
282
|
8
|
Lạng Sơn
|
10.112
|
5.256
|
474
|
4.220
|
85
|
77
|
9
|
Bắc Giang
|
18.593
|
6.105
|
1.265
|
10.859
|
156
|
208
|
10
|
Phú Thọ
|
20.299
|
8.812
|
1.067
|
9.959
|
363
|
98
|
11
|
Điện Biên
|
5.272
|
2.058
|
362
|
2.730
|
90
|
32
|
12
|
Lai Châu
|
2.880
|
1.112
|
155
|
1.581
|
26
|
6
|
13
|
Sơn La
|
9.858
|
3.540
|
610
|
5.511
|
152
|
45
|
14
|
Hòa Bình
|
8.185
|
3.004
|
536
|
4.349
|
252
|
44
|
III
|
Bắc Trung Bộ và
duyên hải miền Trung
|
264.466
|
101.832
|
17.418
|
136.059
|
3.115
|
6.042
|
1
|
Thanh Hóa
|
32.373
|
12.286
|
2.139
|
17.455
|
279
|
214
|
2
|
Nghệ An
|
44.966
|
21.790
|
1.708
|
20.372
|
362
|
734
|
3
|
Hà Tĩnh
|
17.135
|
7.633
|
939
|
8.003
|
209
|
351
|
4
|
Quảng Bình
|
11.693
|
4.485
|
679
|
6.261
|
164
|
104
|
5
|
Quảng Trị
|
11.634
|
4.399
|
682
|
5.992
|
116
|
445
|
6
|
Thừa Thiên Huế
|
15.452
|
6.044
|
1.321
|
7.545
|
225
|
317
|
7
|
Đà Nẵng
|
33.448
|
16.153
|
2.370
|
12.902
|
680
|
1.343
|
8
|
Quảng Nam
|
14.657
|
4.524
|
1.154
|
8.731
|
133
|
115
|
9
|
Quảng Ngãi
|
13.171
|
3.529
|
944
|
8.316
|
200
|
182
|
10
|
Bình Định
|
21.002
|
5.139
|
1.625
|
13.138
|
238
|
862
|
11
|
Phú Yên
|
8.862
|
2.024
|
641
|
5.863
|
86
|
248
|
12
|
Khánh Hòa
|
21.748
|
8.959
|
1.751
|
10.317
|
243
|
478
|
13
|
Ninh Thuận
|
5.449
|
1.539
|
408
|
3.372
|
54
|
76
|
14
|
Bình Thuận
|
12.876
|
3.328
|
1.057
|
7.792
|
126
|
573
|
IV
|
Tây Nguyên
|
81.246
|
32.635
|
5.058
|
41.898
|
828
|
827
|
1
|
Kon Tum
|
6.970
|
2.413
|
452
|
3.919
|
68
|
118
|
2
|
Gia Lai
|
22.275
|
8.545
|
1.235
|
11.892
|
228
|
375
|
3
|
Đắk Lắk
|
26.342
|
10.880
|
1.792
|
13.242
|
288
|
140
|
4
|
Đắk Nông
|
4.517
|
1.884
|
363
|
2.223
|
38
|
9
|
5
|
Lâm Đồng
|
21.142
|
8.913
|
1.216
|
10.622
|
206
|
185
|
V
|
Đông Nam Bộ
|
498.667
|
245.951
|
35.964
|
190.379
|
5.616
|
20.757
|
1
|
Bình Phước
|
13.633
|
5.912
|
899
|
6.628
|
116
|
78
|
2
|
Tây Ninh
|
19.455
|
9.163
|
1.122
|
8.495
|
89
|
586
|
3
|
Bình Dương
|
55.121
|
28.130
|
2.315
|
22.393
|
457
|
1.826
|
4
|
Đồng Nai
|
66.643
|
26.642
|
4.522
|
33.319
|
527
|
1.633
|
5
|
Bà Rịa-Vũng Tàu
|
27.629
|
14.801
|
1.851
|
10.026
|
400
|
551
|
6
|
TP. Hồ Chí Minh
|
316.186
|
161.303
|
25.255
|
109.518
|
4.027
|
16.083
|
VI
|
Đồng bằng sông Cửu
Long
|
118.948
|
39.935
|
12.011
|
61.584
|
1.548
|
3.870
|
1
|
Long An
|
12.587
|
4.456
|
1.341
|
6.387
|
238
|
165
|
2
|
Tiền Giang
|
15.052
|
4.211
|
1.261
|
8.329
|
136
|
1.115
|
3
|
Bến Tre
|
7.300
|
1.967
|
790
|
4.123
|
45
|
375
|
4
|
Trà Vinh
|
6.186
|
1.491
|
586
|
4.029
|
69
|
11
|
5
|
Vĩnh Long
|
7.277
|
2.376
|
879
|
3.933
|
66
|
23
|
6
|
Đồng Tháp
|
9.556
|
2.978
|
844
|
4.834
|
72
|
828
|
7
|
An Giang
|
13.686
|
4.709
|
1.368
|
6.733
|
177
|
699
|
8
|
Kiên Giang
|
9.367
|
3.224
|
1.153
|
4.655
|
219
|
116
|
9
|
Cần Thơ
|
16.885
|
7.625
|
1.388
|
7.377
|
269
|
226
|
10
|
Hậu Giang
|
3.565
|
1.300
|
533
|
1.658
|
44
|
30
|
11
|
Sóc Trăng
|
7.187
|
2.133
|
659
|
4.271
|
61
|
63
|
12
|
Bạc Liêu
|
5.539
|
1.561
|
509
|
3.177
|
76
|
216
|
13
|
Cà Mau
|
4.761
|
1.904
|
700
|
2.078
|
76
|
3
|
VII
|
Việt Nam
|
1.669.521
|
798.595
|
111.030
|
