BỘ
KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1048/BKHCN-PTTTDN
V/v hướng dẫn cấp Giấy chứng
nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2019
|
Kính
gửi: Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố
Thực hiện trách nhiệm của Bộ Khoa học
và Công nghệ quy định tại Điều 19 Nghị định số
13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về
doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Khoa học và Công nghệ hướng
dẫn việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số
13/2019/NĐ-CP như sau:
1. Thủ tục hành
chính:
Ngày 28 tháng 02 năm 2019, Bộ Khoa học
và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính
mới ban hành, thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực hoạt động
KH&CN thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định
tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP .
Danh mục các thủ tục hành chính công
bố tại Quyết định gồm có:
a) Thủ tục hành chính cấp trung ương:
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN;
- Thủ tục cấp thay đổi nội dung, cấp
lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
b) Thủ tục hành chính cấp tỉnh:
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN;
- Thủ tục cấp thay đổi nội dung, cấp
lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Quyết định số 395/QĐ-BKHCN ngày
28/02/2019 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công
nghệ.
2. Điều kiện chứng
nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Căn cứ Điều 6
Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, điều kiện chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN gồm có:
a) Được thành lập và hoạt động theo
Luật doanh nghiệp.
b) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết
quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo
quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định.
Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường
hợp:
- Có năng lực tạo ra kết quả
KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định.
Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu,
phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền
đánh giá, thẩm định, công nhận.
- Có năng lực ứng dụng kết quả
KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định.
Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo
được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu
số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển
khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp.
c) Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh
thu.
- Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ
đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành
từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp
giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ
đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh
doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của
thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản
phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc
quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN.
- Đối với doanh nghiệp mới thành lập
dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
3. Thẩm quyền cấp
Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Cục Phát triển thị trường và doanh
nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy
chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đối với các trường hợp sau:
3.1. Các trường hợp gửi hồ sơ trực
tiếp về Cục, không cần văn bản đề nghị:
a) Các kết quả KH&CN được hình
thành từ nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh
tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng
nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; giải quyết các vấn đề KH&CN liên quan
đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng
công nghệ thông tin - viễn thông:
- Kết quả KH&CN hình thành từ nhiệm
vụ KH&CN đặc biệt:
Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt là đề tài
KH&CN, đề án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN có quy mô
lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức
cạnh tranh của sản phẩm quốc gia do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết
định. Việc xác định nhiệm vụ KH&CN đặc biệt căn cứ vào tiêu chí xác định và
thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy định tại Điều 30 Nghị định
số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN.
- Kết quả KH&CN có tầm quan trọng
đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước;
có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; giải quyết các vấn
đề KH&CN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi
trường, sức khỏe:
+ Kết quả KH&CN hình thành từ nhiệm
vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp bộ, cấp quốc gia;
+ Kết quả KH&CN thuộc hai lĩnh vực
trở lên quy định tại các Điều 14, Điều 15 và Điều 16
Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN ngày 06/3/2015 của Bộ Khoa học
và Công nghệ quy định việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước.
- Kết quả KH&CN trong lĩnh vực hạ
tầng công nghệ thông tin - viễn thông.
b) Doanh nghiệp được thành lập từ việc
chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập mà đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ
Khoa học và Công nghệ.
3.2. Các trường hợp gửi hồ sơ kèm
văn bản đề nghị Cục cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:
a) Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản
xuất kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với trường hợp này, doanh nghiệp
có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp về Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Phát triển thị
trường và doanh nghiệp KH&CN. Trường hợp gửi hồ sơ về Cục, doanh nghiệp có
văn bản đề nghị Cục thụ lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
b) Các trường hợp theo đề nghị của Sở
Khoa học và Công nghệ khi chưa đủ điều kiện đánh giá kết quả KH&CN.
4. Hồ sơ đề nghị
chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN bao gồm:
a) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ;
b) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả
KH&CN của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2
Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP;
c) Phương án sản xuất, kinh doanh sản
phẩm hình thành từ kết quả KH&CN theo mẫu
số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP .
Đối với kết quả KH&CN là tài sản
được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước theo quy định của
Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy
định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực
hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp cần có Quyết định
giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của cơ quan có thẩm quyền để tránh
trường hợp sau khi được cấp bị hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN quy định tại Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
5. Thu hồi, hủy bỏ
hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
5.1. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN:
a) Các trường hợp thu hồi:
- Trường hợp không duy trì được tỷ lệ
doanh thu quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số
13/2019/NĐ-CP:
+ Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ
đủ 5 năm trở lên, đáp ứng điều kiện tỷ lệ doanh thu 30% khi được cấp giấy chứng
nhận doanh nghiệp KH&CN: thời gian 5 năm liên tiếp để xem xét việc thu hồi
giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp
được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập
dưới 5 năm, không cần đáp ứng điều kiện tỷ lệ doanh thu khi được cấp giấy chứng
nhận doanh nghiệp KH&CN: thời gian 5 năm liên tiếp để xem xét việc thu hồi giấy
chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được tính từ năm thứ sáu doanh nghiệp được cấp
Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Ví dụ: Doanh nghiệp A thành lập từ đủ
5 năm trở lên, đạt tỷ lệ doanh thu 30%, được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN năm 2019. Thời gian 5 năm liên tiếp để xem xét
việc thu hồi nếu không đáp ứng điều kiện tỷ lệ doanh thu được tính từ năm 2019
- năm 2023.
Doanh nghiệp B thành lập dưới 5 năm,
chưa đạt tỷ lệ doanh thu 30% khi được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN vào năm 2019. Thời gian 5 năm liên tiếp để xem xét việc thu hồi nếu
không đáp ứng điều kiện tỷ lệ doanh thu được tính từ năm 2024 - năm 2028.
- Trường hợp không thực hiện chế độ
báo cáo trong 03 năm liên tiếp quy định tại điểm c Khoản
1 Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP:
+ Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ
có văn bản đề nghị các doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong phạm vi tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh
doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Sau khi hết thời hạn báo cáo, đối
với những doanh nghiệp không thực hiện việc báo cáo mà không có văn bản xin gia
hạn nêu rõ lý do, Sở Khoa học và Công nghệ có công văn thông báo tới doanh nghiệp
về việc không thực hiện chế độ báo cáo.
+ Sau 3 năm liên tiếp không thực hiện
việc báo cáo, Sở KH&CN thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN.
b) Hệ quả pháp lý khi bị thu hồi Giấy
chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:
- Sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận
doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp không tiếp tục được hưởng những ưu đãi về
miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu và những hỗ
trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KH&CN.
- Đối với các ưu đãi, hỗ trợ có thời
hạn thực hiện trên 12 tháng như vay vốn tín dụng ưu đãi (bao gồm tín dụng đầu
tư của Nhà nước, hỗ trợ từ các Quỹ phát triển KH&CN), hỗ trợ thực hiện nhiệm
vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cho đến
hết thời hạn của hợp đồng vay vốn tín dụng, hợp đồng thực hiện nhiệm vụ
KH&CN.
5.2. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
doanh nghiệp KH&CN:
a) Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực:
- Có hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng kết quả KH&CN đã kê khai trong hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN:
+ Đối với những kết quả KH&CN
không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước: căn cứ vào kết luận của Tòa án khẳng
định doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng kết quả KH&CN đã kê khai để chứng nhận
doanh nghiệp KH&CN.
+ Đối với những kết quả KH&CN được
tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng vốn nhà nước: căn cứ xác định hành vi
xâm phạm dựa trên quyết định giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cơ quan
có thẩm quyền (có quyết định giao quyền không, phạm vi giao quyền, thời hạn
giao,...).
- Có hành vi giả mạo nội dung hồ sơ đề
nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:
+ Hành vi giả mạo các loại văn bản
xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP;
+ Hành vi cố ý kê khai sai thông tin về
tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đối với các doanh
nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên.
b) Hệ quả pháp lý khi bị hủy bỏ hiệu
lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:
- Khi bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng
nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp bị truy thu các khoản tiền đã được miễn,
giảm đối với doanh nghiệp KH&CN và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Báo cáo về
tình hình phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
Theo đề nghị của Cục Phát triển thị trường
và doanh nghiệp KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu các doanh nghiệp
KH&CN đang hoạt động tại địa phương cung cấp thông tin về tình hình sản xuất,
kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, xây dựng báo cáo về tình
hình phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh, thành phố gửi về Cục Phát triển
thị trường và doanh nghiệp KH&CN.
Kính gửi Sở Khoa học và Công nghệ các
tỉnh, thành phố nghiên cứu, tổ chức triển khai việc cấp giấy chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN theo quy định của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Trong quá trình
thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc có kiến nghị liên quan đến việc
triển khai Nghị định, đề nghị Quý Sở gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp,
báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, PTTTDN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Tùng
|