ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4128/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc,
ngày 21 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIAO VÀ ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
NĂM 2017
UỶ BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư
công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật
có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 2309/QĐ-TTg ngày
29/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017;
Quyết định số 2577/QĐ-BTC ngày 29/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giao dự
toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017;
Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh khoá XVI,
kỳ họp thứ 4: Nghị quyết số: 40/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về nhiệm vụ kinh tế -
xã hội năm 2017; Nghị quyết số: 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về dự toán ngân sách
nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về
phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2017;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định của UBND tỉnh Vĩnh
Phúc về việc giao và điều hành Kế hoạch Nhà nước năm 2017.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trì
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC GIAO VÀ ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH
NHÀ NƯỚC NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4128/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh
Vĩnh Phúc)
I. ĐỐI TƯỢNG GIAO KẾ HOẠCH
1. Các cơ quan
quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, hội cấp tỉnh.
2. UBND các
huyện, thành phố,thị xã (sau đây gọi là cấp huyện).
3. Công ty
TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước do địa
phương quản lý (cung ứng sản phẩm công ích mang tính chất đặc thù).
4. Các đơn vị
được giao vốn đầu tư công năm 2017 (chủ đầu tư) để đầu tư các dự án/công trình
XDCB.
5. Các đơn vị
hành chính sự nghiệp dự toán cấp I.
II. CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH GIAO NĂM 2017
1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể cấp
tỉnh:
- Chỉ tiêu
thu, chi ngân sách Nhà nước: Dự toán chi ngân sách, tỷ lệ tiết kiệm dự toán chi
ngân sách; Tổng thu ngân sách (nếu có).
- Chỉ tiêu kế
hoạch đầu tư công: Danh mục dự án/công trình giao cho đơn vị làm chủ đầu tư (nếu
có) và mức vốn đầu tư công năm 2017;
- Mục tiêu và
kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình mục tiêu
năm 2017cho các đơn vị làm chủ chương trình (nếu có).
- Các chỉ tiêu
phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
2. Đối với các huyện, thành phố, thị xã:
- Chỉ tiêu
thu, chi ngân sách: Tổng thu, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; bổ sung
từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện.
- Chỉ tiêu kế
hoạch đầu tư công: Danh mục, mức vốn đầu tư từ các nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân
sách tỉnh, ngân sách Trung ương cho các dự án, công trình do cấp huyện làm chủ
đầu tư (nếu có).
- Chỉ tiêu tuyển
gọi thanh niên nhập ngũ.
- Số xã đạt
chuẩn nông thôn mới tăng thêm năm 2017.
- Các chỉ tiêu
về phát triển kinh tế văn hóa - xã hội trên địa bàn.
3. Đối với các công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước
và các doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý:
- Các nhiệm vụ
theo đơn đặt hàng của Nhà nước; Nhiệm vụ và mức vốn hỗ trợ các hoạt động công ích
(nếu có);
- Chỉ tiêu kế
hoạch đầu tư công: Danh mục, mức vốn đầu tư công năm 2017 cho các dự án, công
trình do doanh nghiệp làm chủ đầu tư;
4. Các Chủ đầu tư, Chủ dự án:
- Chỉ tiêu kế
hoạch đầu tư công: Danh mục, mức vốn đầu tư cho các dự án, công trình do đơn vị
làm chủ đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công;
- Mục tiêu,
nhiệm vụ, kinh phí của từng Chương trình, dự án.
5. Các đơn vị hành chính sự nghiệp dự toán cấp I:
- Danh mục, mức
vốn đầu tư các công trình, dự án do đơn vị làm chủ đầu tư (nếu có) từ các nguồn
vốn đầu tư công.
- Các chỉ tiêu sự nghiệp:
+ Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo: Tuyển mới
học sinh đầu năm học hệ công lập (lớp 1, lớp 6, lớp 10); Số lớp hệ công lập các
cấp học; Số học sinh dân tộc nội trú; Số học sinh tuyển mới vào các trường; Số
cháu vào nhà trẻ, mẫu giáo; Tổng số học sinh các cấp có mặt đầu năm học.
+ Sự nghiệp
Văn hóa - Thể thao: Số buổi chiếu bóng, số buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ miền
núi; Số vở mới dựng của các đoàn nghệ thuật; Số giờ phát thanh, phát hình; Số vận
động viên cấp kiện tướng và cấp I; Số đội thể thao hạng A.
+ Sự nghiệp Y tế: Số giường bệnh do cấp tỉnh
và cấp huyện quản lý; Mức giảm tỷ suất sinh; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; Tỷ lệ
người dân tham gia bảo hiểm y tế.
III. ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2017
1. Nguyên tắc bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2017
Kế hoạch đầu
tư công năm 2017 tuân thủ nghiêm Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi
hành, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và nhằm thực
hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và năm 2017 của tỉnh,
trong đó:
- Ưu tiên dành
vốn cho các dự án trọng điểm, các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị,
công trình trọng điểm y tế, công trình trọng điểm phục vụ du lịch và hạ tầng
ngoài hàng rào các khu công nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh.
- Đảm bảo vốn
đầu tư cho Giáo dục - Đào tạo và Khoa học - Công nghệ theo mức tối thiểu Trung
ương quy định.
- Dành vốn tập
trung đầu tư các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình và khả năng
huy động nguồn lực của địa phương.
- Các ngành,
lĩnh vực còn lại được đầu tư theo cơ cấu tại Nghị quyết số 154/NQ-HĐND ngày
22/12/2014 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
và dự kiến điều chỉnh theo Thông báo số 472-TB/TU ngày 10/10/2016 của Thường trực
Tỉnh ủy.
- Thực hiện tiết
kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án dở dang và dự án mới theo chỉ đạo của Chính phủ
tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 9/2016 và Công văn số 8836/BKHĐT-TH ngày 24/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư (Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới,
mức vốn kế hoạch bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Kế hoạch vốn
đầu tư năm 2017 giao cho các dự án không được vượt quá dự kiến kế hoạch đầu tư
nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã trình cấp có thẩm quyền, trừ đi
số vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2016; phù hợp với khả năng thực hiện và giải
ngân trong năm 2017.
- Từng ngành,
lĩnh vực, chương trình phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên:
+ Vốn để thu hồi
các khoản vốn ứng trước;
+ Thanh toán nợ
đọng xây dựng cơ bản;
+ Dự án đã
hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;
+ Dự án dự kiến
hoàn thành trong kỳ kế hoạch;
+ Vốn đối ứng cho
dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
+ Vốn đầu tư của
Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư;
+ Dự án chuyển
tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;
+ Dự án khởi
công mới có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định
số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư
công trung hạn và hằng năm và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Đầu tư công.
- Đối với dự
án khởi công mới, ngoài việc thực hiện các nguyên tắc trên, chỉ được bố trí vốn
khi đã bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị số
07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Không bố trí
vốn kế hoạch nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 cho các dự án không thuộc nhiệm vụ
chi đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Không bố trí
kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 cho các dự án thuộc kế hoạch 2016 có tỷ lệ giải
ngân đến 30/9/2016 dưới 30% kế hoạch (trừ các công trình đã được HĐND tỉnh nghị
quyết).
2. Cơ chế quản lý và hỗ trợ đầu tư công năm 2017
2.1.
Cơ chế quản lý đầu tư công
a) Các cấp,
các ngành và chủ đầu tư thực hiện nghiêm:
+ Luật Đầu
tư công số 49/2014/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật Đấu thầu số
43/2013/QH13, các Nghị định của Chính phủ, các văn bản của các Bộ, Ngành Trung
ương và của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về quản lý đầu tư xây dựng.
+ Phân cấp
quyết định đầu tư theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 16/6/2014 của UBND tỉnh
(và các quyết định điều chỉnh). Riêng các công trình
trường học mầm non do UBND tỉnh quyết định đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công
giai đoạn 2016-2020 thuộc ngành giáo dục đào tạo khởi công mới từ năm 2017 trở
về sau giao UBND huyện quản lý đầu tư theo đúng quy định về phân cấp đầu tư của
UBND tỉnh.
b) Kế hoạch
đầu tư công từ các nguồn thu được để lại cho cấp huyện: UBND cấp huyện kế hoạch
hoá, lồng ghép với các nguồn khác, phân bổ cho các công trình và phải tổ chức
thực hiện theo đúng kế hoạch được giao.
c) Việc
huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình hạ tầng ở cấp xã phải
thực hiện theo đúng Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ.
d) Việc cấp
phát và ứng vốn NSNN từ Kho bạc Nhà nước cho các dự án đầu tư (trong kế hoạch)
phải theo khối lượng thực hiện. Việc tạm ứng và cấp phát thực hiện theo các quy
định hiện hành.
e) Các
công trình xây dựng phải thực hiện đúng cơ chế hỗ trợ đã được HĐND tỉnh nghị
quyết (kể cả các công trình sử dụng nguồn vốn đã phân cấp về cấp huyện theo
nguyên tắc, tiêu chí).
f) Căn cứ Nghị quyết số 154/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
ngày 22/12/2014; Quyết định số
24/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 về việc thực hiện phân cấp quyết định đầu tư xây
dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện phân bổ vốn đầu tư và tự quyết định
các danh mục đầu tư năm 2017 đảm bảo đúng nguyên tắc đầu tư và cơ chế hỗ trợ của
tỉnh, trong đó phân rõ nguồn vốn: Vốn phân cấp từ Ngân sách tỉnh theo nguyên tắc
và tiêu chí, nguồn thu từ đất và nguồn vốn huy động khác, đồng thời đảm bảo cơ
cấu đầu tư cho Giáo dục - Đào tạo,... theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao.
