Giai đoạn vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Do đó, Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn 0%. Vậy chính sách hỗ trợ này được áp dụng đến khi nào? Mời quý thành viên cùng tham khảo nội dung dưới đây:
>> Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về chuyển nhượng, tặng cho phần vốn góp (phần 1)
>> Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Theo khoản 1 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 quy định NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
NSDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.
Do đó, kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, NSDLĐ không phải đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Sau khi hết thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP theo mức đóng như sau:
- Đối với các trường hợp thông thường (bao gồm cả người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước): 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;
- Đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Lưu ý: Để được áp dụng mức đóng 0,3% nêu trên thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP gồm có:
- Phải là doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp’
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất;
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Ngoài chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp còn được áp dụng 02 chính sách hỗ trợ dưới đây:
3.1. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
Theo khoản 3 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP quy định NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
Thời gian thực hiện: đến hết ngày 30/6/2022
3.2. Chính sách giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động
Đây là nội dung chính tại Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 do Chính phủ ban hành. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian thực hiện: 12 tháng, hạn chót đến hết ngày 30/9/2022.
Trên đây là quy định về Hạn chót hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là khi nào? Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: