Công ty làm việc từ 08h mỗi ngày (trừ Chủ nhật); tuy nhiên, một số nhân viên thường xuyên đi làm trễ (sau 08h). Công ty phải xử lý kỷ luật lao động như thế nào? – Hà Ý (Cà Mau).
>> Đơn xin việc viết tay được không? Mẫu đơn xin việc viết tay hiện nay?
>> Doanh nghiệp có được phép đặt hàng Trường Đại học Luật Hà Nội đào tạo nhân sự?
Căn cứ quy định tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019, có thể thấy cơ sở của kỷ luật lao động đó chính là nội quy lao động và quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, nghiêm cấm việc xử lý kỷ luật đối với hành vi không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Đối với căn cứ xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật, hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 chỉ quy định căn cứ đối với hình thức kỷ luật buộc thôi việc (sa thải) tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, trong đó không có quy định việc nhân viên đi làm trễ là căn cứ để kỷ luật sa thải nhân viên.
Do đó, người sử dụng lao động cần phải quy định căn cứ xử lý kỷ luật đối với nhân viên đi làm trễ trong nội quy lao động (hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với từng mức độ vi phạm).
Ví dụ: Nhân viên đi làm trễ lần đầu trong tháng, người sử dụng lao động áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách; đã bị áp dụng hình thức khiển trách nhưng tái phạm thì áp dụng hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương 06 tháng; trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương 06 tháng mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực)
Xử lý kỷ luật đối với nhân viên thường xuyên đi làm trễ (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, hiện nay có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động lần lượt là: (i) khiển trách, (ii) kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, (iii) cách chức, (iv) sa thải.
Căn cứ Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, bao gồm:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Dựa trên những quy định vừa nêu, khi thực hiện xử lý kỷ luật đối với nhân viên đi trễ phải áp dụng những hình thức kỷ luật được pháp luật quy định hoặc/và có trong nội quy lao động; không áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động không được quy định trong Bộ luật Lao động 2019, như là phạt tiền, bắt làm tăng ca bù giờ, cắt lương,…
Để đảm bảo việc xử lý kỷ luật là đúng pháp luật, tránh được rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP) thì người sử dụng lao động cần lưu ý nội dung nêu trên.
Ngoài việc tuân thủ quy định về hình thức xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động cũng cần chú ý thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Bởi vì, theo điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đối với trường hợp xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự thủ tục được quy định, người sử dụng lao động sẽ có rủi ro bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng nếu là cá nhân và từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng nếu là tổ chức (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).