Chế độ tử tuất là một trong các chế độ của BHXH nhằm bù đắp phần thu nhập của NLĐ dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc các chi phí khác phát sinh do NLD đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng BHXH bị chết
>> Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
>> Sau khi nghỉ việc, NLĐ tự đóng BHYT như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng.
Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng
Cũng theo quy định này, không phải người lao động nào chết thì người lo mai táng cũng được nhận trợ cấp mai táng mà trợ cấp mai táng chỉ áp dụng với:
- Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
- Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.
Lưu ý: Những lao động nêu trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.
Mức hưởng trợ cấp mai táng
Khoản 2 Điều này nêu rõ:
Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.
Hiện nay mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Nếu người lao động chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 x 1,49 triệu đồng = 14,9 triệu đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm:
- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Lưu ý:
Ngoại trừ con thì những thân nhân khác phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp ưu đãi người có công).
Hiện tại, mức thu nhập phải thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng.
Theo khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngoài việc đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng thì người lao động còn phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì thân nhân mới được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Cụ thể:
- Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần;
- Đang hưởng lương hưu;
- Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Hiện tại, mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân bằng 50% x 1.490.000 đồng/tháng = 745.000 đồng/tháng; với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng bằng 70% x 1.490.000 đồng/tháng = 1.043.000 đồng/tháng.
Lưu ý:
- Một người lao động chết thì tối đa 04 thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp có 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp nêu trên.
- Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi bố chết mà mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.
Tương tự trợ cấp tuất hàng tháng, khoản 1 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần khi người lao động thuộc một trong các trường hợp:
- Người lao động chết không thuộc các trường hợp để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
- Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng nhưng lại không có thân nhân đủ điều kiện hưởng;
- Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất 1 lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Người lao động chết mà không có thân nhân (con đẻ, con nuôi, vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, cha vợ/chồng, mẹ vợ/chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng) thì trợ cấp tuất 1 lần được thực hiện theo pháp luật thừa kế.
Mức trợ cấp tuất 1 lần được quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
* Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:
Mức trợ cấp tuất 1 lần | = | 1,5 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH trước 2014 | + | 2 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH sau 2014 |
Lưu ý:
- Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 - 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 - 11 tháng được tính là 01 năm. Trường hợp tính đến trước 01/01/2014, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ 01/01/2014.
* Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
Mức trợ cấp tuất 1 lần | = | 48 x Lương hưu | - | 0,5 x (Số tháng đã hưởng lương hưu - 2) x Lương hưu |
Lưu ý: Mức trợ cấp tuất 1 lần thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
Căn cứ pháp lý: