Dưới đây là quy định về giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, người có liên quan và các trường hợp không bị giới hạn cấp tín dụng năm 2024.
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 30/9/2024
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng được quy định như sau:
(i) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:
Thời gian |
Đối với 01 khách hàng (% vốn tự có) |
Đối với một khách hàng và người có liên quan (% vốn tự có) |
Từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/01/2026 |
14% |
23% |
Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027 |
13% |
21% |
Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028 |
12% |
19% |
Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029 |
11% |
17% |
Từ ngày 01/01/2029 |
10% |
15% |
(ii) Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Lưu ý:
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản (i) hoặc khoản (ii) Mục này không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại tại khoản (i) hoặc khoản (ii) Mục này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.
(Theo khoản 3, khoản 4 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)
Theo đó, tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng 2024 của tổ chức tín dụng tuân theo quy định nêu trên.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
Quy định về hạn mức và trường hợp cấp tín dụng vượt giới hạn năm 2024
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 6, khoản 7 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản (i) hoặc khoản (ii) Mục 1 thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản (i) hoặc khoản (ii) Mục 1 đối với từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì được cấp tín dụng vượt giới hạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Quyết định 09/2024/QĐ-TTg.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg, khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn không quá ba lần.
(ii) Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước thuộc một trong các trường hợp sau:
- Triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
- Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
- Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
(iii) Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được tổ chức tín dụng thẩm định và đánh giá là khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.