696.316
|
19.300
|
44.280
|
Nguồn: Cục Đăng
kiểm Việt Nam
PHỤ
LỤC 4
TIÊU
CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI Ô TÔ, RƠ MOÓC
TT
|
Tên TCN
|
Sên TCN Tiêu chuẩn
quy chuẩn kỹ thuật
|
1.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô.
|
QCVN 09 :
2011/BGTVT
|
2.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách
thành phố.
|
QCVN 10 : 2011/BGTVT
|
3.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng an toàn kỹ thuật đối với rơ mooc và sơmi romooc
|
QCVN 11 : 2011/BGTVT
|
4.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sai số
cho phép và làm tròn số đối với kích thước, khối lượng của XCG
|
QCVN
12:2011/BGTVT
|
5.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng ATKT & BVMT đối với xe máy chuyên dùng
|
QCVN
13:2011/BGTVT
|
6.
|
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc
tính quang học đèn chiếu sáng phía trước phương tiện GTCGĐB
|
QCVN
35:2010/BGTVT
|
7.
|
Hệ thống giảm âm thay thế của ô tô -
yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 308
- 03
|
8.
|
Bánh xe dự phòng sử dụng tạm thời của
ô tô con - yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 309 - 03
|
9.
|
Đèn báo rẽ trên ô tô, rơ moóc và sơ mi
rơ moóc - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 310 - 03
|
10.
|
Đèn báo rẽ trên xe cơ
giới - Yêu cầu kỹ thuật
và phương pháp thử
|
22 TCN 311 - 03
|
11.
|
Khóa cửa và cơ cấu giữ cửa
- Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 312 - 03
|
12.
|
Phần nhô ra ngoài của cabin
ô tô chở hàng - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 313 - 03
|
13.
|
Phần nhô ra ngoài của ô tô
con - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 314 - 03
|
14.
|
Yêu cầu kỹ thuật về khoảng trống lắp biển
số
sau
của ô tô, rơ móoc và sơ mi rơ móoc
|
22 TCN 315 - 03
|
15.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Ghế, cơ cấu lấp đặt ghế và đệm tựa đầu trên ô tô con - Yêu cầu
an toàn chung
|
22 TCN 316 - 03
|
16.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Đệm tựa đầu sử dụng trên ô tô -
Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN 317 - 03
|
17.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Cơ cấu neo giữ đai an toàn - Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN 318 - 03
|
18.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Tầm nhìn phía trước của người lái trên ô tô con - Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN 319 - 03
|
19.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Nhận biết các cơ cấu điều khiển, báo hiệu làm việc và thiết bị chỉ báo trên ô tô -
Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN 320 - 03
|
20.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Hệ thống chống ngưng tụ hơi nước trên kính chắn
gió của ô tô con - Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN 321 - 03
|
21.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Hệ thống gạt nước và rửa kính chắn gió của ô tô con - Yêu cầu an toàn chung
|
22 TCN322 - 03
|
22.
|
Thiết bị hạn chế vận tốc của ô tô -
Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử
|
22 TCN 329 - 05
|
23.