2.2.
Cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản
a) Hỗ trợ đối với các công trình giáo
dục: Thực hiện theo Nghị quyết số
204/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về việc bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản các công
trình trường học từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
b) Hỗ trợ
đầu tư trạm y tế xã: Hỗ trợ
theo Nghị quyết số 94/2013/NQ-HĐND ngày 16/7/2013 của HĐND tỉnh về Ban hành một số chính sách hỗ trợ cho trạm y tế
xã, phường, thị trấn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020.
c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thủy
lợi: Đầu tư theo nguồn vốn đã được xác định trong Quyết định phê duyệt dự án đầu
tư.
d) Hỗ trợ
các công trình điện: Công trình do
Điện lực Vĩnh Phúc thực hiện; các trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định.
e) Hỗ trợ xây dựng trụ sở Uỷ ban nhân dân
cấp xã: Hỗ trợ đầu tư theo khả năng ngân sách hàng năm đã phân cấp cho cấp huyện.
h) Hỗ trợ
giao thông nông thôn: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ theo Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoá XIV về cơ chế hỗ
trợ phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2017-2021.
i) Hỗ trợ hạ
tầng thiết yếu cho các xã, phường, thị trấn giao đất sản xuất nông nghiệp cho
nhà nước sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng: Thực hiện theo Nghị quyết số 107/2013/NQ-HĐND ,
ngày 20/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết
số 19/2008/NQ-HĐND , ngày 25/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngân sách tỉnh
hỗ trợ phần dân phải đóng góp, UBND cấp huyện phải cân đối từ nguồn đã phân cấp
cho cấp huyện đầu tư cho công trình theo đúng cơ chế đã được HĐND tỉnh ban hành
ngoài Nghị quyết số 107/2013/NQ-HĐND , ngày 20/12/2013 của HĐND tỉnh.
k) Hỗ trợ đối
với các dự án (công trình) giao thông nội thị các huyện lỵ: Hỗ trợ theo cơ cấu vốn đầu tư đã được xác định
trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và kết quả rà soát các dự án được
UBND tỉnh chấp thuận trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
l) Các công
trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới: Thực hiện hỗ trợ đầu tư theo cơ chế chung của tỉnh và theo
hướng dẫn của Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và các
sở, ngành liên quan.
m) Hỗ trợ
giao thông nội đồng: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ 100% nhưng không quá 1 tỷ đồng/1km theo Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐND .
n) Hỗ trợ
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Thực hiện theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và
Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND ngày
22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ NĂM 2017
1. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2017 được UBND tỉnh
giao, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, các
doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và Thủ trưởng các đơn vị chịu trách
nhiệm phân bổ chỉ tiêu cụ thể đến các đơn vị trực thuộc theo chức năng quản lý
(trừ các đơn vị đã được UBND tỉnh trực tiếp giao kế hoạch) trước ngày
31/12/2016; đồng gửi về sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài Chính kiểm tra, rà soát,
tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
2. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Doanh nghiệp nhà nước; các chủ
đầu tư, các đơn vị có trách nhiệm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm
2017 đã được UBND tỉnh giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; không để
xảy ra các vụ việc tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công
và sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Đây
là nội dung để UBND tỉnh xem xét, đánh giá xếp loại thi đua khen thưởng các đơn
vị hàng năm.
3. Các Sở,
Ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ
về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có báo cáo kế hoạch đầu
tư công) vào ngày 22 hàng tháng và ngày 22 tháng cuối quý cho Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính, Cục Thống kê theo quy định pháp luật, để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh, Tỉnh uỷ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Chính phủ.
Trong quá
trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cấp, các
ngành phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo
cáo UBND tỉnh. Tại các kỳ giao ban hàng tuần của Lãnh đạo UBND tỉnh; hội nghị
UBND tỉnh hàng tháng sẽ xem xét, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện kế hoạch để có chủ trương, biện pháp giải quyết cụ thể, kịp thời.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế, các Sở,
ngành, địa phương đề xuất với UBND tỉnh để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem
xét, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất theo quy định../.