Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử bao gồm: Doanh nghiệp cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và các dịch vụ khác liên quan đến hóa đơn điện tử.
>> 04 vướng mắc thường gặp khi doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán
1. Để được cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện sau:
Về chủ thể
- Doanh nghiệp này phải được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
- Doanh nghiệp này phải hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Về tài chính
Có cam kết bảo lãnh tín dụng của một tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam về khả năng giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Về nhân sự
Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu.
Có nhân viên kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra 24 giờ trong ngày để duy trì sự ổn định của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử và hỗ trợ người sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử.
Về kỹ thuật
Hệ thống thiết bị, kỹ thuật phải bảo đảm cung cấp dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng hóa đơn điện tử và bảo đảm kết nối an toàn với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, trừ thời gian bảo trì. Thời gian bảo trì không quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ trong một năm; có khả năng cung cấp dịch vụ thông qua các loại thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh của người sử dụng.
Bảo đảm năng lực, khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia.
Có các quy trình thực hiện sao lưu dữ liệu, sao lưu trực tuyến dữ liệu, khôi phục dữ liệu; bảo đảm có khả năng phục hồi dữ liệu kể từ thời điểm hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử gặp sự cố. Lưu trữ chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành với yêu cầu thông điệp dữ liệu điện tử gốc phải được lưu giữ trên hệ thống và được truy cập trực tuyến. Nhật ký giao dịch điện tử phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán kể từ thời điểm thực hiện giao dịch thành công. Bảo đảm các thông tin lưu trữ trong nhật ký giao dịch được tra cứu trực tuyến trong thời gian lưu trữ.
Đáp ứng các yêu cầu về chuẩn kết nối dữ liệu của Bộ Tài chính.
2. Ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế
Tổng cục Thuế sẽ căn cứ những điều kiện trên để ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử với doanh nghiệp.
Đối tượng của hợp đồng này là: cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ truyền, nhận dự liệu hóa đơn.
Trình tự ký hợp đồng:
Sau khi đáp ứng đẩy đủ các điều kiện của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử như trên, doanh nghiệp chuẩn bị những hồ sơ sau gửi đến Tổng cục Thuế bản giấy hoặc bản điện tử:
- Văn bản đề nghị ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử;
- Đề án cung cấp dịch vụ trong đó thể hiện nội dung đáp ứng đầy đủ các điều kiện của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp có đủ điều kiện và kết nối thành công với Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử với doanh nghiệp.
Trên đây là những quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, những quy định này còn mang tính khái quát và chưa cụ thể. Để triển khai những quy định trên vào thực tế cần sự hướng dẫn cụ thể từ những cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Thông tư hướng dẫn từ Bộ Tài chính.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Tài Giỏi