Tổng hợp mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 chi tiết nhất như thế nào?
Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 là bao nhiêu?
Mức đóng Bảo hiểm xã hội là tỷ lệ phần trăm của tiền lương tháng mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội khi có nhu cầu. Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 được quy định theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 hiện tại vẫn đang được giữ nguyên theo mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2023 và chưa có sự điều chỉnh đối với cả người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
(1) Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024
Theo những quy định tại:
- Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
- Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
- Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017;
- Điều 12 Nghị định 143/2018/NĐ-CP
- Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: doanh nghiệp được áp dụng mức đóng BHTNLĐ-BNN là 0,3% nếu doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất;
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024 được thực hiện như sau:
Tải Bảng mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 chi tiết: Tại đây
(2) Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2024
Theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng
Trong đó: Mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ do người lao động tự chọn nhưng phải đảm bảo:
- Mức thấp nhất là 1.500.000 đồng (bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP). Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu là 330.000 đồng/tháng.
- Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 theo quy định tại Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là 36.000.000 đồng/tháng.
Mức nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm:
TT | Đối tượng | Mức đóng thấp nhất hàng tháng khi chưa hỗ trợ | Phần trăm Nhà nước hỗ trợ | Số tiền Nhà nước hỗ trợ hàng tháng | Mức đóng thấp nhất hàng tháng sau khi Nhà nước hỗ trợ |
1 | Người thuộc hộ nghèo | 330.000 đồng | 30% | 99.000 đồng | 231.000 đồng |
2 | Người thuộc hộ cận nghèo | 330.000 đồng | 25% | 82.500 đồng | 247.500 đồng |
3 | Người thuộc đối tượng khác | 330.000 đồng | 10% | 33.000 đồng | 297.000 đồng |
Tổng hợp mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 chi tiết nhất như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội có phải là tiền lương thực nhận hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm các khoản sau:
- Mức lương;
- Phụ cấp lương;
- Các khoản bổ sung khác xác định được số tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Các khoản tiền này phải được thỏa thuận rõ và ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Thực tế, khi trả lương cho người lao động, ngoài khoản tiền lương cố định trả cho người lao động hằng tháng, doanh nghiệp còn phát sinh thêm một số khoản khác phải trả cho nhân viên. Những khoản này có thể được tính đóng bảo hiểm xã hội hoặc không.
Như vậy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không phải là lương thực nhận mà mức lương và các khoản phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng lao động đã được thỏa thuận ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng có quy định thêm về các khoản không tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như:
- Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa sẽ được tính như sau:
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa là: 20 x 1.800.000 = 36.000.000 đồng/tháng.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 948/QĐ-BHXH năm 2023, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng 2023 tương ứng với từng vùng như sau:
Vùng 1: 4.680.000 đồng/tháng;
Vùng 2: 4.160.000 đồng/tháng;
Vùng 3: 3.640.000 đồng/tháng;
Vùng 4: 3.250.000 đồng/tháng.
Trước đây, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP (hết hiệu lực vào ngày 1/7/2022), mức lương tối thiểu trả người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Tuy nhiên, Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã chính thức bị thay thế bởi Nghị định 38/2022/NĐ-CP từ ngày 01/7/2022. Trong khi đó, Nghị định 38/2022/NĐ-CP lại không có nội dung nào ghi nhận việc phải trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng theo tháng chỉ là mức lương thấp nhất trả lương cho người lao động được trả lương theo tháng khi đã làm đủ thời giờ làm việc bình thường và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Nhằm hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023, với nội dung đáng chú ý sau:
3. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng:
...
- Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đã qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, với các hợp đồng lao động đã thực hiện trước ngày 01/7/2022 mà có nội dung thỏa thuận về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% thì người lao động sẽ đương nhiên được trả lương cao hơn 7% như đã cam kết.
Còn với các hợp đồng lao động, thỏa thuận ký và thực hiện từ ngày 01/7/2022 thì không bắt buộc phải thỏa thuận trả lương cao hơn tối thiểu 7% so với lương tối thiểu vùng cho người làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo nhưng vẫn phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Như vậy, tiền lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được tính như bảng dưới đây: (đơn vị: đồng/tháng)
Vùng | Người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường | Người lao động làm công việc hoặc chức danh đã qua học nghề, đào tạo nghề (Áp dụng cho hợp đồng ký trước ngày 1/7/2022. Sau ngày 1/7/2022 chỉ áp dụng mức lương này nếu có thỏa thuận) |
Vùng I | 4.680.000 | 5.007.600 |
Vùng II | 4.160.000 | 4.451.200 |
Vùng III | 3.640.000 | 3.894.000 |
Vùng IV | 3.250.000 | 3.477.000 |
Lưu ý: Mức tiền lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc này chỉ áp dụng đến trước ngày 1/7/2024. Từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên 6% theo như phương án đã đề ra của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Do đó, mức tiền lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng sẽ tăng theo.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?