Quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phái sinh được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
>> Chấm dứt bắt buộc hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh
>> Quy định về thành lập và tổ chức hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán
Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phái sinh được quy định tại Chương VI Nghị định 158/2020/NĐ-CP bao gồm những nội dung sau đây:
Căn cứ vào Điều 39 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, hoạt động giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quy định như sau:
(i) Giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh; giám sát các hoạt động về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh của Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
(ii) Giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ.
(iii) Giám sát việc tổ chức thực hiện các quy trình, quy chế, quy định nội bộ liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tại tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
(iv) Giám sát việc duy trì các điều kiện hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh và tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; việc tuân thủ các quy định về hạn chế hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(v) Giám sát việc quản lý tách bạch tài khoản, tài sản của nhà đầu tư và tài khoản, tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan.
(vi) Giám sát việc lưu trữ, quản lý dữ liệu giao dịch, việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định.
Toàn văn File word Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phái sinh (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Theo Điều 40 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, quy định hoạt động giám sát của Sở giao dịch chứng khoán chi tiết như sau:
(i) Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm giám sát các hoạt động sau:
- Giám sát các thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định của pháp luật liên quan.
- Giám sát hoạt động giao dịch của tổ chức, cá nhân trên Sở giao dịch chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn ngừa các giao dịch có dấu hiệu bất thường, các giao dịch có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán.
(ii) Sở giao dịch chứng khoán xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Căn cứ vào Điều 41 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, hoạt động giám sát của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quy định như sau:
(i) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm giám sát các hoạt động sau:
- Giám sát thành viên bù trừ trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định của pháp luật liên quan; quản lý và giám sát việc duy trì các mức ký quỹ theo quy định.
- Giám sát nhà đầu tư tuân thủ quy định về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
(ii) Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường trong hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch hoặc có dấu hiệu nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cảnh báo, yêu cầu thành viên bù trừ giải trình, cung cấp tài liệu và thông tin liên quan và kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.