Hiện nay, những công việc nào được pháp luật quy định là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động? – Trung Kiên (Tây Ninh).
>> Quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ 2023
>> Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH năm 2023
Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể 32 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động như sau:
(1) Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH.
(2) Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
(3) Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ.
(4) Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động các máy, thiết bị gồm:
- Búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm.
- Máy bơm vữa, trộn vữa, máy phun vữa, máy phun bê tông.
- Máy mài, cắt, tạo nhám bê tông.
- Máy phá dỡ đa năng; máy khoan cầm tay.
- Trạm trộn bê tông, trạm nghiền, sàng vật liệu xây dựng.
- Máy xúc, đào, ủi, gạt, san, lu, đầm.
- Vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động 2023
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(5) Trực tiếp lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, cưa, máy phay, máy bào, máy tiện, uốn, xẻ, cắt, xé chặt, đột, dập, đục, đập, tạo hình, nạp liệu, ra liệu, nghiền, xay, trộn, cán, ly tâm, sấy, sàng, sàng tuyển, ép, xeo, chấn tôn, tráng, cuộn, bóc vỏ, đóng bao; các loại kích thủy lực; máy đánh bóng, đánh nhám, băng chuyền, băng tải, súng bắn nước, súng khí nén; máy in công nghiệp.
(6) Trực tiếp làm khuôn đúc, luyện, đúc, tẩy rửa, mạ, làm sạch bề mặt kim loại; chế biến kim loại; các công việc luyện quặng, luyện cốc; làm các công việc ở khu vực lò quay sản xuất xi măng, lò nung hoặc buồng đốt vật liệu chịu lửa, luyện đất đèn; vận hành, sửa chữa, kiểm tra, giám sát, cấp liệu, ra sản phẩm, phế thải các lò thiêu, lò nung, lò luyện.
(7) Làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.
(8) Công việc trên sông, trên biển, trên mặt nước, trên các nhà giàn, lặn, giám thị lặn; chế tạo, đóng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hầm tàu, phương tiện thủy.
(9) Công việc tiếp xúc bức xạ ion hóa, phóng xạ, hạt nhân; vận hành máy soi, chiếu, chụp có sử dụng bức xạ hạt nhân, điện từ trường.
(10) Công việc tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 3KHz trở lên.
(11) Điều tra quy hoạch rừng; khảo sát địa chất, địa hình, thực địa biển, địa vật lý; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí; chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền.
(12) Các công việc xây dựng gồm:
- Giám sát thi công.
- Khảo sát xây dựng.
- Thi công, lắp đặt đối với công trình.
- Sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ công trình.
- Bảo hành, bảo trì công trình.
- Vận hành, chạy thử công trình.
(13) Làm việc trong không gian hạn chế hoặc có khả năng phát sinh các khí độc như hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống và các công trình ngầm; vận hành, bảo dưỡng các loại đường ống khí; các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại , xử lý nước thải, rác thải, thông tắc cống.
(14) Các công việc vận hành, bảo trì, sửa chữa, thử nghiệm, kiểm định an toàn thiết bị điện, đường dây dẫn điện, nhà máy điện; vận hành trạm nạp ắc quy, sửa chữa, bảo dưỡng ắc quy.
(15) Công việc hàn, cắt kim loại.
(16) Trực tiếp vận hành tàu hỏa, tàu điện; lái, sửa chữa, bảo hành xe ô tô các loại.
(17) Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa.
(18) Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.
(19) Trực tiếp sản xuất, chế biến da, lông vũ; công việc nhuộm; chế biến tơ tằm.
(20) Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên.
(21) Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên.
(22) Khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm.
(23) Kiểm nghiệm, sản xuất thuốc thú y; giữ giống bảo tồn gien, chủng vi sinh vật, ký sinh trùng; diệt khuẩn, khử trùng môi trường; kiểm định thực phẩm, khử trùng.
(24) Trực tiếp giết mổ động vật, chăm sóc, chăn nuôi các động vật lớn trong cơ sở sản xuất kinh doanh; nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, các loại thú dữ, rắn, cá sấu và tiêu hủy các động vật dịch.
(25) Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
(26) Trực tiếp chế biến mủ cao su, nhựa thông.
(27) Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa.
(28) Diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp.
(29) Làm việc với các thiết bị màn hình máy tính bao gồm: kiểm soát không lưu, điều hành, điều khiển từ xa thông qua màn hình.
(30) Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng.
(31) Các công việc đặc thù trong lĩnh vực quân sự thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
(32) Trực tiếp vận hành máy có động cơ trong nông nghiệp gồm: máy tuốt, máy gặt, máy bừa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm nước.
Tại Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động và huấn luyện định kỳ như sau:
Huấn luyện cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn có hiệu lực, người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu. Người làm công tác y tế thực hiện việc cập nhật kiến thức theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Huấn luyện định kỳ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Người lao động thuộc nhóm 4 được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm 01 lần để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
Huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc; thay đổi về thiết bị, công nghệ và huấn luyện sau thời gian nghỉ làm việc:
- Thay đổi công việc hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ: Trước khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới hoặc thiết bị, công nghệ mới.
Trường hợp đối tượng đã được huấn luyện trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.
- Trở lại làm việc sau thời gian nghỉ làm việc.
Cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 06 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động được huấn luyện lại nội dung như đối với huấn luyện lần đầu. Thời gian huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.