Hợp đồng lao động giữa công ty tôi và người lao động bị Tòa án tuyên bố vô hiệu một phần. Vậy với những người lao động này, công ty tôi có thể xử lý như thế nào? – Yến Ly (Cà Mau).
>> Được sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi làm việc ban đêm, thêm giờ khi nào?
>> Về quê lập nghiệp và có chồng, được phép nghỉ việc liền hay không?
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng (căn cứ khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ vào khoản 1 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu một phần thì xử lý như sau:
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng.
Trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
Việc sửa đổi, bổ sung này có thể thực hiện bằng việc việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, hai bên sẽ không được ký phụ lục hợp đồng lao động đối với việc sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động (căn cứ khoản 2 Điều 22 và Điều 33 Bộ luật Lao động 2019).
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Cách xử lý khi hợp đồng lao động bị vô hiệu một phần? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Lao động 2019, Tòa án nhân dân là cơ quan có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Khái niệm
Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.
Yêu cầu đối với nội dung của thỏa ước lao động tập thể
Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
- Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.
- Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.
- Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp
- Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.
- Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.
- Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 75, Điều 77 và Điều 78 Bộ luật Lao động 2019).