Người lao động nữ được hưởng thêm chế độ, quyền lợi gì hiện nay? So với quy định trước đây có gì khác biệt?
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động nữ tham gia lao động?
Căn cứ Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
2. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
3. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
4. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động cần có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
Quy định này được xây dựng dựa trên các Công ước của Liên hợp quốc và các Công ước của ILO.
Cụ thể, trong tuyển dụng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện bình đẳng về tiêu chuẩn độ tuổi không được phân biệt đối xử vì lý do giới.
Người lao động nữ được hưởng thêm chế độ, quyền lợi gì so với quy định trước đó? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động cần làm gì để đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ?
Căn cứ Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới như sau:
Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới
1. Quyền bình đẳng của người lao động:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
b) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong quan hệ lao động.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ. Việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định này.
3. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:
a) Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
b) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Theo đó, người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ cần thực hiện các điều sau để đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ:
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ.
- Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
- Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
- Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Hiện nay người lao động nữ được hưởng thêm chế độ, quyền lợi gì so với quy định trước đó?
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 vẫn trên tinh thần của Bộ luật Lao động 2012, giữ nguyên những đặc quyền, ưu tiên cho lao động nữ, nhất là đối với lao động nữ mang thai.
Ngoài ra Bộ luật lao động 2019 có nhiều thay đổi và bổ sung chế độ, quyền lợi dành cho lao động nữ như sau:
- Được ưu tiên ký hợp đồng lao động mới khi hết hạn hợp đồng trong thời kỳ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019)
Bộ luật lao động 2019 quy định mới với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Trước đây tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 và khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 1994 chưa có quy định về vấn đề này.
- Tăng thời gian và mở rộng đối tượng lao động nữ được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ lao động (khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 so với khoản 2 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 và khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 1994)
Tại Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 1994, quy định chỉ cho phép lao động nữ được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt thời gian lao động trong thời gian từ tháng thứ 7 đến khi sinh con, sang Bộ luật Lao động 2019, thời gian này kéo dài từ khi mang thai cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi.
- Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi mang thai (Điều 112 Bộ luật Lao động 1994, Điều 156 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 138 Bộ luật Lao động 2019)
Bộ luật Lao động 2019 quy định thêm về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian này hai bên có thể thỏa thuận dựa trên thời gian do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
- Lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (khoản 5 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019).
Bộ luật Lao động 2019 quy định mới về hai đối tượng mới được đưa vào những chính sách cho người lao động nữ sau khi đã có quy định hợp pháp việc mang thai hộ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó kể cả khi không phải là người trực tiếp mang thai nhưng nhờ người khác mang thai hộ thì vẫn sẽ được hưởng chế độ khi con được sinh ra. Bộ luật Lao động 1994 và Bộ luật Lao động 2012 chưa có quy định về vấn đề này.
- Khi quay trở lại làm việc sau nghỉ thai sản thì không bị thay đổi quyền, lợi ích (Điều 140 Bộ luật Lao động 2019)
Bộ luật lao động 2019 quy định rõ hơn về việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản quay lại làm việc không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản. Điều này trước đây quy định còn mập mờ, chưa rõ ràng tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật Lao động 1994 và Điều 158 Bộ luật Lao động 2012.
- Quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ và yêu cầu của công việc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (khoản 2 Điều 142 Bộ luật Lao động 2019)
Bộ luật Lao động 2019 quy định mới về danh mục nghề, công việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, khả năng sinh con của lao động nữ sẽ được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Sửa đổi khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 1994 và khoản 1 Điều 160 Bộ luật Lao động 2012.
Ngoài ra những đặc quyền khác lao động nữ vẫn được giữ nguyên như về thời giờ làm thêm, không bị xử lý kỷ luật, nghỉ khám thai, ...
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?