Khi đi làm, công ty yêu cầu tôi tham gia khóa đào tạo nghề tại chỗ làm. Như vậy, tôi cần tìm hiểu và chú ý điều gì để bảo vệ quyền lợi của mình? – Quỳnh Anh (Nam Định).
>> Bị sếp ‘tác động vật lý’, nhân viên có quyền nghỉ ngay hay không?
>> Tải file word mẫu bản cam kết không tái phạm mới nhất ở đâu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.
Nội dung này được quy định tại Điều 60 Bộ luật Lao động 2019 nhằm ràng buộc trách nhiệm từ phía người sử dụng lao động đối với người lao động làm việc cho mình qua việc hằng năm phải lên kế hoạch và chi kinh phí cho việc đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Cũng như để cơ quan Nhà nước kiểm soát, đảm bảo việc này được thực hiện thì sau khi đào tạo phía người sử dụng lao động cần phải thông báo kết quả đào tạo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể quy định như sau:
- Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
- Hằng năm, người sử dụng lao động thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 22/12/2023) |
Những lưu ý khi tham gia đào tạo nghề tại doanh nghiệp người lao động cần biết (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, khi tham gia đào tạo nghề (học nghề, tập nghề) tại doanh nghiệp người lao động cần chú ý những nội dung sau đây:
(i) Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
(ii) Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
(iii) Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
(iv) Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
(v) Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
(vi) Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Lưu ý: Tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, quy định rõ về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề (có quy định các nội dung chủ yếu cần phải có trong hợp đồng đào tạo nghề).