Xóa án tích là gì? Thời hạn xóa án tích? Người lao động nước ngoài chưa được xóa án tích không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam?
Xóa án tích là gì?
Theo Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Theo đó có thể hiểu xóa án tích là một quy định pháp lý cho phép một người đã bị kết án hình sự được coi như chưa từng bị kết án sau khi đã chấp hành xong các hình phạt và đáp ứng các điều kiện nhất định. Điều này giúp người đó có cơ hội làm lại cuộc đời và hòa nhập với cộng đồng mà không bị ảnh hưởng bởi án tích trong quá khứ.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 thì có ba trường hợp xóa án tích chính:
- Đương nhiên xóa án tích: Áp dụng cho những người đã chấp hành xong hình phạt chính và không phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định.
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Áp dụng cho những trường hợp không thuộc diện đương nhiên xóa án tích nhưng có thể được Tòa án xem xét và quyết định.
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: Áp dụng cho những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Xóa án tích là gì? Thời hạn xóa án tích? Người lao động nước ngoài chưa được xóa án tích không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Thời hạn xóa án tích là bao lâu?
Theo Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Cách tính thời hạn để xóa án tích
1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
3. Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
Theo đó thời hạn xóa án tích được quy định như sau:
- Đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015 khi hết thời hiệu thi hành bản án hoặc họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung (nếu có), các quyết định khác của bản án (nếu có) và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian quy định thì đương nhiên được xóa án tích, cụ thể:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
- 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Lưu ý: trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định trên (theo Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015).
Người lao động nước ngoài chưa được xóa án tích sẽ không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam đúng không?
Theo Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Theo đó người lao động nước ngoài muốn vào làm việc tại Việt Nam thì không được là người chưa được xóa án tích. Như vậy chưa được xóa án tích thì người lao động nước ngoài sẽ không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?