Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp hiện nay thuê người lao động làm công việc bán thời gian (part-time), đặc biệt là các công việc bán thời gian của các bạn sinh viên như: gia sư, phụ quán cơm, nhân viên phục vụ,... Vậy câu hỏi đặt ra là người lao động bán thời gian có thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hay không?
>> Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ có phải là việc nghỉ không hưởng lương không?
>> 06 lỗi thường gặp khi doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ
Người lao động bán thời gian có thể được hiểu là người lao động làm việc không trọn thời gian. Theo đó, “người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động” - Khoản 1 Điều 32 Bộ luật lao động 2019. Trên thực tế, rất nhiều người sử dụng cụm từ "người lao động bán thời gian" hay "người làm công việc part-time" thay vì “người lao động làm việc không trọn thời gian” dẫn đến việc họ chưa thật sự hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo Khoản 3 Điều 32 Bộ luật lao động 2019 thì “người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.
Theo đó, người lao động làm việc không trọn thời gian có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, tức là người lao động bình thường.
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng bắt buộc tham gia BHXH bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng
…
Như vậy, đối với hợp đồng lao động không trọn thời gian thì việc người lao động có phải là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH hay không cần phải chia thành 02 trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không phải tham gia BHXH bắt buộc.
- Trường hợp 2: Nếu hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Tóm lại, người lao động làm việc không trọn thời gian vẫn có các quyền và nghĩa vụ đầy đủ như một người lao động bình thường. Người lao động làm việc không trọn thời gian có phải tham gia BHXH hay không thì cần phải xem xét hợp đồng mà họ tham gia ký kết với người sử dụng lao động cụ thể là như thế nào. Theo đó, nếu là hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì họ là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH và nếu không phải là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Bảo Toàn