Khi kinh doanh dịch vụ karaoke, nếu lắp chốt cửa bên trong phòng hát thì chủ phòng Karaoke có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
>> Điều kiện, tiêu chuẩn của Phó giám đốc quỹ tín dụng nhân dân từ ngày 01/7/2024
>> Các phương án mở rộng, nâng cấp đường cao tốc từ ngày 01/01/2025
Căn cứ khoản 6 Điều 15 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định.
- Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường.
- Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
- Không bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) hoặc với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong phòng hát karaoke.
- Không điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong trường hợp thay đổi về số lượng phòng hoặc thay đổi chủ sở hữu.
- Kinh doanh dịch vụ vũ trường trong khoảng thời gian từ 02 giờ đến 8 giờ mỗi ngày.
- Kinh doanh dịch vụ vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa dưới 200 mét.
Lưu ý: Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP) mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, trường hợp chủ sở hữu quán karaoke là doanh nghiệp khi có hành vi lắp chốt cửa bên trong phòng hát sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Quán karaoke lắp chốt cửa bên trong phòng hát có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 6 Nghị định 54/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định 144/2020/NĐ-CP) doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke có trách nhiệm chung sau đây:
- Chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.
- Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
- Tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, ngoài trách nhiệm chung nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ karaoke có trách nhiệm:
- Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
- Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, việc kinh doanh dịch vụ karaoke phải đáp ứng các nguyên tắc sau đây:
- Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định 54/2019/NĐ-CP, các quy định của pháp luật khác có liên quan.
- Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
- Không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.