Tiếp nối bài viết: Những hiểu biết sai lầm thường gặp về “Phạt vi phạm hợp đồng” chúng tôi xin cung cấp đến quý thành viên thông tin về tiền phạt vi phạm hợp đồng có được đưa vào chi phí hợp lý được trừ không, có cần xuất hóa đơn không và cách hạch toán trong trường hợp này như thế nào?
>> 8 hình thức tổ chức khuyến mại phổ biến
>> Theo nhu cầu, doanh nghiệp có thể làm một số công việc sau
Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định pháp luật (Theo khoản 12 Điều 3 của Luật Thương mại 2005).
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại 2005 (Theo điều 300 của Luật Thương mại 2005).
Căn cứ khoản 1, điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT quy định về các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:
"Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT 1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác. Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền. Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định. … Ví dụ 11: Doanh nghiệp A nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp B là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp A lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.” |
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về chi phí không được trừ như sau:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: … 2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.” |
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì:
- Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng với khách hàng thì khi chi “tiền” doanh nghiệp lập chứng từ chi tiền, không cần xuất hóa đơn.
- Dựa vào hợp đồng, chứng từ thanh toán trên, doanh nghiệp thực hiện xác định tính vào chi phí được trừ theo quy định của thuế TNDN (bởi: tiền phạt vi phạm hợp đồng không thuộc các khoản chi không được trừ nêu tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC trên; cho nên, tiền phạt này được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế TNDN).
Theo Khoản 1 Điều 93 của Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định nguyên tắc hạch toán thu tiền phạt vi phạm hợp đồng như sau:
Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc:
- Đối với bên bán:
Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác.
- Đối với bên mua:
+ Các khoản tiền phạt về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.
Ví dụ: khi nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư được phạt nhà thầu theo đó được quyền thu hồi lại một phần số tiền đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền thu hồi lại được ghi giảm giá trị tài sản xây dựng. Tuy nhiên nếu khoản tiền phạt thu được sau khi tài sản đã được thanh lý, nhượng bán thì khoản tiền phạt được ghi vào thu nhập khác.
+ Các khoản tiền phạt khác được ghi nhận là thu nhập khác trong kỳ phát sinh, ví dụ: Người mua được quyền từ chối nhận hàng và được phạt người bán nếu giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng thì khoản tiền phạt phải thu được ghi nhận là thu nhập khác khi chắc chắn thu được. Trường hợp người mua vẫn nhận hàng và số tiền phạt được giảm trừ vào số tiền phải thanh toán thì giá trị hàng mua được ghi nhận theo số thực phải thanh toán, kế toán không ghi nhận khoản tiền phạt vào thu nhập khác.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kiều Nga