Dưới đây là quy định về trường hợp được thanh toán tiền khi không nghỉ hết phép năm 2024 và cách tính phép năm trong một số trường hợp đặc biệt.
>> Phương án nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và một số dịp nghỉ lễ khác năm 2025
>> Chính thức: Nghỉ Tết Âm lịch 2025 9 ngày liên tục
Căn cứ khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Như vậy, 02 trường hợp được thanh toán tiền khi không nghỉ hết phép năm 2024 là:
- Thôi việc.
- Bị mất việc làm.
Tuy nhiên, tại Công văn 514/ATLĐ-CSBHLĐ năm 2021 về thanh toán ngày nghỉ hằng năm, Cục trưởng Cục An toàn Lao động có nêu:
Đối với trường hợp người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm mà không thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 3 Điều 113 trên, nếu người sử dụng lao động thỏa thuận thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ trong những trường hợp này theo hướng có lợi hơn cho người lao động được khuyến khích theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động.
Tóm lại, có 02 trường hợp công ty phải thanh toán tiền nghỉ phép năm 2024 chưa nghỉ hết là người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. Trường hợp công ty và người lao động có thỏa thuận về việc thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ theo hướng có lợi hơn cho người lao động thì được khuyến khích.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Trường hợp người lao động được thanh toán tiền khi không nghỉ hết phép năm 2024
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, quy định số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau:
(i) Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một công ty thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc: đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
- 14 ngày làm việc: đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- 16 ngày làm việc: đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
(ii) Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một công ty thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Bên cạnh đó, ngày nghỉ hằng năm sẽ tăng thêm theo thâm niên làm việc, cứ đủ 05 năm làm việc cho một công ty thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động tại khoản (i) được tăng thêm tương ứng 01 ngày (theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quy định cách tính phép năm trong một số trường hợp đặc biệt.
(i) Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng theo quy định tại khoản (ii) Mục 2 được tính như sau:
Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.
(ii) Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 Bộ luật Lao động 2019) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
(iii) Toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được tính là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch).
- Tết Âm lịch: 05 ngày.
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch).
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).
Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ (theo khoản 2 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019).