Nội dung đơn giản hóa việc cấp GCN đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? – Hồng Thơ (Hậu Giang).
>> Quy định về giám định về quyền tác giả, quyền liên quan từ ngày 26/4/2023 (Phần 8)
>> Quy định về giám định về quyền tác giả, quyền liên quan từ ngày 26/4/2023 (Phần 7)
Ngày 29/05/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 587/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Căn cứ khoản 1 phần II Quyết định 587/QĐ-TTg, nội dung đơn giản hóa việc cấp GCN đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp (đề xuất) như sau:
- Bãi bỏ yêu cầu về Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
- Bổ sung yêu cầu người nộp đơn kê khai mã số doanh nghiệp trong tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp để có thể tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và sửa Tờ khai trong hồ sơ.
Lý do:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động về bản chất là tài liệu minh chứng cho việc một tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về luật sư, về hợp tác xã, khoa học và công nghệ... Hiện nay, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, các thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đều đã được ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến việc cần minh chứng cho tư cách pháp lý của doanh nghiệp có thể tra cứu trực tiếp trên Cơ sở dữ liệu này.
- Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu hiện nay chưa đồng bộ, đầy đủ và liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (doanh nghiệp), Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (Văn phòng Luật sư, Công ty Luật, Tổ chức khoa học và công nghệ, Hợp tác xã...).
- Hiện chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, còn cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hoạt động của các văn phòng luật sư, Công ty Luật, Tổ chức khoa học và công nghệ, Hợp tác xã... còn sơ sài và chưa được cập nhật thường xuyên nên việc cơ quan có thẩm quyền ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tra cứu tư cách pháp lý của tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Do vậy, muốn loại bỏ cả bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức trong hồ sơ đề nghị ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thì cần bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng, cập nhật dữ liệu đối với cơ sở quốc gia về đăng ký hoạt động của tổ chức theo Luật Luật sư, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hợp tác xã... và có cơ chế bảo đảm cho các quy định này được thực thi hiệu quả. Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tế hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bãi bỏ yêu cầu về Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Đơn giản hóa việc cấp GCN đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp (đề xuất) (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
- Sửa đổi khoản 2 Mục IV Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung theo các Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN , 18/2011/TT-BKHCN và 04/2012/TT-BKHCN) của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
- Lộ trình: Năm 2023.
- Chi phí tuân thủ trước khi cắt giảm, đơn giản hóa: 9.850.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ sau khi cắt giảm, đơn giản hóa: 9.515.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 335.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 3%.