Thay đổi mức lương thì có phải ký lại hợp đồng lao động không?
Thay đổi mức lương thì có phải ký lại hợp đồng lao động không?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Theo đó, mức lương là một trong những nội dung phải có trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Phụ lục hợp đồng lao động
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Như vậy, khi thay đổi về tiền lương của người lao động thì người sử dụng lao động có thể giao kết bằng phụ lục hợp đồng lao động và ghi rõ nội dung thay đổi (mức lương mới là bao nhiêu) và thời điểm áp dụng. Cho nên không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động mới khi thay đổi mức lương của người lao động.
Thay đổi mức lương thì có phải ký lại hợp đồng lao động không? (Hình từ Internet)
Mức lương cơ bản của người lao động năm 2023 là bao nhiêu?
Mức lương cơ bản có thể hiểu là mức lương tối thiểu người lao động nhận được.
Do đó, mức lương cơ bản hiện nay sẽ được chia ra thành 02 nhóm đối tượng như sau:
* Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho các doanh nghiệp, cá nhân:
Lương cơ bản của người lao động làm việc trong doanh nghiệp được xác định theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình tại khu vực mà họ sinh sống, làm việc.
Trong khi đó, lương cơ bản là lương trong hợp đồng lao động và do các bên thỏa thuận với nhau. Chính vì thế, lương cơ bản sẽ có mức thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
+ Vùng I: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.
+ Vùng II: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 20.000 đồng/giờ.
+ Vùng III: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 17.500 đồng/giờ.
+ Vùng IV: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.250.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 15.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu đang được áp dụng từ 01/7/2022 đến nay và chưa có sự thay đổi.
* Đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước:
Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức chính là tích của lương cơ sở và hệ số lương theo công thức sau:
Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương
Năm 2023, mức lương cơ sở có sự điều chỉnh tại thời điểm 01/7/2023, nên mức lương cơ bản cũng sẽ được điều chỉnh tăng:
Trước 01/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,49 triệu đồng/tháng x hệ số lương (Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Từ 01/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,8 triệu đồng/tháng x hệ số lương (Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
Người lao động có thể nhận lương bằng những hình thức nào?
Căn cứ Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hình thức trả lương
1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, người lao động có thể thỏa thuận về hình thức trả lương. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Có bổ nhiệm công chức lãnh đạo trong cơ quan hành chính nhà nước từ nguồn nhân sự bên ngoài được không?
- Ủy quyền quyết toán thuế là gì? Ai được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là cán bộ hay công chức?
- Công chức biệt phái, luân chuyển được hưởng chế độ chính sách ra sao?