Từ ngày 01/07/2024, nguyên tắc niêm yết giá được thực hiện theo quy định mới tại Luật Giá 2023 như sau:
>> Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá từ ngày 01/07/2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 29/05/2024
Ngày 19/06/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giá 2023 thay thế cho Luật Giá 2012 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Trong đó, nguyên tắc niêm yết giá gồm những nội dung sau đây:
Niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 15 Điều 4 Luật Giá 2023).
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Nguyên tắc niêm yết giá từ ngày 01/07/2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 29 Luật Giá 2023, việc niêm yết giá phải đảm bảo những nguyên tắc sau đây:
- Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán.
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức như: In, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết.
+ Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành.
+ Đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ Điều 28 Luật Giá 2023, việc kê khai giá được quy định như sau:
- Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai.
- Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
+ Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.
+ Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng.
+ Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu.
+ Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.
- Nội dung kê khai giá gồm:
+ Mức giá gắn với tên.
+ Chủng loại, xuất xứ (nếu có).
+ Chỉ tiêu chất lượng (nếu có).
+ Nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.
- Đối tượng kê khai giá là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có quyền quyết định giá; thuộc danh sách do cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật Giá 2023.
- Tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng kê khai giá tự quyết định giá hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm kê khai giá lần đầu và kê khai lại giá sau khi quyết định giá theo quy định và chịu trách nhiệm về mức giá, nội dung kê khai giá của mình.