Việc trả tiền lương cho người lao động đi làm trong những ngày nghỉ phép năm được quy định như thế nào? Thúy Hằng (Khánh Hòa).
>> Đề xuất bổ sung các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
>> 04 trường hợp được nghỉ hưu sớm trong điều kiện lao động bình thường
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, ba nguyên tắc về nghỉ phép năm như sau:
- Nghỉ phép năm là quyền của người lao động. Do đó người lao động có thể dùng hoặc không dùng. Người lao động có quyền nghỉ phép năm nhưng không có nghĩa vụ nghỉ phép năm.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ phép hằng năm.
- Sẽ chỉ bị xem là làm thêm giờ và phải trả 300% tiền lương khi việc đi làm của người lao động đã được xác định là đi làm vào ngày nghỉ phép năm.
Hướng dẫn trả lương cho người lao động làm vào ngày nghỉ phép năm
Đối với trường hợp lịch nghỉ phép năm đã xác định rõ ngày nghỉ cụ thể, người lao động đi làm vào ngày nghỉ cụ thể đã được xác định đó (do người sử dụng lao động huy động hoặc hai bên thỏa thuận) thì xác định là người lao động đi làm thêm vào ngày nghỉ có hưởng lương và người sử dụng lao động phải trả ít nhất bằng 300% tiền lương theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019).
Đối với trường hợp lịch nghỉ phép năm không xác định ngày nghỉ cụ thể (ví dụ: Trường hợp lịch nghỉ linh hoạt, tạo điều kiện cho người lao động đăng ký nghỉ vào thời gian theo nhu cầu cá nhân).
Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động đã dành quyền quyết định ngày nghỉ phép năm cụ thể cho người lao động với việc quy định lịch nghỉ linh hoạt theo tháng hoặc theo năm và người lao động phải đăng ký/thông báo trước cho người sử dụng lao động. Do đó, nếu người lao động không đăng ký/thông báo thì được hiểu là người lao động đã từ bỏ quyền nghỉ phép năm trong tháng hoặc trong năm của mình.
Đồng thời, trường hợp này cũng không xác định được ngày làm việc cụ thể nào là ngày nghỉ phép năm của người lao động. Vì vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương làm việc bình thường cho người lao động mà không có nghĩa vụ phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động đối với những ngày người lao động không nghỉ hoặc không nghỉ phép năm.
Lưu ý: Người sử dụng lao động có thể quy định trong nội quy lao động nội dung này chặt chẽ hơn, cụ thể: “Trường hợp nội quy lao động hoặc quy định nội bộ của doanh nghiệp đã quy định trao quyền cho người lao động đăng ký nghỉ phép năm nhưng người lao động không đăng ký nghỉ phép năm thì được coi là người lao động từ bỏ quyền nghỉ phép năm của mình”.
Điều 113. Nghỉ hằng năm - Bộ luật Lao động 2019 1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. 3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. 4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. 5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này. 6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm. 7. Chính phủ quy định chi tiết điều này. |