Ngày 29/11/2024 Quốc hội ban hành Luật số 56/2024/QH15, theo đó bổ sung quy định về hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ từ ngày 01/01/2025
>> Bổ sung quy định đình chỉ chào bán chứng khoán riêng lẻ từ 2025
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15, bổ sung Điều 31b về hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ.
Quy định cụ thể về hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ như sau:
(i) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 31a Luật Chứng khoán 2019 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15) mà tổ chức phát hành không khắc phục được thiếu sót dẫn đến việc bị đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ.
- Sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu chưa đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch mà phát hiện đợt chào bán vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31a Luật Chứng khoán 2019 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15).
- Sau khi kết thúc đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mà phát hiện đợt chào bán vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31a Luật Chứng khoán 2019 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15).
(ii) Ngoài các trường hợp quy định tại khoản (i), đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ bị hủy bỏ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
(iii) Sau khi chào bán riêng lẻ mà cổ phiếu hoặc cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu được mua từ chứng quyền đã được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch thì không hủy bỏ.
(iv) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Chứng khoán 2019.
Và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
Trên đây là quy định về hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ từ ngày 01/01/2025.
File word Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Từ 01/01/2025 bổ sung quy định hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng
(i) Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng bao gồm:
- Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành.
- Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
- Kết hợp hai hình thức trên.
- Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
(ii) Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng bao gồm:
- Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
- Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.
(iii) Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
(iv) Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Luật Chứng khoán 2019, các trường hợp không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng bao gồm:
(i) Chào bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương.
(ii) Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
(iii) Chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
(iv) Việc bán chứng khoán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc việc bán chứng khoán của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.