Trong thời gian làm việc, người lao động (NLĐ) có thể vì lý do nào đó mà gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác. Vậy khi đó, doanh nghiệp hay NLĐ có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại?
>> 07 quy định đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động
>> Hướng dẫn thủ tục để người lao động nhận tiền hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 68
Dù thiệt hại thực tế là lớn hay nhỏ, thì doanh nghiệp và cả NLĐ sẽ không phải bồi thường nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại … 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. |
Trong đó, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên, việc nhận định một sự kiện có phải là sự kiện bất khả kháng hay không vẫn chưa có tiêu chí cụ thể và phụ thuộc tương đối nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi người.
Ví dụ: A là tài xế lái xe tải giao hàng của công ty B. Khi đi giao hàng trong mùa bão, do mưa to làm cản tầm nhìn, A bẻ tay lái nên tông sập tường rào nhà ông C. Trong trường hợp này, sự kiện “mưa to trong mùa bão” được xem là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra thiệt hại. Việc xác định sự kiện này có phải sự kiện bất khả kháng hay không sẽ quyết định việc có phải bồi thường hay không, cụ thể: Nếu xác định đây là sự kiện bất khả kháng, vì A không thể lường trước được trời mưa to gây cản tẩm nhìn của mình khi đang lái xe, A bẻ tay lái theo bản năng thì bên gây thiệt hại không có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, theo một quan điểm khác, A có khả năng biết thời gian đó là mùa bão và sẽ có mưa to thông qua dự báo thời tiết, A có thể tránh được bằng cách điều chỉnh thời gian giao hàng nhưng A vẫn đi giao. Nói cách khác, A có khả năng lường trước được sự việc xảy ra, không đáp ứng điều kiện để là sự kiện bất khả kháng nên trách nhiệm bồi thường vẫn phát sinh. |
Thông thường, những sự kiện sau sẽ được xem là sự kiện bất khả kháng:
- Những hiện tượng thiên tai như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào;
- Các hiện tượng xã hội như chiến tranh, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ;
- Các sự kiện theo thỏa thuận giữa các bên như thiếu nhiên liệu, mất điện, lỗi mạng ...
Như vậy, yếu tố tiên quyết cần xác định khi có thiệt hại là nguyên nhân làm thiệt hại phát sinh có thuộc trường hợp mà người gây thiệt hại không phải bồi thường hay không? Khi trách nhiệm bồi thường phát sinh, ta mới cần xác định tiếp ai sẽ là người đứng ra bồi thường.
Điều 597 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. |
Theo đó, khi xảy ra thiệt hại do NLĐ gây ra, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty TNHH một thành viên và công ty hợp danh có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do NLĐ của công ty gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nếu người này có lỗi trong việc gây thiệt hại, công ty có thể lựa chọn yêu cầu họ hoàn trả một phần khoản tiền đã bồi thường hoặc tự bồi thường mà không yêu cầu hoàn trả. Ngược lại, nếu người này không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm gì đối với việc bồi thường cả.
Như vậy, nếu người lao động gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao thì công ty mới có trách nhiệm bồi thường; nếu người lao động gây thiệt hại trong giờ làm việc, nhưng không phải do nhiệm vụ được công ty giao thì lẽ dĩ nhiên, người đó phải chịu trách nhiệm tự bồi thường cho bên bị thiệt hại, trừ khi giữa người đó và công ty có thỏa thuận khác.
Căn cứ pháp lý: Bộ luật dân sự năm 2015.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: