Hội nghị người lao động định kỳ giữa doanh nghiệp và người lao động được thực hiện định kỳ hằng năm. Theo đó, trình tự tổ chức hội nghị định kỳ được quy định như sau:
>> Xây dựng và đăng ký Nội quy lao động trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp
>> Lập hồ sơ giám định suy giảm khả năng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ khoản 1 Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hội nghị người lao động do doanh nghiệp phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) tổ chức hằng năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.
Doanh nghiệp căn cứ vào quy chế dân chủ tại cơ sở, tổ chức hội nghị với những người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp định kỳ ít nhất 01 lần mỗi năm hoặc khi có yêu cầu của các bên hoặc khi có vụ việc cần thiết được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm những nội dung sau:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
- Phương án sử dụng lao động.
- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
- Thưởng.
- Nội quy lao động.
- Tạm đình chỉ công việc.
(Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ Luật Lao động 2019)
Tổ chức hội nghị người lao động định kỳ (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 64 Bộ Luật Lao động 2019, những nội dung khác mà các bên có thể lựa chọn để tiến hành đối thoại bao gồm:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
- Điều kiện làm việc.
- Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động.
- Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động.
- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Lưu ý: Công đoàn chủ động bám sát quy định của pháp luật và Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP để đề xuất hình thức, nội dung, quy trình tổ chức hội nghị người lao động (hội nghị); căn cứ Điều 218 Bộ luật lao động 2019 những công đoàn có dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị.
Căn cứ Phần II Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024, việc tổ chức hội nghị người lao động định kỳ được thực hiện như sau:
(i) Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động:
Công đoàn chủ động đề xuất, thống nhất với doanh nghiệp vận dụng, áp dụng công tác chuẩn bị để xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động và phổ biến đến người lao động trong doanh nghiệp.
(ii) Xây dựng các báo cáo:
- Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng: Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Hội nghị người lao động trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm trước và phương hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo liền kề; báo cáo đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm trước; báo cáo tổng kết phong trào thi đua, kết quả xét khen thưởng, nội dung giao ước thi đua; các nội quy, quy định, quy chế nội bộ, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp (nếu có).
- Công đoàn có trách nhiệm xây dựng: Báo cáo tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của người lao động tại các hội nghị người lao động của các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp.
- Ban Thanh tra nhân dân: xây dựng báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong năm và chương trình công tác năm tiếp theo (Công đoàn hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân thực hiện).
(iii) Thành phần tham dự hội nghị người lao động:
- Hội nghị toàn thể: Thành phần tham dự là toàn thể người lao động của doanh nghiệp.
- Hội nghị đại biểu:
+ Đại biểu đương nhiên: Công đoàn đề xuất, thống nhất với doanh nghiệp thành phần đương nhiên bên doanh nghiệp gồm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc; Ban kiểm soát; Kế toán trưởng, Trưởng phòng nhân sự; đại diện cấp ủy đảng; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội (nếu có); Ban Thanh tra nhân dân; ban chấp hành công đoàn hoặc đại diện ban chấp hành công đoàn cấp trên nơi chưa có công đoàn cơ sở (trên cơ sở thống nhất với doanh nghiệp) và các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận, thống nhất và được quy định trong Quy chế.
+ Đại biểu bầu: Công đoàn đề xuất, thống nhất với doanh nghiệp đối tượng, số lượng bầu đại biểu dự hội nghị cho phù hợp, tổ chức hội nghị bầu bảo đảm dân chủ, khách quan, có tính đại diện các tổ, đội, phòng, ban, phân xưởng, giới tính, dân tộc (nếu có)… Căn cứ vào điều kiện tổ chức hội nghị, Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp thống nhất tỷ lệ được bầu trên số người lao động tăng thêm. Ví dụ: doanh nghiệp có từ 101 người lao động trở lên thì cứ 100 người lao động tăng thêm thì được bầu thêm 02 đại biểu.
(iv) Maket hội nghị người lao động:
Công đoàn thống nhất với doanh nghiệp về mẫu, nội dung maket tổ chức hội nghị người lao động (Mẫu 06 phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024).
Lưu ý: Doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành văn bản mời và triệu tập toàn thể thành phần tham dự hội nghị người lao động theo sự thống nhất giữa 02 bên.
Công đoàn chủ động đề xuất, thống nhất với doanh nghiệp vận dụng, áp dụng khoản 2, Mục II, Phần I Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 để tổ chức hội nghị người lao động. Đồng thời bổ sung thêm vào diễn tiến hội nghị nội dung: Bầu thành viên tham gia đối thoại bên người lao động (sau nội dung Chủ trì hội nghị giải trình, tiếp thu ý kiến).
Công đoàn chủ động đề xuất, thống nhất với doanh nghiệp vận dụng, áp dụng khoản 3, Mục II, Phần I Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 để tổ chức thực hiện nghị quyết.
Khuyến khích công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động cấp tập đoàn, tổng công ty. Thời điểm tổ chức do hai bên thống nhất.
Trình tự, nội dung tổ chức hội nghị người lao động do hai bên thống nhất, vận dụng theo điểm 1, 2, 3, khoản II, Mục 1, Phần II Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024.