Người lao động làm việc trong bao lâu mới được nhận lương tháng 13?
Lương tháng 13 là gì?
Có thể hiểu lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng được trả thêm cho người lao động ngoài tiền lương tháng thường xuyên. Lương tháng 13 thường được trả vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Lương tháng 13 có thể được trả dựa trên lương tháng thường xuyên, thu nhập bình quân của người lao động trong năm hoặc một mức cố định.
Theo quy định của pháp luật thì khái niệm lương tháng thứ 13 chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản pháp quy nào. Tuy nhiên nó vẫn được người lao động coi như một khoản tiền thưởng của công ty.
Ngoài ra tại Điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, lương tháng thứ 13 là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc vào dịp tổng kết cuối năm khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhằm mục đích khuyến khích hoặc hỗ trợ người lao động làm việc và hoàn thành tốt công việc.
Người lao động làm việc trong bao lâu mới được nhận lương tháng 13? (Hình từ Internet)
Người lao động làm việc trong bao lâu mới được nhận lương tháng 13?
Pháp luật hiện nay không có quy định nào đặt ra về thời gian làm việc của người lao động để nhận được lương tháng 13. Mỗi doanh nghiệp sẽ đặt ra những điều kiện hưởng cũng như công thức tính riêng.
Tuy nhiên, thông thường để có tháng lương thứ 13, người lao động phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau đây:
- Có hợp đồng lao động bằng văn bản xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn;
- Có thời gian làm việc liên tục từ 01 tháng trở lên tính đến thời điểm tính lương tháng 13;
- Vẫn còn tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.
Khi đó, công thức tính tháng 13 sẽ tính theo số tháng làm việc của người lao động được tính như sau:
- Với người làm từ đủ 12 tháng trở lên:
Mức lương tháng 13 = Bình quân tiền lương của 12 tháng trong năm.
- Với người làm chưa đủ 12 tháng:
Mức lương tháng 13 = (Số tháng người lao động làm việc trong năm/12) x Bình quân tiền lương hàng tháng tính theo thời gian người lao động làm việc.
Doanh nghiệp không trả tiền lương cho người lao động như đã thỏa thuận thì có bị xử phạt không?
Căn cứ theo Điều 94 Bộ luật Lao đông 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Theo đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ nguyên tắc trả lương cho người lao động đầy đủ và đúng hạn.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Theo đó, trường hợp không trả tiền lương cho người lao động như đã thỏa thuận thì bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Lưu ý: mức xử phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp doanh nghiệp có cùng hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Như vậy, doanh nghiệp không trả tiền lương cho người lao động như đã thỏa thuận thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng lao động không được trả tiền lương như thỏa thuận.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?