Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc khi người lái xe dưới bao nhiêu tuổi? – Quang Đăng (TP. Hồ Chí Minh).
>> Mức nồng độ cồn của người lái xe mà công ty bảo hiểm không phải bồi thường
>> Các trường hợp được từ chối bán bảo hiểm bắt buộc năm 2023
Theo quy định điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như sau:
“2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:
…
c) Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.”
Theo đó, tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy, đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, nếu người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi nêu trên thì khi gây tai nạn giao thông làm thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người thứ ba hoặc hành khách trên xe sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Do đó, người lái xe khi yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cần đảm bảo điều kiện về độ tuổi nêu tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu trên.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Điều kiện về độ tuổi lái xe để được bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Việc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được quy định tại Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản:
+ Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018 và năm 2019) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
+ Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
- Mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP (Tra cứu cụ thể mức phí bảo hiểm TẠI ĐÂY).
- Căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP.