Tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là bao nhiêu?
Đối tượng nào phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ theo Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, đối tượng phải đóng BHTN bao gồm:
- Người lao động:
+ Là người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn (có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên) hoặc không xác định thời hạn.
+ Người đang hưởng lương hưu, là giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân.
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác.
+ Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.
Tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Mức đóng, nguồn hình thành và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
...
Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác định như sau:
(1) Đối với người lao động:
Mức đóng của người lao động = 1% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Trong đó: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (căn cứ theo Điều 58 Luật Việc làm 2013).
Tăng lương cơ sở là tăng cho các đối tượng trong khu vực công. Do đó, những người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 46,8 triệu đồng (do lương cơ sở đã tăng là 2.340.000 đồng tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
(2) Đối với người sử dụng lao động:
Mức đóng của doanh nghiệp = 1% x Quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Kết luận: Tăng lương cơ sở sẽ ảnh hưởng đến tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ dẫn đến mức đóng BHTN sẽ tăng. Hiện nay, NLĐ và NSDLĐ phải đóng BHTN bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tiền lương tháng đóng BHTN của NLĐ.
Trường hợp những đối tượng được tăng lương do tăng lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHTN sẽ tăng dẫn đến mức đóng BHTN cũng tăng.
Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là khoảng thời gian nào?
Căn cứ theo Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.
3. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Theo đó, thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?