Năm 2022, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp theo trình tự, thủ tục nào? – Bảo Quyên (Nghệ An).
>> Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Âm lịch 2023
>> Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực)
Theo Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Mục 2 Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN năm 2019 quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bao gồm:
(1) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
(2) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 13/2019/NĐ-CP.
Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp:
- Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
- Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
(3) Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
- Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
- Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
Thủ tục đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2022 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục sau:
Bước 1. Doanh nghiệp tự kiểm tra điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo điều kiện nêu tại mục 1.
Bước 2. Chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:
(1) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP;
(2) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
- Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
- Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
- Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
- Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
(3) Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP.
Bước 3. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ nêu trên.
Nơi nộp hồ sơ: Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; hoặc
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Các kết quả khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông;
- Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Hình thức nộp: Hồ sơ được nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.
>> Xem thêm bài viết: Thẩm định hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong bao lâu?
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||