PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 3)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 2)
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (gọi là Chuẩn mực kiểm toán số 520) ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, Chuẩn mực kiểm toán số 520 được quy định như sau:
Hướng dẫn đoạn 05(b) Chuẩn mực kiểm toán số 520 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
(i) Độ tin cậy của dữ liệu chịu ảnh hưởng của nguồn gốc, nội dung của dữ liệu và phụ thuộc vào hoàn cảnh mà dữ liệu được thu thập. Do vậy, để xác định liệu dữ liệu có đáng tin cậy cho việc thiết kế các thủ tục phân tích cơ bản hay không, kiểm toán viên cần xem xét những yếu tố sau đây:
- Nguồn gốc của thông tin thu thập được. Ví dụ, theo đoạn A31 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500: Bằng chứng kiểm toán (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), thông tin có thể đáng tin cậy hơn nếu được thu thập từ các nguồn độc lập bên ngoài đơn vị.
- Khả năng so sánh của thông tin thu thập được. Ví dụ, dữ liệu chung cho ngành có thể cần được bổ sung để so sánh được với dữ liệu của một đơn vị sản xuất và bán các sản phẩm đặc thù.
- Nội dung và sự phù hợp của thông tin thu thập được. Ví dụ, liệu dự toán có được lập dựa trên kết quả ước tính thay vì được lập trên cơ sở các mục tiêu phải đạt được hay không.
- Các kiểm soát đối với việc tạo lập thông tin được thiết kế để đảm bảo tính đầy đủ, tính chính xác và tính hợp lệ của thông tin. Ví dụ, các kiểm soát đối với việc lập, soát xét và duy trì dự toán.
(ii) Kiểm toán viên có thể cân nhắc việc kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát, nếu có, đối với việc tạo lập thông tin mà kiểm toán viên sử dụng để thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản để xử lý các rủi ro đã đánh giá. Khi các kiểm soát đó hoạt động hữu hiệu, kiểm toán viên thường tin tưởng hơn vào độ tin cậy của thông tin và do đó cũng tin tưởng hơn vào kết quả của các thủ tục phân tích. Việc kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với thông tin phi tài chính thường được thực hiện kết hợp với các thử nghiệm kiểm soát khác. Ví dụ, khi thiết lập các kiểm soát đối với việc lập hóa đơn bán hàng, đơn vị có thể thiết lập các kiểm soát đối với việc ghi chép số lượng hàng bán. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với việc ghi chép số lượng hàng bán kết hợp với kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với việc lập hóa đơn bán hàng. Hoặc kiểm toán viên có thể xem xét sự cần thiết phải kiểm tra các thông tin sử dụng. Đoạn 10 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500: Bằng chứng kiểm toán (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) quy định và hướng dẫn việc xác định các thủ tục kiểm toán cần thực hiện đối với thông tin được sử dụng cho các thủ tục phân tích cơ bản.
(iii) Các hướng dẫn tại đoạn A12(a) - A12(d) Chuẩn mực kiểm toán số 520 phù hợp cho cả trường hợp kiểm toán viên thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản đối với báo cáo tài chính cuối kỳ của đơn vị hay tại thời điểm giữa kỳ và có kế hoạch thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản cho giai đoạn còn lại. Đoạn 22 - 23 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330: Biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) quy định về các thử nghiệm cơ bản được thực hiện tại thời điểm giữa kỳ.
Chuẩn mực kiểm toán số 520 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 4) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hướng dẫn đoạn 05 (c) Chuẩn mực kiểm toán 520 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Khi đánh giá về việc liệu dự tính được đưa ra có đủ chính xác để xác định một sai sót mà khi kết hợp với các sai sót khác có thể làm cho báo cáo tài chính bị sai sót trọng yếu hay không, các vấn đề liên quan đến đánh giá của kiểm toán viên bao gồm:
- Độ chính xác trong việc dự đoán về các kết quả dự tính của thủ tục phân tích cơ bản. Ví dụ, việc so sánh lãi gộp giữa kỳ này với kỳ khác có thể đạt được độ nhất quán cao hơn so với việc so sánh các chi phí bất kỳ, như chi phí nghiên cứu hoặc chi phí quảng cáo.
- Mức độ thông tin có thể được phân tách. Ví dụ, áp dụng thủ tục phân tích cơ bản đối với thông tin tài chính về các phần riêng lẻ của một hoạt động hoặc đối với báo cáo tài chính của các bộ phận trong một đơn vị đa ngành nghề có thể sẽ hiệu quả hơn so với áp dụng cho báo cáo tài chính tổng thể của đơn vị.
- Mức độ sẵn có của thông tin tài chính và phi tài chính. Ví dụ, kiểm toán viên có thể xem xét liệu có sẵn các thông tin tài chính như kế hoạch hoặc dự toán, và các thông tin phi tài chính như số lượng thành phẩm được sản xuất hoặc bán, để phục vụ cho việc thiết kế các thủ tục phân tích cơ bản hay không. Nếu có sẵn các thông tin này, kiểm toán viên cũng có thể xem xét độ tin cậy của thông tin như đã nêu trong đoạn (i) và (ii) mục 3.2.2 nêu trên.
Quý khách hầng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 5).