Tôi muốn biết trong năm 2023, quyền đối với giống cây trồng bị giới hạn như thế nào? Căn cứ vào quy định pháp luật nào? – Tú Trinh (Bình Thuận).
>> Quy định về đơn, thủ tục xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng năm 2023
>> Quy định nổi bật về đại diện sở hữu công nghiệp năm 2023
Trong năm 2023, quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng bị hạn chế theo quy định tại Điều 190 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, cụ thể các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ, bao gồm:
- Sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại;
- Sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thử nghiệm;
- Sử dụng giống cây trồng để tạo ra giống cây trồng khác, trừ trường hợp quy định tại Điều 187 Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
- Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.
Bên cạnh đó, quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi sau:
- Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;
- Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.
Toàn văn file word Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Quy định về giới hạn quyền đối với giống cây trồng năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có 06 nghĩa vụ được quy định tại Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 74 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bao gồm:
(1) Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận (trừ trường hợp (2)); nếu không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định như sau:
- 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;
- 15% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;
- 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định nêu trên.
(2) Đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng trả thù lao cho tác giả theo quy định sau:
- Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;
- Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;
- Tối thiểu 20% và tối đa 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao.
(3) Trong trường hợp giống cây trồng có đồng tác giả, mức thù lao tại (1) và (2) là mức dành cho các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng chi trả.
(4) Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ giống cây trồng.
(5) Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong thời hạn ba tháng sau ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với năm hiệu lực đầu tiên và trong tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm sau.
(6) Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo tính trạng mô tả tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Theo khoản 74 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định bổ sung Điều 191a, 191b vào sau Điều 191 trong Mục 2 Chương XIV Phần thứ tư Luật Sở hữu trí tuệ 2005, từ ngày 01/01/2023 sẽ áp dụng thêm 02 quy định mới, cụ thể:
- Nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 191a); và
- Quyền của Nhà nước đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 191b).
Xem chi tiết quy định TẠI ĐÂY.
>> Xem thêm bài viết:
>> Căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ năm 2023? Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ?
>> Những điểm nổi bật về chủ sở hữu và nội dung quyền sở hữu công nghiệp năm 2023