Thời gian thực tập có được xem như thời gian thử việc hay không? Có được phép yêu cầu người lao động thử việc sau khi đã thực tập hay không?
Phân biệt thực tập và thử việc như thế nào?
Hiện nay không có văn bản quy định về chế độ thực tập, còn Bộ luật Lao động 2019 quy định về chế độ thử việc.
Có thể phân biệt 2 chế độ dựa trên các tiêu chí sau:
Tiêu chí | Thử việc | Thực tập |
Khái niệm | Thử việc là khoảng thời gian làm việc tại một công ty, tổ chức nhằm đánh giá trình độ, năng lực trước khi được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức. | Thực tập là nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, kinh nghiệm và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên |
Công việc | Công việc sẽ được thoả thuận trong hợp đồng thử việc. Thông thường, trong quá trình thử việc, bạn sẽ được giao những công việc tương tự như khi làm chính thức | Công việc trong quá trình thực tập cũng được thoả thuận trước giữa hai bên. Ngoài ra, trong quá trình thực tập, cũng có thể có những công việc phát sinh theo sự phân công của quản lý. |
Thời gian | Thời gian thử việc tùy vào tính chất, mức độ phức tạp của công việc theo quy định Điều 25 Bộ luật Lao động | Thời gian thực tập thường là 2 – 6 tháng. |
Tiền lương | Người lao động tham gia thử việc được trả lương tối thiểu bằng 85% lương chính thức. | Có thể thỏa thuận về việc hưởng phụ cấp thực tập và các khoản hỗ trợ khác. |
Quyền lợi | Sau thời gian thử việc, nếu đạt yêu cầu, người lao động được ký hợp đồng làm việc chính thức. Trong thời gian thử việc, nhân viên được hưởng các quyền lợi gì phụ thuộc vào chính sách của từng công ty. | Sau thời gian thực tập, nếu đạt yêu cầu, người lao động có thể được lên làm chính thức. Quyền lợi của thực tập sinh phụ thuộc vào chính sách của công ty. |
Như vậy, có thể thấy bản chất của hoạt động thực tập và thử việc là khác nhau.
Trong khi thực tập là hoạt động thường niên của sinh viên nhằm trải nghiệm công việc thực tế trước khi tốt nghiệp và ra trường thì thử việc là việc người lao động thực hiện công việc trong thời gian nhất định trước khi tiến tới ký hợp đồng lao động chính thức.
Thời gian thực tập có được xem như thời gian thử việc hay không? Có được phép yêu cầu người lao động thử việc sau khi đã thực tập hay không?
Thời gian thực tập có được xem như thời gian thử việc hay không?
Như đã phân tích ở trên, thực tập và thử việc là hai vị trí khác nhau và với mỗi vị trí sẽ có công việc khác nhau, quyền lợi được hưởng khác nhau.
Hiện nay cũng chưa văn bản quy phạm pháp luật nào quy định người lao động đã thực tập ở công ty thì không cần phải thử việc nữa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
...
Như vậy, sau khoảng thời gian dài bạn thực tập, nếu bạn thể hiện tốt, đạt các yêu cầu công ty đặt ra, bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để ký hợp đồng lao động chính thức và bỏ qua giai đoạn thử việc.
Nếu công ty vẫn yêu cầu bạn phải thử việc trong một thời gian rồi mới ký hợp đồng lao động chính thức thì vẫn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật lao động hiện hành.
Khi hết thời gian thử việc công ty có thể yêu cầu người lao động thử việc lần 2 hay không?
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, pháp luật quy định được thử việc một lần đối với một công việc, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động thử việc lần 2 với công việc giống lần thử việc đầu tiên là trái với quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
...
Và quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động thử việc quá 1 lần với một công việc sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt sẽ nhân 2 lần
Đồng thời, người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động với thời gian đã làm việc vượt quá thời gian thử việc.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?