Khi sử dụng người lao động nước ngoài, ngoài vấn đề về thời hạn của giấy phép lao động, doanh nghiệp còn cần lưu ý về thời hạn Visa, thời hạn tạm trú của người lao động nước ngoài. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn gia hạn Visa cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
>> Tra cứu mức lương tối thiểu mới theo từng địa bàn áp dụng từ ngày 01/7/2022
Căn cứ khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định như sau:
Thị thực (hay thường gọi là Visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Thị thị có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển mục đích sử dụng.
Cần phần biệt được giữa Thị thực (Visa) với Hộ chiếu (Passport), cụ thể:
Hộ chiếu là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho công dân nước này để xuất, nhập cảnh ra vào nước này và để chứng minh quốc tịch, nhân thân.
Hay nói dễ hiểu, khi người lao động xuất cảnh khỏi nước của họ thì cần phải được cấp hộ chiếu và để được nhập cảnh vào Việt Nam phải được cấp thị thực (hay còn gọi là Visa).
Hình thức của Visa
- Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.
- Thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.
Ký hiệu trên Visa
- LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- LĐ2 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.
Thời hạn của Visa
- Visa ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.
- Thời hạn Visa phải ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.
- Visa hết hạn sẽ được xem xép cấp visa mới.
Căn cứ Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản a, b khoản 5 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019), người lao động nước ngoài được cấp Visa khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp:
+ Cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài;
+ Cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức.
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
- Phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh đối với trường hợp người nước ngoài vào lao động tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động;
- Thị thực điện tử cấp cho người lao động nước ngoài có hộ chiếu.
Căn cứ Điều 35 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, người sử dụng lao động nước ngoài có nhu cầu gia hạn Visa, gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu của người nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài.
- Tờ khai đề nghị cấp thị thực, đề nghị gia hạn tạm trú (theo mẫu NA5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA).
Nơi nộp hồ sơ: Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét gia hạn tạm trú và cấp thị thực mới cho người lao động nước ngoài.
Trên đây là quy định về Hướng dẫn gia hạn Visa cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý:
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014;
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019;