Nhiều doanh nghiệp khi thực hiện vẫn còn gặp lúng túng khi áp dụng chế độ kế toán. Vì vậy, chúng tôi xin gửi đến quý thành viên bài viết về một số vướng mắc thường gặp của doanh nghiệp khi áp dụng chế độ kế toán theo quy định.
>> Toàn văn bộ chứng từ kế toán năm 2019
Việc áp dụng chế độ kế toán cụ thể như sau:
- Thông tư 200/2014/TT-BTC : Áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Tức là doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.
- Thông tư 133/2016/TT-BTC : Áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TRỪ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quý thành viên có thể tham khảo bài viết: Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất.
Ngoài ra, đã chính thức có chế độ kế toán riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, quy định cụ thể tại Thông tư 132/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2019. Tuy nhiên, Doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Quý thành viên có thể tham khảo bài viết: Chính thức có chế độ kế toán riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Như đã đề cập ở vấn đề thứ nhất, doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Căn cứ theo định tại Điều 1 Thông tư 200/2014/TT-BTC :
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.”
Và căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 133/2016/TT-BTC:
“Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2015 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư này thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế.
…”
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa không bắt buộc phải áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa mà có thể lựa chọn chế đố kế toán nào phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Tức là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
Trên thực tế, do nhu cầu phát triển và mở rộng kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi quy mô công ty dẫn đến việc không còn thuộc vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là không còn thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC. Theo đó, những doanh nghiệp này được áp dụng Thông tư 133/2016/TT-BTC cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán (chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ) phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp.
Như đã đề cập ở vấn đề thứ 02, thì doanh nghiệp có thể thay đổi chế độ kế toán nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Theo đó, khi có sự thay đổi từ Thông tư 200/2014/TT-BTC sang Thông tư 133/2016/TT-BTC hoặc ngược lại doanh nghiệp cần nộp công văn đến cơ quan thuế quản lý để thông báo về việc thay đổi chế độ kế toán.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kim Hằng