>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Giao kết hợp đồng đào tạo trong Công ty Cổ Phần

Hình từ Internet

1. Hoạt động đào tạo đối với người lao động làm việc trong công ty cổ phần

Khi công ty cổ phần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động đang làm việc; hoặc, có hoạt động tuyển người vào đào tạo, dạy nghề (sau đây gọi chung là hoạt động đào tạo) để làm việc cho mình thì các bên phải ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Công ty cổ phần tuyển người vào đào tạo để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí. Nếu việc đào tạo này không xuất phát từ mục đích là để người được đào tạo làm việc cho công ty cổ phần; hoặc là, có thực hiện thu học phí thì công ty cổ phần sẽ phải đăng ký kinh doanh hoạt động dạy nghề.

Như vậy, hoạt động đào tạo được hiểu là việc công ty cổ phần sử dụng kinh phí của mình (kể cả kinh phí do đối tác tài trợ) để trực tiếp tổ chức đào tạo cho người lao động đang làm việc cho mình, cho những người sẽ làm việc cho mình; chứ không nhằm mục đích kinh doanh sinh lời từ các hoạt động ấy.

2. Nội dung của hợp đồng đào tạo trong công ty cổ phần

Hợp đồng đào tạo đối với người đang làm việc tại công ty cổ phần hoặc Hợp đồng đào tạo đối với người chưa làm việc tại công ty cổ phần phải được lập thành ít nhất 02 bản để mỗi bên giữ lấy 01 bản và phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

(1) Nghề đào tạo;

(2) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

(3) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

(4) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

(5) Trách nhiệm của công ty cổ phần;

(6) Trách nhiệm của người lao động.

Trong đó, "Chi phí đào tạo" bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học; trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài. Công ty cổ phần nên quy định rõ các chi phí này để thuận lợi hơn nếu phải buộc người lao động hoàn trả chi phí đào tạo.

3. Những vấn đề cần lưu ý khi công ty cổ phần thực hiện đào tạo cho những người chưa phải là lao động của mình

Khi thực hiện hoạt động đào tạo cho các đối tượng chưa là người lao động của mình thì công ty cần phải chú ý các vấn đề sau:

- Các đối tượng này phải từ đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

- Trong thời gian đào tạo, nếu người lao động trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được công ty cổ phần trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

- Trường hợp công ty cổ phần tuyển dụng người lao động vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc thì thời hạn tập nghề không quá 3 tháng.

- Hết thời hạn đào tạo, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Lưu ý:

Trong thực tế, Hợp đồng đào tạo và Hợp đồng thử việc thường có mối quan hệ với nhau theo hướng diễn ra song song. Tức là, khi bắt đầu thời hạn thử việc thì cũng đồng thời được đào tạo luôn.

5,469
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: