Khi thực hiện hợp đồng, do không tin tưởng lao động mới tuyển vào nên công ty yêu cầu họ đưa giấy tờ tùy thân để tôi giữ, việc làm này có trái luật không? – Hà Thy (Phú Yên).
>> Làm cách nào để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động?
>> Doanh nghiệp có được ký hợp đồng lao động với thời hạn hơn 36 tháng?
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động được quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”
Như vậy, hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động là hành vi mà công ty không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Do đó, việc bạn giữ giấy tờ tùy thân của người lao động mới tuyển vào vì lý do không tin tưởng những người này vẫn được xem là hành vi trái luật.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Hành vi nào công ty không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2, 3 Điều 9, điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty khi vi phạm quy định về hành vi không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động:
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc công ty trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động.
- Đối với hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động:
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Buộc công ty trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
- Đối với hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động được quy định như sau:
(i) Đối với công ty sử dụng lao động
Công ty phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về: công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
(ii) Đối với người lao động
Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho công ty sử dụng lao động về: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động - Bộ luật Lao động 2019 1. Phân biệt đối xử trong lao động. 2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động. 3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật. 5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. 6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật. 7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật. |