Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022 quy định về mức lương tối thiểu đã không còn quy định về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% đối với người làm công việc, chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề. Vậy những NLĐ này có còn được hưởng mức chênh lệch nêu trên không? Mời Quý thành viên cùng tham khảo nội dung dưới đây:
>> Tra cứu mức lương tối thiểu mới theo từng địa bàn áp dụng từ ngày 01/7/2022
>> DN trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, người lao động cần làm gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng (có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022) đối với người làm công việc, chức danh đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề như sau:
1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này
Theo đó, người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định 90-CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022) và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã không đề cập đến việc áp dụng mức lương cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định này quy định như sau:
Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 17/6/2022 triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu. Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức đại diện NLĐ, các ban, ngành liên quan hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu.
Trong đó, có yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm:
- Rà soát lại các thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp;
- Không được xóa bỏ, cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định.
- Các nội dung đã thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP (trong đó có chế độ tiền lương trả cho NLĐ đã qua đào tạo cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu) thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Do đó, NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề vẫn được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (nếu không có thỏa thuận khác với NSDLĐ).
Trên đây là quy định về Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có còn được trả lương cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu không? Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý