Hiện nay, thủ tục báo cáo tình hình sử dụng lao động được thực hiện như thế nào? Thanh Danh (Đồng Nai)
>> 06 quy định cần biết khi sắp xếp thời giờ làm việc theo ca
>> Hướng dẫn trả lương cho người lao động làm vào ngày nghỉ phép năm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Việc khai trình sử dụng lao động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động được thực hiện theo Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP) như sau:
Doanh nghiệp sử dụng lao động khai trình việc sử dụng lao động theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Thời gian báo cáo:
- Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6);
- Hằng năm (trước ngày 05 tháng 12).
Cách thức nộp báo cáo:
- Thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia;
- Gửi báo cáo bằng bản giấy (trong trường hợp doanh nghiệp không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia).
Cơ quan tiếp nhận báo cáo: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Lưu ý:
Sau khi gửi báo cáo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp thực hiện thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.
>>> Xem chi tiết tại công việc: Báo cáo sử dụng lao động định kỳ 06 tháng và hằng năm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 06 tháng đầu năm và hằng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài.
Thời gian chốt số liệu báo cáo 06 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
>>> Xem chi tiết tại công việc: Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài.
Khi doanh nghiệp không thực hiện thủ tục báo cáo tình hình sử dụng lao động có thể sẽ phải chịu các hình thức xử phạt sau đây:
- Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 06 triệu đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định (điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định (điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, người lao động nước ngoài có thể bị thu hồi giấy phép lao động vì việc báo cáo tình hình sử dụng lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp. Hành vi “người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP” là căn cứ để thu hồi giấy phép lao động (khoản 2 Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).