Quy định về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập Thông tư 15/2024/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/12/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 19/02/2025.
>> Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xây dựng
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 15/2024/TT-BXD, điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
1. Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực xây dựng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần theo quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.
2. Ngoài các điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
[TIỆN ÍCH] Mẫu văn bản nâng cao (hướng dẫn ghi & tải về các mẫu đơn) |
Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Tại Điều 8 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
1. Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập xây dựng, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập.
2. Nội dung đề án, gồm:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
b) Mục tiêu, phạm vi hoạt động và danh mục dịch vụ sự nghiệp công đơn vị dự kiến cung cấp;
c) Loại hình và tên gọi của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;
đ) Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động và mức độ tự chủ tài chính;
e) Báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập;
g) Dự kiến về nhân sự (trong đó xác định rõ số lượng cấp phó của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Nghị định này và hướng dẫn chi tiết của bộ quản lý ngành, lĩnh vực); vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện làm việc cần thiết;
h) Phương án tổ chức thực hiện và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
i) Kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có);
k) Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Theo Điều 11 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, hồ sơ thẩm định, thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
1. Hồ sơ gửi cơ quan, tổ chức thẩm định, gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định được ký tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập theo quy định;
b) Dự thảo tờ trình thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Dự thảo đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực);
đ) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức liên quan về việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan;
g) Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
2. Hồ sơ trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
a) Tờ trình của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực);
d) Văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
đ) Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định;
e) Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan (kèm theo văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan) và các tài liệu khác có liên quan đến thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;
g) Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.