Mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào?
- Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải ký quỹ hay không?
- Mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào?
- Các quy định về sử dụng và quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào?
- Tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động được trích khi nào?
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải ký quỹ hay không?
Theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động
1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
2. Chính phủ quy định việc ký quỹ, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Như vậy, doanh nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động thì ngoài điều kiện được cấp giấy phép thì phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng.
Mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ
1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ theo mức quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ).
...
Như vậy, mức ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động thực hiện ký quỹ tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Các quy định về sử dụng và quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay như thế nào?
(1) Sử dụng tiền ký quỹ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc sử dụng tiền ký quỹ như sau:
Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích:
+ Thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại
+ Bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
(2) Quản lý tiền ký quỹ
Theo quy định Điều 17 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc quản lý tiền ký quỹ như sau:
- Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm phong tỏa toàn bộ số tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại, quản lý tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật về ký quỹ.
- Ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện cho doanh nghiệp cho thuê lại:
+ Rút tiền ký quỹ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
+ Trích tiền ký quỹ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
+ Yêu cầu doanh nghiệp cho thuê lại nộp bổ sung tiền ký quỹ theo đúng quy định Điều 20 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
- Ngân hàng nhận ký quỹ không được cho doanh nghiệp cho thuê lại rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động được trích khi nào?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc trích tiền ký quỹ như sau:
Trích tiền ký quỹ khi doanh nghiệp cho thuê lại không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại
1. Khi hết 60 ngày kể từ ngày đến hạn mà doanh nghiệp chưa thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cho thuê lại thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại sau khi trao đổi với cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan tổ chức liên quan khác. Sau 10 ngày kể từ ngày Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu mà doanh nghiệp cho thuê lại không thực hiện thanh toán, không có văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ để thanh toán chế độ cho người lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại để thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu doanh nghiệp cho thuê lại báo cáo về số lượng, danh sách người lao động cho thuê lại, số tiền chưa thanh toán, bồi thường các chế độ, quyền lợi của từng người lao động thuê lại. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp cho thuê lại phải hoàn thành việc báo cáo. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp cho thuê lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại để thanh toán chế độ cho người lao động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại. Quyết định trích tiền ký quỹ theo Mẫu số 03/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại và trực tiếp chi trả cho người lao động thuê lại theo danh sách kèm theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê được thanh toán theo thứ tự ưu tiên: tiền lương; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện thanh toán, bồi thường cho người lao động thuê lại theo quy định tại khoản 1 Điều này và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, tiền ký quỹ sẽ được trích ra khi doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại như:
+ Thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại
+ Bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?