PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 2)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (gọi là Chuẩn mực kiểm toán số 520) ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, Chuẩn mực kiểm toán số 520 được quy định như sau:
Hướng dẫn đoạn 05(a) Chuẩn mực kiểm toán số 520 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
(i) Các thủ tục phân tích cơ bản thường dễ áp dụng hơn đối với các khối lượng giao dịch lớn có thể dự đoán được theo thời gian. Việc áp dụng các thủ tục phân tích đã dự kiến dựa trên kỳ vọng có mối quan hệ giữa các dữ liệu và không có thông tin trái ngược liên quan đến mối quan hệ đó. Tuy nhiên, sự phù hợp của một thủ tục phân tích cụ thể sẽ phụ thuộc vào đánh giá của kiểm toán viên về hiệu quả của việc phát hiện một sai sót, mà khi xét riêng lẻ hay kết hợp với các sai sót khác, có thể làm cho báo cáo tài chính chứa đựng sai sót trọng yếu.
Chuẩn mực kiểm toán số 520 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 3) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(ii) Trong một số trường hợp, một mô hình dự đoán không phức tạp có thể cũng hiệu quả như một thủ tục phân tích. Ví dụ, khi đơn vị được kiểm toán có một số lượng nhân viên nhất định được trả một mức lương cố định trong suốt kỳ báo cáo, kiểm toán viên có thể sử dụng dữ liệu này để ước tính tổng chi phí nhân công cho kỳ đó với độ chính xác cao, từ đó cung cấp bằng chứng kiểm toán cho một khoản mục quan trọng trên báo cáo tài chính và giảm sự cần thiết phải thực hiện kiểm tra chi tiết trên bảng lương. Các tỷ suất thương mại được chấp nhận rộng rãi (ví dụ tỷ lệ lãi gộp cho các loại hình doanh nghiệp bán lẻ khác nhau) có thể được sử dụng hiệu quả trong các thủ tục phân tích cơ bản để cung cấp bằng chứng chứng minh tính hợp lý của các số liệu được ghi nhận.
(iii) Các loại thủ tục phân tích khác nhau có các mức độ đảm bảo khác nhau. Các thủ tục phân tích, ví dụ dự đoán tổng thu nhập từ việc cho thuê một tòa nhà chung cư, trong đó có tính đến giá cho thuê, số lượng căn hộ và tỷ lệ các căn hộ trống, có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục và có thể loại bỏ sự cần thiết phải xác minh thêm bằng các kiểm tra chi tiết, với điều kiện là các yếu tố được xác minh một cách phù hợp. Trái lại, việc tính toán và so sánh các tỷ lệ lãi gộp để xác nhận số liệu về doanh thu có thể cung cấp bằng chứng ít thuyết phục hơn, nhưng lại cung cấp bằng chứng chứng thực hữu ích nếu được sử dụng kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác.
(iv) Đặc điểm của các cơ sở dẫn liệu và đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu có ảnh hưởng đến việc xác định tính phù hợp của các thủ tục phân tích cơ bản cụ thể. Ví dụ, nếu có khiếm khuyết trong các kiểm soát đối với quy trình xử lý đơn đặt hàng, kiểm toán viên có thể tập trung nhiều hơn vào kiểm tra chi tiết thay vì thủ tục phân tích cơ bản đối với các cơ sở dẫn liệu liên quan đến các khoản phải thu.
(v) Các thủ tục phân tích cơ bản cụ thể cũng có thể được coi là phù hợp khi kiểm toán viên thực hiện kiểm tra chi tiết cho cùng một cơ sở dẫn liệu. Ví dụ, khi thu thập bằng chứng kiểm toán liên quan đến cơ sở dẫn liệu là “tính đánh giá” của số dư các khoản phải thu, kiểm toán viên có thể áp dụng thủ tục phân tích tuổi nợ của các khoản phải thu ngoài việc kiểm tra chi tiết các khoản thu tiền sau ngày khoá sổ để xác định khả năng thu hồi các khoản phải thu.
(vi) Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công:
Khi kiểm toán các đơn vị kinh doanh, kiểm toán viên thường xem xét mối quan hệ giữa các khoản mục riêng lẻ của báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc xem xét này có thể không phù hợp khi kiểm toán các đơn vị trực thuộc Chính phủ hoặc các đơn vị trong lĩnh vực công không kinh doanh, ví dụ các đơn vị trong lĩnh vực công ít khi có mối quan hệ trực tiếp giữa doanh thu và chi phí. Hơn nữa, do các khoản chi mua tài sản không được vốn hóa, có thể không có mối liên hệ giữa các chi phí như chi phí hàng tồn kho và tài sản cố định với giá trị của các tài sản đó được báo cáo trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, trong lĩnh vực công có thể không có số liệu của ngành hoặc các số liệu thống kê cho mục đích so sánh. Tuy nhiên, các mối quan hệ khác có thể phù hợp để xem xét, ví dụ biến động trong chi phí trên mỗi kilomet đường xây dựng hoặc số lượng xe mua mới so với số lượng xe ngừng sử dụng.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 520: Thủ tục phân tích (Phần 4).