Trong thực tế nếu các doanh nghiệp không nắm chắc được điều kiện áp dụng của chế tài này thì có thể gây rủi ro ngược lại cho mình. Để tránh tình trạng trên, chúng tôi xin giới thiệu đến quý thành viên các trường hợp doanh nghiệp thường hiểu sai về chế tài phạt vi phạm hợp đồng sau đây:
>> Một số lưu ý khi doanh nghiệp vay tiền ngoài tổ chức tín dụng
>> Những thông tin cần công khai trong doanh nghiệp
Một trong những nhận thức sai lầm phổ biến của các doanh nghiệp đó là cho rằng: bên nào vi phạm hợp đồng thì bên đó hiển nhiên phải chịu phạt mà không nhất thiết phải có quy định trong hợp đồng.
Hậu quả là khi có vi phạm xảy ra, yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm sẽ bị Tòa án hoặc Trọng tài thương mại bác bỏ; bởi:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm 1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.” |
Theo quy định tại Điều 300 của Luật Thương mại năm 2005 thì:
“Điều 300. Phạt vi phạm Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.” |
Từ các cơ sở pháp lý trên, có thể nhận thấy rằng chế tài phạt vi phạm hợp đồng chính là sự thỏa thuận giữa các bên; cho nên, chế tài này chỉ được áp dụng khi nó được thể hiện trong hợp đồng.
Tức là, một bên không thể đơn phương áp dụng chế tài này nếu hợp đồng giữa các bên không tồn tại điều khoản “Phạt vi phạm”.
Do vậy, các bên cần chủ động đàm phán và đưa điều khoản áp dụng chế tài phạt vi phạm vào hợp đồng để tạo ra cơ sở áp dụng khi có tranh chấp xảy ra.
Thực tiễn có rất nhiều trường hợp các bên vận dụng không đúng hạn mức phạt vi phạm hợp đồng, dẫn đến việc không bảo vệ được quyền và lơi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”
Theo quy định tại Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005 thì: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”
Ngoài ra, có một số trường hợp khác về mức phạt vi phạm hợp đồng (xem chi tiết tại đây).
Việc áp dụng văn bản pháp luật nào để thỏa thuận mức phạt vi phạm cho phù hợp với quy định của pháp luật sẽ phụ thuộc vào bản chất giao dịch giữa các bên.
Quý thành viên có thể phân biệt sự khác nhau giữa 02 chế tài “Phạt vi phạm hợp đồng” và “Bồi thường thiệt hại” qua bảng sau:
Tiêu chí |
Phạt vi phạm |
Bồi thường thiệt hại |
Khái niệm |
- Là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này. (Điều 300, Luật thương mại 2005). |
- Là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. (Khoản 1, Điều 302, Luật thương mại 2005). |
Căn cứ áp dụng chế tài |
- Có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng; - Có hành vi vi phạm; - Có lỗi của bên bị vi phạm. Lưu ý: Không cần có thiệt hại thực tế xảy ra, chỉ cần chứng minh có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm thì được phép áp dụng chế tài. |
- Không cần có thỏa thuận áp dụng trong hợp đồng; - Có hành vi vi phạm hợp đồng; - Có thiệt hại thực tế; - Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó; - Có lỗi của bên vi phạm. Lưu ý: Phải có thiệt hại thực tế xảy ra và bên bị vi phạm phải chứng minh được tổn thất thì được phép áp dụng chế tài. |
Mức áp dụng chế tài |
- Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm dó các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại 2005. (Điều 301, Luật thương mại 2005) |
- Bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. (Điều 302- Luật thương mại 2005) |
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì khi có vi phạm xảy ra bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì khi có vi phạm xảy ra bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kiều Nga