Tôi thử việc 01 buổi thì công ty chấm dứt thử việc (lý do là không phù hợp), công ty không trả lương cho tôi (họ bảo có làm gì đâu mà trả). Vậy có đúng luật? – Thùy Nhi (Cà Mau).
>> Công ty dưới 10 người, có phải đóng kinh phí công đoàn 2024?
>> Nhân viên thường xuyên đi làm trễ, công ty phải xử lý kỷ luật lao động như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, việc kết thúc thời gian thử việc được quy định như sau:
"Điều 27 Kết thúc thời gian thử việc
...
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường."
Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 cho phép công ty có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc (đối với trường hợp hai bên giao kết hợp đồng thử việc) hoặc hợp đồng lao động (đối với trường hợp hai bên thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động) đã giao kết bất cứ lúc nào mà không cần phải báo trước cũng như không cần phải bồi thường cho phía người lao động thử việc.
Như vậy, việc công ty chấm dứt thử việc đối với bạn sau 01 buổi làm là hoàn toàn đúng pháp luật.
Đồng thời, tiền lương trong thời gian thử việc được quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 26. Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Theo quy định này, công ty có nghĩa vụ trả tiền lương đầy đủ cho người lao động trong thời gian thử việc và phải đảm bảo mức lương thử việc ít nhất bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.
Như vậy, trong thời gian thử việc, kể cả khi bạn chỉ làm 01 buổi thì công ty vẫn phải trả đủ tiền lương cho thời gian bạn thử việc theo thỏa thuận trước đó; việc công ty không trả tiền lương cho bạn là trái với quy định của pháp luật.
Ví dụ: Giả sử trong tháng bạn thử việc có 24 ngày công (đối với người lao động làm việc đủ tháng); tiền lương thử việc trước đó bạn và công ty thỏa thuận là 7.200.000 đồng/tháng. Thì tiền lương bạn nhận được của 01 buổi (0,5 ngày) thử việc = (7.200.000 : 24) x 0,5 = 150.000 đồng.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023) |
Thử việc 01 buổi, có được công ty trả lương không (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với công ty có một trong các hành vi sau đây:
(i) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc.
(ii) Thử việc quá thời gian quy định.
(iii) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
(iv) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
Đồng thời công ty vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc công ty trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại đoạn (i), đoạn (ii), đoạn (iii) Mục 2 này.
- Buộc công ty giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại đoạn (iv) Mục 2 này.
Như vậy, việc công ty trả tiền lương thử việc cho người lao động không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc phải trả đủ tiền lương cho người lao động thử việc.
Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.