|
Phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ - Hệ thống treo của ô tô - PP xác định tần
số dao động riêng và
hệ số tắt dần
|
22 TCN 336 - 05
|
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam
PHỤ
LỤC 5
DANH SÁCH CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI
TT
|
Mã
TTĐTK
|
Địa
chỉ
|
Số
lượng dây chuyền
|
1
|
1101S
|
Km4 - P: Sông Hiến
- TP Cao Bằng
|
1
|
2
|
1201S
|
50 Lê Đại Hành - P
Vĩnh Trại - Lạng Sơn
|
2
|
3
|
1401S
|
P. Hà Phong, Tp Hạ Long, Q.Ninh
|
2
|
4
|
1402S
|
P.Thanh Sơn - Tx Uông Bí - Q.Ninh
|
1
|
5
|
1403S
|
Km9, xã Hải Đông Tp Móng Cái -
Q.Ninh
|
1
|
6
|
1501V
|
Km90 QL5 Mới, khu Cam Lộ 2, Hồng
Bàng - Hải Phòng
|
4
|
7
|
1502S
|
341 Đà Nẵng - Ngô Quyền
- Hải Phòng
|
3
|
8
|
1503D
|
Xa Kênh Giang - Thủy Nguyên - Hải
Phòng
|
2
|
9
|
1701S
|
P. Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình
|
2
|
10
|
1801S
|
Số 1 Quang Trung Nam Định
|
1
|
11
|
1901V
|
Xã Minh Phương, Việt Trì - Phú Thọ
|
2
|
12
|
2001S
|
P.Tân Lập, Tp Thái Nguyên
|
2
|
13
|
2002S
|
Xã Cao Ngạn, H.Đồng Hỷ, Thái Nguyên
|
1
|
14
|
2101S
|
Km2 - P.Nguyễn Thái Học - TP.Yên Bái
|
1
|
15
|
2201S
|
Hưng Thành - TP.Tuyên Quang
|
1
|
16
|
2301S
|
P.Nguyễn Trãi - TP. Hà Giang
|
1
|
17
|
2401S
|
Xã Bắc Cường - TP. Lào
Cai
|
1
|
18
|
2501S
|
Phường Tân Phong - TP. Lai Châu
|
1
|
19
|
2601S
|
Tổ 8 P.Quyết Thắng - TP. Sơn La
|
1
|
20
|
2701S
|
Thanh Bình - TP. Điện Biên - Điện
Biên
|
1
|
21
|
2801S
|
P.Đồng Tiến - TP. Hòa bình
|
1
|
22
|
2901S
|
454 Phạm Văn Đồng - Từ Liêm -
Hà Nội
|
1
|
23
|
2901V
|
Km 15+2, QL 1A cũ, Liên Minh, Thanh
Trì - Hà Nội
|
3
|
24
|
2902S
|
90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân - Hà Nội
|
2
|
25
|
2901V
|
Xã Phú Thị, Gia Lâm - Hà Nội
|
3
|
26
|
2803S
|
Điểm đỗ xe Ngọc Khánh, Ba Đình - Hà
Nội
|
1
|
27
|
2903V
|
Láng Thượng, Đống Đa - Hà Nội
|
2
|
28
|
2904V
|
Km 9, Đường BTL-NB, Quang Minh, Mê
Linh, Hà Nội
|
2
|
29
|
2905V
|
18 A Đường Giải Phóng - Hà Nội
|
2
|
30
|
2906V
|
Km 4 - Đường 70 - xã Tam Hiệp -
Thanh Trì
-
Hà Nội
|
4
|
31
|
2907V
|
Thôn Du Nội, Mai Lâm, Đông Anh - Hà
Nội
|
2
|
32
|
3301S
|
Km 15 QL 6, Thôn Do Lộ, Yên Nghĩa -
Hà Đông - Hà Nội
|
2
|
33
|
3302S
|
P.Quang Trung - Tx Sơn Tây - Hà Nội
|
2
|
34
|
3401S
|
Đường Tân Dân, P. Việt Hòa,
TP. Hải Dương
|
3
|
35
|
3501S
|
346 đường 10 - P.Thành Bình - TP.
