Bổ sung thêm trường hợp mới về chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại Thông tư 68/2024/TT-BTC áp dụng từ ngày 02/11/2024.
Theo đó, ngày 18/09/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/11/2024. Trong đó, bổ sung trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 68/2024/TT-BTC.
Trường hợp mới được bổ sung về chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán, căn cứ điểm q1 khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 68/2024/TT-BTC) quy định về các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư 119/2020/TT-BTC.
Cụ thể là chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 35a Thông tư 119/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 68/2024/TT-BTC) sang tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức trong trường hợp việc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 9a Thông tư 120/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 68/2024/TT-BTC) không thực hiện được do giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch thỏa thuận tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu.
File word Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Bổ sung trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo nội dung quy định tại Mục 1 nêu trên, như vậy kể từ ngày 02/11/2024 sẽ bao gồm tổng cộng 18 trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư 119/2020/TT-BTC. Cụ thể là các trường hợp sau đây:
(i) Tặng cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
(ii) Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(iii) Tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định pháp luật về cổ phần hóa; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông, mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
(iv) Chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.
(v) Nhà đầu tư ủy thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư ủy thác bằng tài sản; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác trong trường hợp có thay đổi điều khoản tương ứng trong hợp đồng ủy thác đầu tư; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoàn trả nhà đầu tư ủy thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý; chuyển quyền sở hữu giữa các công ty quản lý quỹ quản lý tài sản của cùng một nhà đầu tư ủy thác theo yêu cầu của nhà đầu tư đó.
(vi) Chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án.
(vii) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; giải thể doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định pháp luật.
(viii) Chào mua công khai; chuyển nhượng vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch theo phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ theo quy định của pháp luật; chuyển quyền sở hữu do cổ đông của công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua hình thức đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán.
(ix) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ trong giao dịch hoán đổi với quỹ hoán đổi danh mục; chuyển quyền sở hữu chứng khoán phục vụ phát hành hoặc hủy chứng chỉ lưu ký trong giao dịch giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài.
(x) Chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước; chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
(xi) Chuyển quyền sở hữu trong hoạt động vay và cho vay chứng khoán theo quy định tại Điều 40 Thông tư này gồm chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ bên cho vay sang bên vay và ngược lại hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm là chứng khoán từ bên vay chứng khoán sang bên cho vay chứng khoán trong trường hợp bên vay bị mất khả năng hoàn trả khoản vay; chuyển quyền sở hữu chứng khoán để xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán.
(xii) Chuyển quyền sở hữu do xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thực hiện phong tỏa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Thông tư 119/2020/TT-BTC. Trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
(xiii) Chuyển nhượng cổ phiếu ưu đãi không bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; chuyển quyền sở hữu chứng khoán do phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
(xiv) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán cơ sở để thực hiện chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ theo phương thức chuyển giao chứng khoán cơ sở.
(xv) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể quỹ đầu tư chứng khoán; thành lập, tăng vốn điều lệ công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ; tăng, giảm vốn điều lệ quỹ thành viên; chuyển quyền sở hữu chứng khoán khi quỹ trả bằng chứng khoán trong hoạt động mua bán lại của quỹ mở.
(xvi) Chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 35a Thông tư 119/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 68/2024/TT-BTC) sang tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức trong trường hợp việc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 9a Thông tư 120/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 68/2024/TT-BTC) không thực hiện được do giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch thỏa thuận tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu.
(xvii) Chuyển quyền sở hữu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau trong trường hợp đã đạt mức tối đa về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu đó và mức giá thỏa thuận giữa các bên cao hơn giá trần của cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại thời điểm thực hiện giao dịch.
(xviii) Các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán khác sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
>> Trên bảng giá chứng khoán cần lưu ý 06 chỉ số thị trường phổ biến nhất