05 trường hợp giải thể cơ sở giáo dục đại học từ ngày 20/11/2024 được quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
>> Trường hợp thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học từ 20/11/2024
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Giáo dục đại học 2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14), cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm:
- Đại học.
- Trường đại học.
- Cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong đó, Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
(i) Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu.
(ii) Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Lưu ý:
- Cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đại học; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phân lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.
- Chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
- Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
05 trường hợp giải thể cơ sở giáo dục đại học từ ngày 20/11/2024 (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 103 Nghị định 125/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/11/2024), cơ sở giáo dục đại học bị giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học.
(ii) Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.
(iii) Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương.
(iv) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học.
(v) Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không thực hiện đúng cam kết thể hiện trong đề án được phê duyệt.
Căn cứ khoản 3 Điều 103 Nghị định 125/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/11/2024), hồ sơ giải thể cơ sở giáo dục đại học gồm:
(i) Cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học bị giải thể theo quy định tại khoản (iv) Mục 2:
- Tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học của cơ quan quản lý có thẩm quyền (đối với cơ sở giáo dục đại học công lập) hoặc của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học (đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục) (theo Mẫu số 10 Phụ lục III kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP). (em chèn link sau)
- Đề án giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học (theo Mẫu số 11 Phụ lục III kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP).
(ii) Cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học bị giải thể theo quy định tại các khoản (i), (ii), (iii), (v) Mục 2:
- Báo cáo kèm minh chứng về các vi phạm của trường.
- Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan.
Xem chi tiết tại bài viết: Các trường hợp đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học từ 20/11/2024