Ninh Bình
|
2
|
36
|
|
Thành phố Ninh Bình
|
2
|
37
|
3601S
|
267 Bà Triệu, Đông Thọ - Tp Thanh
Hóa
|
2
|
38
|
3602S
|
P.Bắc Sơn, Tx Bỉm Sơn - Thanh Hóa
|
1
|
39
|
3603D
|
Đường Võ Nguyên Giáp, P.Quảng Thành,
TP.Thanh Hóa
|
4
|
40
|
3701S
|
72 Phan Bội Châu, Tp Vinh - Nghệ An
|
2
|
41
|
3702S
|
Xã Đông Hiếu, Tx Thái Hòa - tỉnh Nghệ
An
|
2
|
42
|
3703D
|
Km6, QL46, Xã Nghi Thạch, H. Nghi Lộc,
Nghệ An
|
2
|
43
|
3801S
|
Số 5 ngõ 11 Hà Huy Tập - Tp Hà Tĩnh
|
2
|
44
|
4301S
|
P.Hòa Minh - Q.Liên Chiểu - Tp Đà Nẵng
|
2
|
45
|
4302S
|
Km 800+40, xã Hòa Châu, huyện Hòa
Vang - Đà Nẵng
|
1
|
46
|
4701D
|
Km 4 QL 14 Tân An - Buôn Ma Thuột -
Đak Lak
|
2
|
47
|
4702D
|
Km 12 QL 14 thôn 7 Hòa Phú - Buôn Mê
Thuột - Đak Lak
|
2
|
48
|
4801S
|
Km 3 QL 14 Tx Gia Nghĩa - Đak Nông
|
1
|
49
|
4901S
|
01 Tô Hiến Thành F3 - Tp Đà Lạt
|
2
|
50
|
4902S
|
Số 1 Huỳnh Thúc Kháng, P 2 Tp Bảo Lộc, Lâm
Đồng
|
1
|
51
|
5001S
|
464 Kinh Dương Vương, An Lạc, Q.
Bình Tân, Tp. HCM
|
3
|
52
|
5002S
|
343/20 Lạc Long Quân, P 5 Q11, Tp.
HCM
|
3
|
53
|
5003S
|
6/6 Q1 13 P.HBC, Thủ Đức - Tp Hồ Chí
Minh
|
3
|
54
|
5003V
|
107 Phú Châu, P.Tam Bình -
Q.Thủ Đức -
Tp.HCM
|
4
|
55
|
CN-5003V
|
Cơ sở 2 (khu phố
4-Đường Trường Sơn-P.Linh Trung- Q.Thủ Đức-Tp HCM)
|
1
|
56
|
5004V
|
Số 1 Xa lộ Hà Nội, Hiệp Phú - Quận 9
|
5
|
57
|
5005V
|
1143/3B QL 1A KP3, P.An Phú Đông, Quận
12, Tp. HCM
|
4
|
58
|
CN-5005V
|
1A Hồng Hà, P. 2, Quận
Tân Bình, Tp. HCM
|
5
|
59
|
5006V
|
118 Huỳnh Tấn Phát, P. Tân Thuận
Tây, Quận 7
|
3
|
60
|
5007V
|
428/56 QL1, P.Bình Hưng Hòa B, Q.
Bình Tân, TP.HCM
|
5
|
61
|
6001S
|
KCN Biên Hòa 2 - Đồng Nai
|
2
|
62
|
6002S
|
Khu Xuân Bình, TT Xuân Lộc, Long
Khánh, Đồng Nai
|
2
|
63
|
6003S
|
QL 20, ấp Hòa Trung, Ngọc Định, Định
Quán - Đồng Nai
|
1
|
64
|
6004S
|
Ấp 7, xã An Phước, huyện Long Thành,
tỉnh Đồng Nai
|
1
|
65
|
6004D
|
Số 20, đường 2A, KCN Biên Hòa 2, Đồng
Nai
|
2
|
66
|
6101S
|
QL 13, P.Hiệp thành, TP Thủ Dầu Một,
Bình Dương
|
2
|
67
|
6102S
|
Xã Bình An, Dĩ An, Bình Dương
|
1
|
68
|
6103D
|
Ấp 1 Định Hòa, TDM, Bình Dương
|
3
|
69
|
6104D
|
414/3B ĐL Bình Dường, Thạnh Bình,
Thuận An
|
2
|
70
|
6201S
|
QL 1, phường 5, TP Tân An, Long An
|
3
|
71
|
6301S
|
Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền
Giang
|
2
|
72
|
CC -6401V
|
10/2 Đinh Tiên Hoàng - F8, TP.Vĩnh
Long
|
2
|
73
|
6501S
|
19A, KCN Trà Nóc 1, Q.Bình Thủy, Cần Thơ
|
2
|
74
|
6601S
|
59 Điện Biên Phủ, TP Cao Lãnh - Đồng
Tháp
|
2
|
75
|
6701S
|
Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang
|
2
|
76
|
6702S
|
68 Châu Phú A, Tp Châu
Đốc - An Giang
|
1
|
77
|
6801S
|
Rạch Sỏi, Rách Giá - Kiên
Giang
|
1
|
78
|
CC-6901V
|
Ấp 5, xã An Xuyên - Tp Cà Mau
|
2
|
79
|
7001S
|
Tỉnh lộ 04 Ninh Sơn, Tp Tây Ninh, Tây
Ninh
|
3
|
80
|
7002S
|
Ấp Lộc Chát, Xã Gia Lộc, Huyện Trảng
Bàng - Tây Ninh
|
2
|
81
|
7101S
|
Số 7 Nguyễn Văn Tư, P 7 - Tp Bến
Tre
|
2
|
82
|
7201S
|
890 đường d30/04, phường 11 - Tp
Vũng Tàu
|
2
|
83
|
7202D
|
QL 51, KP2, Phước Trung - Tp Bà Rịa
|
2
|
84
|
7301S
|
Tp. Đồng Hới, Quảng Bình
|
1
|
85
|
7401S
|
Tp. Đông Hà - Quảng Trị
|
1
|
86
|
7501S
|
150 Điện Biên Phủ - Tp Huế
|
1
|
87
|
7502S
|
Xã Hưng Văn, H.Hương Trà - TT Huế
|
1
|
88
|
7601S
|
Xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh - Quảng
Ngãi
|
2
|
89
|
7602D
|
Km 1065+400 QL 1A, xã Nghĩa Phương,
Huyện Tư Nghĩa Quảng Ngãi
|
2
|
90
|
7701S
|
71 Sơn Tây, Quy Nhơn - Bình Định
|
2
|
91
|
7702S
|
QL 1A, Thôn Vạn Lương, Mỹ Châu, Phú
Mỹ, Bình Định
|
1
|
92
|
7801S
|
Bình Kiến, Tuy Hòa, Phú Yên
|
1
|
93
|
7901S
|
Đường 2/4, P.Vĩnh Hòa - Tp Nha Trang
- Khánh Hòa
|
2
|
94
|
7902S
|
QL 1A, Phú Sơn, Cam Phú, Cam Ranh -
Khánh Hòa
|
1
|
95
|
8102D
|
Làng Đal, xã Biển Hồ,
Pleiku - Gia Lai
|
2
|
96
|
8103D
|
Đường Nguyễn Chí Thanh, P.Chi Lăng,
Tp Pleiku - Gia Lai
|
2
|
97
|
8104D
|
Thôn 2, Xã Đak Bơ, H. Đak Bơ, Gia
Lai
|
1
|
98
|
8201S
|
Huỳnh Thúc Kháng, Tp Kon Tum
|
1
|
99
|
CC-8301V
|
191A Trần Hưng Đạo - Tp Sóc Trăng
|
2
|
100
|
CC-8401V
|
151 Nguyễn Đáng Phường 7 - Tp Trà
Vinh
|
2
|
101
|
8501S
|
Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận
|
1
|
102
|
8601S
|
Từ Văn Tư, Phan Thiết - BT
|
1
|
103
|
8801S
|
Xã Khai Quang, Tp Vĩnh Yên, Vĩnh
Phúc
|
2
|
104
|
8901S
|
Xã Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên
|
1
|
105
|
8902S
|
Tp Hưng yên - Hưng Yên
|
1
|
106
|
9001S
|
Đường Đinh Tiên Hoàng, Tp Phủ Lý -
Hà Nam
|
1
|
107
|
9201S
|
Ngã ba Cây Cốc, TT.Hà Lam, H.Thăng
Bình, Quảng Nam
|
2
|
108
|
9301S
|
Thị xã Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
|
1
|
109
|
CC-9401S
|
QL1, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi -
Bạc Liêu
|
2
|
110
|
9501S
|
QL 1, TPT, Châu Thành A - Hậu Giang
|
2
|
111
|
9701S
|
Tổ 9, Phùng Chí Kiên - Tx Bắc Kạn
|
1
|
112
|
9801S
|
Xương Giang - Bắc Giang
|
2
|
113
|
9901S
|
Khu 7 Thị Cầu - Tp Bắc Ninh
|
1
|
114
|
9902S
|
Xã Tam Sơn, TX Từ Sơn - Bắc Ninh
|
1
|
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam