Thử việc có được tham gia bảo hiểm y tế hay không? Mức đóng BHYT của người lao động thay đổi qua các năm như thế nào?
Thử việc có được tham gia bảo hiểm y tế hay không?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
...
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
...
Theo đó, nếu người lao động giao kết việc thử việc trong hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thì mới thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Thử việc có được tham gia bảo hiểm y tế hay không? Mức đóng BHYT của người lao động thay đổi qua các năm như thế nào?
Mức đóng BHYT của người lao động thay đổi qua các năm như thế nào?
Đầu tiên, tại Điều 6 Nghị định 218-CP năm 1961 đã có quy định về việc công nhân, viên chức Nhà nước khi ốm đau được khám bệnh và điều trị tại những cơ sở y tế của Nhà nước và mọi chi phí về khám bệnh, thuốc men và bồi dưỡng do Nhà nước đài thọ.
Theo tinh thần đó thì 15/8/1992 Bảo hiểm y tế đã được xuất hiện bằng văn bản chính thức tại Điều lệ Bảo hiểm y tế được ban hành kèm theo Nghị định 299-HĐBT năm 1992 và được phát triển dần trở thành Luật Bảo hiểm y tế 2008.
Thời gian | Mức đóng hằng tháng | Căn cứ pháp lý |
Từ 01/12/2018 | 4,5% | Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP |
Từ 01/01/2015 | 4,5% | Khoản 1 Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP |
Từ 01/01/2010 | 4,5% | Khoản 2 Điều 3 Nghị định 62/2009/NĐ-CP |
Từ 01/07/2009 | 3% | Khoản 1 Điều 3 Nghị định 62/2009/NĐ-CP |
Từ 01/07/2005 | 3% | Khoản 1 Điều 15 Nghị định 63/2005/NĐ-CP |
Từ 27/09/1998 | 3% | Khoản 1 Điều 12 Nghị định 58/1998/NĐ-CP |
Từ 01/10/1992 | 3% | Điều 8 Nghị định 299-HĐBT năm 1992 |
Theo đó, từ 01/10/1992 đến nay, mức đóng BHYT cơ bản không có sự thay đổi nhiều, chỉ thay đổi một lần duy nhất vào 01/01/2010 từ 3% lên 4,5% trên 1 tháng và được giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3 mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng.
Như vậy, người lao động khi tham gia BHYT thì hằng tháng phải đóng 1,5% tiền lương tháng của người lao động.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHYT là gì?
Gần đây, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đang chờ để được thông qua. Theo khoản 1 Điều 15 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế có quy định như sau:
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế
1. Đối với người lao động thuộc đối tượng làm công hưởng lương, căn cứ để đóng bảo hiểm y tế theo qui định của Luật BHXH.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được hướng dẫn bởi khoản 2, khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) về tiền lương tháng đóng bảo hiểm như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
...
Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế sẽ được tính giống như tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Bên cạnh đó, tiền lương tháng đóng BHYT sẽ không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Theo quy định hiện nay tại khoản 2 Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế
...
2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
...
Như vậy, hiện nay người lao động đóng bảo hiểm y tế dựa theo tiền lương, tiền công được ghi trong hợp đồng lao động.
Nếu Dự thảo được thông qua thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế sẽ được quy định khác đi, một cách cụ thể, rõ ràng hơn, giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng trong việc tham gia BHYT hơn.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?