PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán (Phần 15)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán (Phần 2)
Căn cứ theo Hệ thống kiểm toán Việt Nam chuẩn mực kiểm toán 210: Hợp đồng kiểm toán (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 210) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), sau đây là các nội dung tiếp theo của chuẩn mực kiểm toán số 210:
Hướng dẫn đoạn 18 Chuẩn mực kiểm toán 210 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC):
Ngoài các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành, pháp luật và các quy định có thể đặt ra các yêu cầu bổ sung liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Khi đó, theo mục tiêu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng phải bao gồm cả khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đã xác định và các quy định bổ sung theo yêu cầu của pháp luật, với điều kiện các quy định bổ sung này không mâu thuẫn với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đã xác định. Ví dụ, pháp luật và các quy định có thể yêu cầu trình bày thêm các thuyết minh ngoài các yêu cầu của chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính, hoặc pháp luật và các quy định có thể hạn chế sự lựa chọn các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính. Theo quy định tại đoạn 15 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu báo cáo tài chính có tham chiếu đến hoặc mô tả đầy đủ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.
Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán (Phần 16) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hướng dẫn đoạn 19 Chuẩn mực kiểm toán số 210 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC):
Pháp luật và các quy định có thể yêu cầu ý kiến kiểm toán bắt buộc phải sử dụng cụm từ “phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu”, kể cả trong trường hợp kiểm toán viên kết luận rằng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng theo yêu cầu của pháp luật và các quy định là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, các thuật ngữ bắt buộc phải sử dụng trong báo cáo kiểm toán có sự khác biệt đáng kể so với quy định của các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (xem đoạn 21 Chuẩn mực kiểm toán số 210 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Hướng dẫn đoạn 21 Chuẩn mực toán số 210 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC):
Theo quy định tại đoạn 20 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không được tuyên bố là đã tuân thủ chuẩn mực kiểm toán Việt Nam nếu không đảm bảo tuân thủ toàn bộ các chuẩn mực liên quan đến cuộc kiểm toán. Nếu pháp luật và các quy định có yêu cầu về hình thức và nội dung của báo cáo kiểm toán hoàn toàn khác so với quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và kiểm toán viên xét thấy việc trình bày bổ sung trong báo cáo kiểm toán cũng không thể giúp người sử dụng hiểu đúng, kiểm toán viên cần cân nhắc việc bổ sung trong báo cáo kiểm toán một đoạn nói rằng cuộc kiểm toán đã không được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Trường hợp này, mặc dù báo cáo kiểm toán không được phép tuyên bố là đã tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kiểm toán viên vẫn được khuyến khích áp dụng các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kể cả các chuẩn mực về báo cáo kiểm toán, trong quá trình kiểm toán.
Khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công, theo yêu cầu của pháp luật, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể phải báo cáo trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước hoặc công chúng nếu đơn vị được kiểm toán có hành vi gây hạn chế phạm vi kiểm toán.
Quý khách hàng click >> VÀO ĐÂY để quay lại từ đầu.